Lạm phát toàn cầu thu hút sự chú ý lớn hơn "các chuyển động chính trị" tại Mỹ

08:46' - 30/06/2022
BNEWS Giá cả tăng và lạm phát là trọng tâm trong cuộc họp tuần này của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại Đức.

Lạm phát có thể là trọng tâm của "trò chơi đổ lỗi" chính trị trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ đang bắt đầu diễn ra, nhưng các nhà kinh tế cảnh báo rằng vấn đề và các giải pháp hiệu quả nhất đối với vấn đề này nằm ở phạm vi trên toàn cầu.

 

Giá cả tăng là trọng tâm trong cuộc họp tuần này của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại Đức. Vào ngày 28/6, Nhà Trắng cho biết đang đầu tư 760 triệu USD để chống lại tác động của giá lương thực, nhiên liệu và phân bón cao. Hội đồng châu Âu cho biết cuộc chiến ở Ukraine đang dẫn đến việc tăng giá mạnh và G7 cần phải “hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu".

Hội đồng châu Âu nhấn mạnh sự đoàn kết và quyết tâm hỗ trợ mạnh mẽ Ukraine trong việc sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc, dầu mỏ và các sản phẩm nông nghiệp khác, thúc đẩy các sáng kiến phối hợp thúc đẩy an ninh lương thực toàn cầu và giải quyết các nguyên nhân của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang diễn ra.

Tại Mỹ, lạm phát đứng ở mức cao nhất trong 40 năm với 8,6% vào tháng 5/2022, đè nặng lên chi phí cá nhân và khiến người dân nghèo hơn. Trên khắp thế giới, lạm phát đang làm dấy lên các phong trào phản đối, được thúc đẩy bởi chi phí sinh hoạt tăng cao so với giá hàng hóa như thực phẩm và xăng dầu.

Tại Vương quốc Anh, nơi lạm phát cao hơn ở Mỹ - với trên 9% - cuộc đình công trong ngành đường sắt lớn nhất trong 30 năm đã làm gián đoạn việc đi lại khắp đất nước và chứng kiến hàng chục nghìn công nhân bỏ việc. Cũng có những lo ngại rằng cuộc đình công trong ngành đường sắt có thể là cuộc tấn công đầu tiên trong số nhiều cuộc tấn công ở nước này.

Người đứng đầu công đoàn Mick Lynch cho biết trong một tuyên bố vào tuần trước rằng, các thành viên công đoàn đường sắt của Vương quốc Anh “đang dẫn đường cho tất cả công nhân ở đất nước này, những người đang mệt mỏi vì lương và các điều kiện bị cắt giảm bởi sự kết hợp giữa lợi nhuận kinh doanh lớn và chính sách của chính phủ”, đồng thời nói thêm rằng nhóm này đang tìm kiếm một “mức tăng lương xứng đáng”.

Tại Hàn Quốc, nơi lạm phát lần đầu tiên vượt 5% trong hơn một thập kỷ, các chủ xe tải đã đạt được thỏa thuận với chính phủ vào đầu tháng này sau cuộc đình công kéo dài một tuần để được đảm bảo mức lương tối thiểu. Điều này dẫn đến việc nhà sản xuất thép Hàn Quốc POSCO cũng như nhà sản xuất ô tô Hyundai phải cắt giảm sản lượng, và cho biết doanh số bán hàng đang phải đối mặt với “môi trường bên ngoài không thuận lợi”.

Lạm phát cũng đã đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ lên 5,2% ở Pháp, nơi có nhiều lo ngại về việc liệu sẽ có sự hồi sinh của phong trào biểu tình cấp cơ sở Gilets Jaunes, hay Áo Vàng vào mùa Thu này hay không.

Trong vài tháng qua, các cuộc biểu tình liên quan đến kinh tế và lạm phát đã được báo cáo ở Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Ireland, Tunisia, Sri Lanka và Peru, nơi chính phủ áp đặt lệnh giới nghiêm và ban hành nhiều biện pháp khẩn cấp sau khi các cuộc biểu tình trở nên bạo lực vào đầu năm nay.

Chuyên gia Hamid Rashid, người đứng đầu bộ phận giám sát kinh tế toàn cầu của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc cho biết: “Lạm phát không chỉ ở Mỹ hay ở châu Âu, mà còn ở các nước đang phát triển và gần như ở khắp mọi nơi”. Sự phổ biến này có nghĩa là người lao động ở nhiều quốc gia với các hệ thống chính trị và động lực xã hội khác nhau đang thúc đẩy theo cùng một hướng, gây áp lực lên thị trường lao động toàn cầu mà nhiều ngân hàng trung ương đang hy vọng nới lỏng.

Một số nhà kinh tế cho rằng ở Mỹ, việc có một thị trường lao động lỏng lẻo hơn, hoặc tỷ lệ thất nghiệp cao hơn một chút, sẽ giảm bớt một số áp lực khiến các công ty tiếp tục tăng giá để thu lợi nhuận cho các nhà đầu tư của họ. Nhưng với hơn 11 triệu việc làm đang để trống và tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 3,6% - vẫn chưa thấp bằng mức trước đại dịch là 3,5% - một thị trường lao động lỏng lẻo hơn có thể là một vấn đề đáng chú ý.

Điều này có nghĩa là "các biện pháp can thiệp từ phía cung" - các biện pháp nhằm vào các ngành cụ thể và các điểm "tắc nghẽn" hệ thống, chẳng hạn như ngành vận tải biển - mà một số nhà kinh tế đang khuyến nghị để chống lạm phát có thể không hiệu quả như các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ hoặc trên thế giới kỳ vọng.

Ông Rashid cho rằng khi nghĩ về mặt cung ứng, chúng ta có xu hướng tập trung vào chuỗi cung ứng, song chuỗi cung ứng chỉ là một phần của phía cung, còn yếu tố quan trọng nhất của phía cung là nguồn cung lao động. Chuyên gia này cũng cho rằng: “Nguồn cung lao động có nhiều bất ổn và kéo theo đó là nhiều vấn đề trong chuỗi cung ứng, từ đóng gói đến vận chuyển đến kho bãi cho đến thông quan tại cảng. Đừng đánh giá thấp vai trò của nguồn cung lao động trong hầu hết các nền kinh tế".

Với thị trường việc làm thắt chặt ở Mỹ và người lao động có thể yêu cầu trả lương cao hơn cả ở đây và ở các quốc gia khác, nguồn cung toàn cầu của nền kinh tế có thể mất một thời gian để đồng bộ hóa. Đó là lý do tại sao các nhà kinh tế đang coi việc tăng cường hợp tác quốc tế là một biện pháp bổ sung quan trọng trong cuộc chiến chống lạm phát.

Sự kết hợp này có thể dưới nhiều hình thức, bao gồm các chính sách phối hợp của ngân hàng trung ương, các khuôn khổ pháp lý tuân thủ và cải tiến chuỗi cung ứng. Một yếu tố thúc đẩy thêm vấn đề này, ít nhất là giữa các cường quốc phương Tây, là cuộc chiến ở Ukraine, mà các nhà kinh tế lưu ý đã đưa G7 xích lại gần nhau hơn.

Giáo sư Abraham Newman tại Đại học Georgetown cho biết trong một sự kiện trực tuyến về toàn cầu hóa kinh tế do Viện Brookings tổ chức rằng: “Tại sao lại có sự hợp tác này ngay bây giờ? Đầu tiên, hãy nhận ra đó thực sự là sự hợp tác của phương Tây. G7 thực sự đang dẫn dắt việc này”.

Bất chấp tính chất toàn cầu của lạm phát, cuộc chiến giữa các đảng viên Dân chủ và đảng Cộng hòa xem đâu là nguyên nhân gây ra vấn đề chi phí sinh hoạt cao vẫn diễn ra gay gắt. Các thành viên đảng Cộng hòa tại Ủy ban Tài chính Hạ viện cho biết trong một tuyên bố hôm 27/6 rằng Nhà Trắng và các đảng viên Dân chủ quốc hội phủ nhận về cách các chính sách của họ thúc đẩy lạm phát, đề cập đến gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Một nghiên cứu từ chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại San Francisco vào tháng 3/2022 đã phát hiện ra rằng kích thích tài chính trực tiếp liên quan đến đại dịch - được đưa ra dưới thời cả chính quyền Tổng thống Donald Trump và Biden - “có thể đã góp phần vào khoảng 3 điểm phần trăm của sự gia tăng lạm phát của Mỹ cho đến cuối năm 2021”. Trong khi đó, các đảng viên Dân chủ lại tập trung vào việc tăng giá của giới chủ doanh nghiệp và sự tập trung thị trường vào khu vực tư nhân như những nguyên nhân dẫn đến lạm phát.

Tổng thống Biden đầu tháng này đã chỉ trích các công ty dầu mỏ vì trục lợi trong khi giá khí đốt tăng vọt. Thượng nghị sĩ độc lập bang Vermont Bernie Sanders đã đưa ra một dự luật vào tháng 3/2022 nhằm đánh thuế lợi nhuận thu được của các tập đoàn, một biện pháp tương tự như những biện pháp được ban hành trong thế kỷ 20 trong thời kỳ chiến tranh. Ông Sanders cho biết, người dân Mỹ ngày càng mệt mỏi vì bị các tập đoàn thu lợi nhuận kỷ lục trong khi các gia đình lao động buộc phải trả giá xăng, tiền thuê nhà, thực phẩm và thuốc kê đơn cao ngất ngưởng.

Bất kể lạm phát có phải là một vấn đề toàn cầu hay không, người Mỹ mong đợi hành động trên mặt trận lạm phát và nhiều khả năng sẽ bày tỏ kỳ vọng đó tại các cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới. Một cuộc thăm dò của NewsNation-DDHQ được công bố vào tuần trước cho thấy 97% cử tri Mỹ "rất" hoặc "phần nào" lo ngại về lạm phát, trong khi lạm phát được xếp là vấn đề hàng đầu từ 72% số người được hỏi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục