Lạm phát ở Anh tăng lên mức cao nhất trong 9 năm qua

06:40' - 17/09/2021
BNEWS Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cho biết, lạm phát ở Anh tăng lên mức cao nhất 9 năm qua trong tháng 8, chủ yếu do kế hoạch “Ăn hết để giúp đỡ” đã giảm giá bữa ăn ở nhà hàng xuống trong năm ngoái.

Cụ thể, theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), giá tiêu dùng tháng 8/2021 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020; đây là mức tăng hàng năm cao nhất kể từ tháng 3/2012.

Giá tiêu dùng ở Anh trong tháng 7/2021 đã tăng 2% so với cùng tháng 7/2020.

Mức tăng giá tiêu dùng cao kỷ lục nói trên đã vượt dự đoán của các chuyên gia kinh tế. Sự gia tăng bất ngờ này làm lung lay quan điểm của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) rằng lạm phát có thể kiểm soát được và chỉ mang tính tạm thời.

Lạm phát trong tháng Tám tăng chủ yếu do giá thực phẩm, dịch vụ vận tải, đồ nội thất và dịch vụ nhà hàng tăng mạnh trong bối cảnh chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19. Giá cả trong các lĩnh vực này đã tăng hơn 1% so với tháng Bảy.

Bên cạnh đó, chuyên gia thống kê Jonathan Athow của ONS cho rằng phần lớn sự gia tăng trên có thể chỉ là tạm thời do giá cả tại các nhà hàng và quán cà phê giảm đáng kể trong năm ngoái nhờ kế hoạch hỗ trợ “Ăn hết để giúp đỡ”.

Trước đó vào tháng 8/2020, Chính phủ Anh đã cung cấp hỗ trợ giảm giá 50%, lên tới 10 bảng Anh (13,82 USD), mỗi người cho một bữa ăn từ thứ Hai đến thứ Tư hàng tuần, nhằm tái khởi động nền kinh tế và khuyến khích người dân chi tiêu trở lại sau khi phong tỏa do đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, việc lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến sẽ thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách của BoE vào thời điểm họ đang cân việc kết thúc sớm kế hoạch kích thích kinh tế được đưa ra vào lúc bùng phát đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 trong năm ngoái.

Trước đó, BoE dự báo lạm phát sẽ đạt mức 4% vào cuối năm nay, sau đó giảm trở lại trong cả năm 2022 và 2023.

Việc lạm phát tăng cao khi quý IV còn chưa bắt đầu là một cú sốc. Điều này phần nào cho thấy nền kinh tế đang nóng lên rất nhiều so với dự đoán.

Bà Yael Selfin, nhà kinh tế trưởng của công ty kiểm toán KPMG Anh, cho rằng mặc dù chỉ số giá tiêu dùng có thể dịu lại trong tháng Chín, nhưng những khó khăn trong tuyển dụng lao động, áp lực chi phí của các doanh nghiệp, các vấn đề về chuỗi cung ứng và những thay đổi về cơ cấu thời kỳ hậu COVID-19 là những nguyên nhân có thể khiến lạm phát tiếp tục tăng cao cho tới ít nhất là cuối năm nay.

Chuyên gia Selfin cho rằng lạm phát cao hơn chắc chắn sẽ đặt ra câu hỏi lớn cho BoE về thời điểm thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất để kiềm chế nguy cơ lạm phát tăng cao hơn nữa.

Tuy nhiên, bà Selfin cho rằng có nhiều khả năng việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể sẽ được trì hoãn cho đến giữa năm tới, nhằm tránh ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế trước đó.

Trong khi đó, một số nhà đầu tư dự đoán rằng các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ phải tăng lãi suất ngay từ đầu năm tới để giữ cho nền kinh tế không phát triển quá nóng.

Ông Hugh Gimber, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại công ty quản lý tài sản J.P. Morgan Asset Management, cho biết BoE có khả năng là một trong những ngân hàng trung ương lớn đầu tiên tăng lãi suất trong năm tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục