Làm sao để tránh xung đột pháp luật trong Luật đất đai?

18:02' - 22/09/2023
BNEWS Ngày 22/9, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã chủ trì Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế về tài chính và quy hoạch đất đai”.

Hội thảo do Viện nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội) phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tổ chức.

 

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong nước, quốc tế đã trình bày, chia sẻ các vấn đề quan trọng liên quan đến chính sách tài chính, quy hoạch đất đai. Trong đó, tập trung chủ yếu đến bối cảnh quốc tế và tầm nhìn của Việt Nam cần hướng đến về hệ thống thông tin đất đai quốc gia, hiện đại hóa định giá đất; kinh nghiệm một số nước về thu hồi đất; phương pháp định giá đất dưới kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn, kiến nghị đối với Việt Nam.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về chính sách tài chính đất đai, giá đất và quy hoạch đất đai của một số nước Đông Nam Á; kinh nghiệm một số quốc gia châu Âu và châu Á về vấn đề định giá đất; một số khuyến nghị đối với Luật Đất đai (sửa đổi)…

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, Chuyên gia cao cấp về chính sách đất đai, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, xung đột pháp luật đang là một “vấn nạn” hiện nay trong quá trình xây dựng pháp luật. Luật Đất đai cũng vậy. Các quy định thuộc các điều trùng lặp nhau quá nhiều và dễ dẫn đến xung đột luật với các luật về sử dụng đất.

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật khó, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của cả nhiệm kỳ; việc sửa đổi Luật huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân; quy định của Luật sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và quyền, lợi ích của người dân.

Vì vậy, Dự án Luật này đã được lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến qua 2 Kỳ họp Quốc hội. Trong Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào tháng 10/2023, nếu bảo đảm chất lượng, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua Dự án Luật này.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội thảo là sự kiện khoa học kịp thời và có ý nghĩa, nhằm tiếp tục cung cấp thêm thông tin khách quan, kinh nghiệm quốc tế cho việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm dự án Luật được xây dựng với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. 

Đồng thời, Hội thảo cũng cung cấp thêm quan điểm, góc nhìn đa chiều về các vấn đề này từ chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, nhà hoạt động thực tiễn về pháp luật, đất đai.

Sau Hội thảo, các ý kiến góp ý của chuyên gia sẽ được Viện Nghiên cứu lập pháp tổng hợp, chọn lọc, tiếp thu để gửi đến lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan để nghiên cứu, tham khảo, góp phần phục vụ việc Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp sắp tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục