Làm lại cuộc đời nhờ nguồn vốn chính sách xã hội

08:21' - 13/03/2024
BNEWS Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Dương cho biết, NHCSXH Tuyên Quang bắt đầu triển khai chương trinh tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22 từ đầu tháng 10/2023.

Thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Quyết định số 22), Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác, đẩy mạnh tuyên truyền, rà soát, nhanh chóng đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng vay, giúp những người đã từng lầm lỡ vươn lên, gây dựng kinh kế, tái hòa nhập cộng đồng.

 

Bà Hoàng Lê Na, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cho biết, NHCSXH Tuyên Quang bắt đầu triển khai chương trinh tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22 từ đầu tháng 10/2023. Hai nhóm đối tượng được vay vốn gồm: cá nhân là người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Đến nay, Phòng Giao dịch NHCSXH đã triển khai giải ngân chương trình cho 4 hộ vay với tổng dư nợ 350 triệu đồng.

Theo Quyết định 22, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội và có nhu cầu vay vốn sẽ được công an cấp xã lập danh sách, có xác nhận của UBND cùng cấp gửi ngân hàng CSXH làm thủ tục vay vốn với lãi suất ưu đãi như đối với hộ nghèo. Mức cho vay để đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người; vay để sản xuất, kinh doanh tối đa 100 triệu đồng/người và thời hạn vay vốn tối đa là 5 năm.

Trở lại địa phương sau thời gian chấp hành án phạt tù, ông Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1960, thôn Đất Đỏ, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang mất nửa năm loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Văn Thành cho biết, khó khăn nhất là đồng vốn, không có vốn làm gì cũng khó, nhất là với người từng lầm lỡ như ông.

Vì vậy, khi biết thông tin Chính phủ có gói tín dụng hỗ trợ cho những người chấp hành xong án phạt tủ, ông Thành mạnh dạn đăng ký ngay. Qua kiểm tra, bình xét, ông Thành được vay 100 triệu đồng trong thời gian 36 tháng với lãi suất 6,6%/năm. Có vốn ông đầu tư xây dựng thêm chuồng trại và chăn nuôi lợn sinh sản.

Ông Nguyễn Văn Thành cho hay, đối với người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương như ông phải đối mặt với nhiều rào cản, khó khăn, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH không chỉ tạo điều kiện về vốn để phát triển kinh tế mà còn là sự chia sẻ, tiếp thêm sức mạnh để ông vươn lên trong cuộc sống.

Còn đối với gia đình anh Nguyễn Quang Phi và chị Dương Thị Hoa, thôn Ba Quanh, xã Tân Thanh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, số vốn 100 triệu đồng vừa được NHCSXH giải ngân cho vay theo Quyết định số 22 là trợ lực giúp anh Phi làm lại cuộc đời. Anh Nguyễn Quang Phi, thôn Ba Quanh, xã Tân Thanh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang chia sẻ, gần 3 năm kể từ ngày anh chấp hành xong án phạt tù, nhưng bản thân anh còn nhiều mặc cảm, tự ti về quá khứ, khó khăn trong việc thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng và tìm kiếm việc làm.

Có nguồn vốn vay của NHCSXH, gia đình anh Phi đầu tư làm chuồng trại và mua 4 con bò sinh sản. Sẵn có đất vườn, gia đình anh trồng cỏ, trồng ngô, tạo nguồn thức ăn cho vật nuôi. Được tiếp cận những chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh Phi rất phấn khởi, có thêm động lực cùng gia đình tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Theo bà Hoàng Lê Na, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Dương, để tiếp tục tạo điều kiện về vốn cho những người chấp hành xong án phạt tù, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện sẽ tích cực phối hợp cùng các tổ chức chính trị xã hội; các xã, thị trấn tập trung rà soát nhu cầu vay vốn và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay vốn đối với các trường hợp có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn; tăng cường kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay để bảo đảm nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả...

Trung tá Lê Mạnh Cường, Phó Trưởng Công an huyện Sơn Dương cho biết, đến hết tháng 1/2024, huyện Sơn Dương có 331 người đã chấp hành xong án phạt tù. Công an huyện Sơn Dương xác định việc thực hiện các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn là một trong 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đột phá của công an huyện.

Với vai trò là cơ quan thường trực, đơn vị đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các ngành, cơ quan, xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng theo đúng quy định của pháp luậ; trong đó có chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Cũng theo Trung tá Lê Mạnh Cường, để nâng cao chất lượng công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù, huyện Sơn Dương đã giao chỉ tiêu thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng năm 2024 đến 31 xã, thị trấn trên địa bàn. Theo đó, phấn đấu đào tạo nghề cho 45 người, giới thiệu việc làm cho 53 người, hỗ trợ vay vốn cho 23 người; trong đó hỗ trợ ít nhất từ 10 trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở lên được vay vốn tín dụng chính sách theo Quyết định số 22.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục