Lạm phát tăng chậm, Nhật Bản có thể lùi kế hoạch tăng lãi suất

18:01' - 24/05/2024
BNEWS Lạm phát cơ bản vẫn cao hơn mục tiêu 2% của BoJ và dữ liệu mới nhất khó có thể ngăn cản ngân hàng trung ương bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Dữ liệu của chính phủ công bố ngày 24/5 cho thấy tốc độ lạm phát của Nhật Bản đã chậm lại trong tháng 4/2024 do giá khí đốt giảm, làm dấy lên câu hỏi về thời điểm Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tăng lãi suất một lần nữa.

 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), không tính giá thực phẩm tươi dễ biến động, ở mức 2,2% vào tháng 4/2024, so với mức 2,6% được Bộ Nội vụ ghi nhận trong tháng 3/2024. Con số này phù hợp với dự báo của thị trường và diễn ra ngay cả khi đồng yen yếu khiến giá hàng nhập khẩu tăng.

Chuyên gia Taro Kimura từ Bloomberg Economics cho biết số liệu trên có thể phản ánh động thái kiềm chế tăng giá của các công ty để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trì trệ. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản vẫn cao hơn mục tiêu 2% của BoJ và dữ liệu mới nhất khó có thể ngăn cản ngân hàng trung ương bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Trong khi Mỹ và các nền kinh tế lớn khác phải chống chọi với lạm phát cao ngất ngưởng trong những năm gần đây, thì mức tăng giá ở Nhật Bản không quá khắc nghiệt.

Chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và kéo dài của BoJ được tạo ra để xóa bỏ tình trạng trì trệ và thiểu phát khỏi nền kinh tế lớn thứ tư thế giới này. BoJ đang hướng tới mục tiêu lạm phát do nhu cầu bền vững ở mức 2%, trái ngược với lạm phát do các yếu tố tạm thời không ổn định như căng thẳng ở Ukraine (U-crai-na).

Trong tháng 3/2024, BoJ đã tăng lãi suất cho vay lần đầu tiên kể từ năm 2007 một phần nhờ đạt được mục tiêu của mình. Một số nhà phân tích dự đoán lần tăng tiếp theo có thể diễn ra vào mùa Hè hoặc tháng 10/2024.

Ông Kimura cho biết BoJ "dường như tin tưởng rằng một chu kỳ lương-giá tích cực sẽ thúc đẩy lạm phát trong tương lai", liên quan đến kỳ vọng việc tăng lương sẽ giúp đạt được mức lạm phát bền vững mà các quan chức ngân hàng mong muốn. Ông cho hay giá tiện ích tăng cũng sẽ đẩy lạm phát lên trong những tháng tới, mang đến tín hiệu tốt cho việc tăng lãi suất của BoJ vào tháng Bảy và tháng Mười tới.

Chuyên gia Jeemin Bang từ Moody's Analytics cho biết lạm phát sẽ giảm trong những tháng tới, nhưng đồng yen suy yếu và việc loại bỏ dần trợ cấp năng lượng có thể khiến tốc độ giảm của lạm phát sẽ chậm lại.

Bà Bang cảnh báo tăng trưởng lương trong nửa cuối năm sẽ thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng. Tuy nhiên dữ liệu về tiền lương vẫn còn bấp bênh, điều này làm phức tạp triển vọng của BoJ khi họ muốn tăng lãi suất hơn nữa.

Các ngân hàng trung ương lớn khác bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn có lãi suất cao hơn nhiều. Sự chênh lệch lớn này đã gây áp lực rất lớn lên đồng yen, đồng tiền đã chạm mức thấp nhất 34 năm trong tháng trước, khiến các nhà chức trách phải can thiệp vào thị trường ngoại hối để hỗ trợ.

Đồng yen yếu có lợi cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản và du khách nước ngoài, nhưng nó làm cho hàng nhập khẩu và du lịch ra nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục