Làm sao để giải quyết xung đột giữa cư dân với Ban quản trị chung cư?

15:53' - 11/03/2021
BNEWS Những xung đột lớn giữa Ban Quản trị với cư dân phải chấn chỉnh kịp thời; trong đó, Ban Quản trị là đại diện và bảo vệ quyền lợi cư dân, được hình thành từ hội nghị nhà chung cư.
"Ban Quản trị nhà chung cư không minh bạch tài chính trong việc quản lý, sử dụng phí bảo trì 2%, không bảo vệ quyền lợi cư dân nhưng lại bảo vệ quyền lợi chủ đầu tư, vi phạm trong việc thu phí các hạng mục phục vụ cộng đồng... khiến mâu thuẫn giữa cư dân và Ban Quản trị diễn ra ngày càng phổ biến, căng thẳng. Đây là thực trạng được phản ánh tại hội thảo “Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư” do báo Thanh Niên tổ chức ngày 11/3 tại Tp. Hồ Chí Minh.
Dưới góc độ cư dân, bà Ngọc Oanh, cư dân chung cư Central Garden (Quận 1) cho rằng, mâu thuẫn giữa dân cư và Ban Quản trị xoay quanh 2 vấn đề chính là việc thi hành nhiệm vụ, quyền hạn và sự minh bạch tài chính của Ban Quản trị. Cụ thể, Ban Quản trị hoạt động chưa được bao lâu nhưng lại để xảy ra tình trạng chia rẽ, mất đoàn kết. Nội bộ của Ban Quản trị chia thành 2 nhóm, bảo vệ cho cư dân và bảo vệ cho quyền lợi chủ đầu tư cũ.
Thậm chí Trưởng Ban Quản trị còn tự ý mang danh cá nhân ký các văn bản gửi cơ quan chức năng, ký các hợp đồng trái pháp luật như hợp đồng bảo trì thang máy... mà không thông qua Ban Quản trị.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh, đối với việc bảo vệ quyền lợi cư dân, ngoài cơ quan quản lý Nhà nước, thể chế pháp luật, các chủ đầu tư chính trực còn là Ban Quản trị nhà chung cư, các hiệp hội và thậm chí là cơ quan truyền thông báo chí.
“Những xung đột lớn giữa Ban Quản trị với cư dân phải chấn chỉnh kịp thời; trong đó, Ban Quản trị là đại diện và bảo vệ quyền lợi cư dân, được hình thành từ hội nghị nhà chung cư. Trong khi đó, cư dân có quyền được nhận nhà đảm bảo chất lượng, chủ đầu tư phải thực hiện các cam kết theo quy định và thỏa thuận trong hợp đồng mua bán.
Khi xảy ra tranh chấp trong vấn đề này thì người bảo vệ cư dân chính là UBND phường, quận nơi có chung cư; đồng thời, Ban Quản trị nhà chung cư phải thực hiện đúng Nghị quyết hội nghị nhà chung cư, không được tự ý sử dụng quỹ bảo trì chung cư, nếu sai phạm có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự”, ông Lê Hoàng Châu nêu quan điểm.
Trong khi đó, theo đại diện Công ty Bất động sản An Gia cho rằng, cần có quy định về tiêu chí người tham gia Ban Quản trị vừa đảm bảo đủ trình độ để hiểu được nghĩa vụ và trách nhiệm, tránh tư lợi riêng. Ngoài ra, cũng cần có quy chế về thù lao cho Ban Quản trị để họ có thể xem đây là công việc chính thức.
Dưới góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh cho biết, khi tổ chức hội nghị nhà chung cư, Ban Quản trị phải công khai tài chính theo quy định, nếu không thực hiện sẽ có chế tài xử lý. Tuy nhiên hiện nay có những hội nghị nhà chung cư tổ chức chưa rõ ràng, ảnh hưởng đến việc bầu Ban Quản trị. Sở Xây dựng đang tổng hợp và sẽ có kiến nghị lên Bộ Xây dựng.
“Trong quá trình sử dụng nhà chung cư phát sinh tranh chấp, Sở Xây dựng Thành phố kiến nghị các đơn vị liên quan xây dựng bộ văn hoá sử dụng nhà chung cư để người dân tham khảo. Từ đó, hạn chế các tranh chấp phát sinh”, đại diện Sở Xây dựng cho biết thêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục