Làm sao để thúc đẩy đà tăng của sản xuất công nghiệp?

12:16' - 30/08/2019
BNEWS Tính chung 8 tháng năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tại Tp. Hồ Chí Minh tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, các ngành công nghiệp trọng điểm có tín hiệu tăng trưởng chậm lại, đặt ra thách thức cho thành phố trong việc thúc đẩy sản xuất tăng tốc trong những tháng cuối năm để hoàn thành những chỉ tiêu của năm 2019.

*Công nghiệp trọng điểm tăng thấp

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Tenma, KCN Quế Võ, Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Theo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, 4 ngành công nghiệp trọng điểm của Tp. Hồ Chí Minh trong 8 tháng năm 2019 chỉ tăng 6,4% so cùng kỳ năm 2018, thấp hơn 0,8 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất chung của toàn ngành công nghiệp; trong đó, ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống tăng 0,4%; ngành hóa dược giảm 0,7%; ngành điện tử tăng 24,2%; ngành cơ khí tăng 9,4%.

Qua đó, có thể thấy trong 4 ngành chỉ có ngành sản xuất hàng điện tử tăng cao do doanh nghiệp thường xuyên ứng dụng công nghệ mới, hiện đại; sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao có thị trường tiêu thụ ổn định.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, chỉ số số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 8/2019 tăng 53% so cùng kỳ năm trước; trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như sản xuất kim loại tăng 293%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 203%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 162%...

Tuy nhiên, báo cáo của Sở Công Thương cũng cho thấy, cũng có các ngành như: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3%; sản xuất và phân phối điện (9,1%); cung cấp nước và xử lý rác thải (0,8%)...

Mặt khác, ngành sản xuất chủ yếu có chỉ số sản xuất công nghiệp lũy kế 8 tháng năm 2019 tăng cao hơn chỉ số chung toàn ngành công nghiệp, gồm: thiết bị điện tử; thiết bị điện; đồ uống... Theo đại diện các sở, ngành thành phố, từ những kết quả tích cực này đến từ hoạt động sản xuất của lĩnh vực chủ chốt duy trì mức tăng trưởng nên đã thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành công nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.

Tình hình sản xuất công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh trong tháng 8/2019 và 8 tháng năm 2019 với chỉ sản xuất công nghiệp, chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho vẫn duy trì ở tương đối. Mặc dù vậy, thành phố cần đánh giá lại động lực tăng trưởng của ngành công nghiệp trọng điểm và tăng cường giải pháp mang tính đột phá tạo điều kiện tốt hơn nữa cho doanh nghiệp phát triển sản xuất trong những tháng tiếp theo.

*Tận dụng lợi thế từ các FTA

Tính chung 8 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh ước tính đạt trên 747.320 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Còn kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước ước đạt 27,178 tỷ USD, tăng 8,9% so cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch xuất khẩu không tính dầu thô đạt 25.621 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ năm trước.

Sơ chế đóng gói thanh long xuất khẩu ở Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm Cát Tường (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Mặc dù, trong thời gian qua, sở, ngành Tp. Hồ Chí Minh đã nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu theo hướng gắn kết mặt hàng xuất khẩu và thị trường, tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho hay, doanh nghiệp cần nhận diện động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Điện Quang cho hay, việc đầu tư hạ tầng, nghiên cứu, phát triển, sản xuất và ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 giúp doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất bền vững trong bối cảnh thị trường thương mại tự do.

Nhằm chủ động trong việc sản xuất Điện Quang luôn trú trọng việc đầu tư hạ tầng, nghiên cứu, phát triển, sản xuất và ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 để rút ngắn thời gian, tiết kiệm nhân công nhưng mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.

Đơn cử, với tổng năng lực sản xuất 140 triệu sản phẩm một năm, Điện Quang hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất chip LED, khép kín chuỗi sản xuất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm ra thị trường. Không chỉ vượt trội trong lĩnh vực chiếu sáng và thiết bị điện, Điện Quang còn đầu tư nghiên cứu, phát triển mang đến các giải pháp thông minh, tạo dấu ấn bứt phá trong ngành công nghiệp tiêu dùng.

Còn theo ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC), thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp tăng cường năng lực cho doanh nghiệp như: hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng và phát triển thương hiệu; cung cấp thông tin thị trường, ngành hàng xuất khẩu...

Ngoài ra, những vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp cần nắm vững trong các FTA để nắm lấy cơ hội và phòng tránh rủi ro trong xuất khẩu, gồm: lộ trình cắt giảm thuế, các rào cản phi thuế quan, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, mua sắm công.

Hiện tại, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 96% tổng số lượng doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh; đồng thời, chủ yếu là doanh nghiệp có nguồn vốn và công nghệ còn hạn chế. Do đó, việc hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp này là rất cần thiết, đặc biệt là hoạt động hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục