Lạm phát tại Nhật Bản trở thành mối lo ngại

07:30' - 10/02/2025
BNEWS Lạm phát ở Nhật Bản có thể khó kiểm soát hơn dự kiến, gây nguy cơ cho tăng trưởng tiền lương thực tế và có thể trở thành lực cản đối với mức tiêu dùng hộ gia đình rất cần thiết.

Nhà kinh tế trưởng Saisuke Sakai tại Mizuho Research & Technologies, nhận định: "Mặc dù Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) dự báo giá thực phẩm và lạm phát chung sẽ chậm lại từ nửa cuối năm 2025, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là điều này có thể không thực sự xảy ra".

 

Nhật Bản đã vật lộn với tình trạng giảm phát trong nhiều thập kỷ. BoJ đã giữ lãi suất ở mức thấp hoặc gần bằng 0 trong nhiều năm để giá cả tăng trở lại. Hiện tại, lạm phát đang tăng lên và trở thành vấn đề đối với người lao động, những người thấy rằng tiền lương của họ hầu như không tăng hoặc thực sự giảm theo từng tháng trên cơ sở thực tế.

Tăng trưởng tiền lương thực tế ở Nhật Bản đã giảm 0,2% vào năm 2024, năm thứ ba liên tiếp ghi nhận suy giảm. Vào năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,7%, thấp hơn năm trước, nhưng vẫn là một trong những mức tăng nhanh nhất của một thập kỷ. Tỷ lệ này cũng tăng đáng kể vào cuối năm.

Ngân hàng trung ương đang bắt đầu điều chỉnh dự báo của mình cao hơn. Trong báo cáo triển vọng cập nhật hàng quý, được công bố ngày 24/1, BoJ ước tính giá tiêu dùng tăng 2,4% không bao gồm thực phẩm tươi sống trong năm tài chính 2025 (bắt đầu từ tháng 3/2025), tăng so với mức 1,9% ước tính trong báo cáo vào tháng 10/2024.

BoJ giải thích rằng việc điều chỉnh tăng chủ yếu là do các yếu tố đẩy chi phí, chẳng hạn như hàng hóa nhập khẩu tăng do đồng yen suy yếu. Ngân hàng cho biết giá gạo tăng gần đây cũng đang thúc đẩy lạm phát.

Thống đốc ngân hàng trung ương Kazuo Ueda nhấn mạnh rằng áp lực lạm phát có thể sẽ bắt đầu giảm vào nửa cuối năm, với việc ngân hàng ước tính giá tiêu dùng sẽ chỉ tăng 2% trong năm tài chính 2026. “Lạm phát cơ bản có vẻ vẫn nằm trong phạm vi xu hướng tăng dần, như chúng tôi đã kỳ vọng”, Thống đốc Ueda nhận định.

Hai biến số có thể đóng vai trò then chốt trong triển vọng lạm phát là tỷ giá hối đoái và giá thực phẩm. Do những biến động liên quan đến chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, "đặc biệt là về thuế quan, rất khó để dự đoán tỷ giá hối đoái sẽ đi theo hướng nào", Yuichi Kodama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Meiji Yasuda, phân tích.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục