Làm thế nào để đối phó với lỗ hổng bảo mật của Facebook?

10:28' - 01/04/2018
BNEWS Vụ bê bối của Facebook với Cambridge Analytica không phải một vụ đánh cắp dữ liệu truyền thống: Facebook không bị tấn công và hệ thống của MXH này không bị xâm nhập.
Làm thế nào để đối phó với lỗ hổng bảo mật của Facebook? Ảnh: reuters

Mạng xã hội (MXH) lớn nhất thế giới Facebook đang là tâm điểm chỉ trích của dư luận trong thời gian gần đây vì đã cho phép công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica truy cập dữ liệu về hàng triệu người sử dụng Facebook mà không có sự đồng ý của họ.

Vì vậy, vấn đề bảo mật dữ liệu cho người sử dụng trên Internet đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Khi lòng tin bị lạm dụng

Vụ bê bối của Facebook với Cambridge Analytica không phải một vụ đánh cắp dữ liệu truyền thống: Facebook không bị tấn công và hệ thống của MXH này không bị xâm nhập.

Thay vào đó, Cambridge Analytica, một công ty phân tích dữ liệu của Anh được ê kíp tranh cử của Tổng thống Donald Trump thuê trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, đã bị cáo buộc thu thập và sử dụng thông tin của khoảng 50 triệu tài khoản Facebook từ một ứng dụng do Giáo sư tâm lý học Aleksandr Kogan thuộc Đại học Cambridge phát triển.

Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg mới đây cũng đã đăng lời xin lỗi, liên quan vụ bê bối rò rỉ thông tin trên các tờ báo của Anh.

Ông nhấn mạnh vụ việc là sự "lạm dụng tín nhiệm" và xin lỗi vì Facebook đã không nỗ lực nhiều hơn tại thời điểm vụ việc xảy ra.

Trước đó, khi nói lời xin lỗi tại buổi phỏng vấn trên truyền hình Mỹ ông Zuckerberg cũng đã nêu rõ điều này.

Liên quan đến bê bối nói trên, Cambridge Analytica đã bác bỏ cáo buộc thu thập trái phép thông tin cá nhân của 50 triệu người dùng Facebook.

Theo Cambridge Analytica, ban đầu công ty này cho rằng các dữ liệu được thu thập phù hợp với các điều luật bảo vệ dữ liệu, nhưng sau đó đã xóa tất cả các dữ liệu này theo yêu cầu của Facebook.

Công ty này khẳng định không sử dụng các dữ liệu nói trên phục vụ công việc tư vấn cho cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016.

Giới chức Mỹ cũng như châu Âu đang ngày càng gia tăng áp lực đối với Facebook. Giá cổ phiếu của Facebook trượt dốc kể từ ngày 16/3, thời điểm hãng lên tiếng thừa nhận vụ bê bối.

Nhiều công ty lớn cũng đã rút quảng cáo khỏi mạng xã hội đông người dùng nhất thế giới như Mozilla, Commerzbank AG, Pep Boys....

Trong những ngày qua, Facebook đã thiệt hại 100 tỷ USD giá trị vốn hóa trên thị trường từ khi vụ bê bối "lộ sáng".

Làn sóng tẩy chay Facebook cũng bắt đầu lan rộng với từ khóa #DeleteFacebook. Nhiều người cho rằng cách duy nhất để thực sự bảo vệ bản thân khỏi bị theo dõi và khai thác dữ liệu cá nhân nhằm phục vụ mục đích bất chính là rời bỏ hoàn toàn Facebook.

Học cách “sống chung với lũ”

Tuy nhiên, ngay cả khi chính Facebook xóa hết dữ liệu của người dùng, các ứng dụng bên thứ ba vẫn có thể lưu trữ chúng.

Một khi người dùng vô hiệu một ứng dụng từ tài khoản của mình, Facebook sẽ ngừng chia sẻ dữ liệu của họ với ứng dụng đó.

Song người dùng vẫn cần liên hệ trực tiếp để yêu cầu nhà phát triển ứng dụng xóa những dữ liệu bạn đã giao cho họ.

Vấn đề là hoàn toàn không có cơ chế giám sát để đảm bảo rằng nhà phát triển thực sự xóa dữ liệu của khi được yêu cầu.

Bên cạnh đó, việc từ bỏ MXH lớn nhất thế giới không phải là một lựa chọn thật sự khả thi với nhiều người.

Một số người sử dụng Facebook cho công việc của họ, trong khi một số khác coi MXH này là kênh hữu ích nhất để ghi nhớ những ngày sinh nhật, lên lịch sự kiện, đăng ảnh và giữ liên lạc với gia đình cùng bạn bè ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Theo các chuyên gia về an ninh mạng, việc xóa tài khoản Facebook không phải là một giải pháp lâu dài để bảo vệ dữ liệu của người dùng. Nếu vậy, bạn có thể làm gì nếu muốn tự bảo vệ mà không phải xóa tài khoản Facebook?

Câu trả lời là không có giải pháp nào hoàn hảo, nhưng bạn vẫn có thể thực hiện một vài bước sau để đảm bảo tài khoản được bảo mật tốt hơn.

Việc đầu tiên bạn có thể làm là hủy kết bạn với những người mà bạn không biết hoặc hầu như không nói chuyện cùng.

Có số lượng kết bạn cao là một điều vui thật đấy, nhưng vụ bê bối của Facebook và Cambridge Analytica đã chứng minh rằng dữ liệu của người dùng có thể bị tổn thương thông qua mạng lưới bạn bè.

Bên cạnh đó, bạn cần nhận thức được tài khoản của bạn đang công khai những thông tin nào. Facebook có một tùy chọn giúp bạn biết được công chúng nhìn thấy thông tin tài khoản của bạn hiển thị công khai ra sao.

Vào phần Cài đặt > Dòng thời gian và gắn thẻ> Xét duyệt> Xem lại những gì người khác nhìn thấy trên dòng thời gian của bạn > Xem trang với tư cách khác.

Những thông tin nhạy cảm mà bạn không muốn công khai (như số điện thoại, nơi làm việc, địa chỉ cư trú) đều có thể được tùy chỉnh tại mục Giới thiệu trên trang cá nhân.

Bạn cũng cần xem xét những ứng dụng nào có quyền truy cập dữ liệu của mình. Nếu đã sử dụng Facebook trong một thời gian dài, có lẽ bạn đã kích hoạt một số lượng khá lớn các ứng dụng mà không hề nhớ gì về chúng.

Hãy truy cập vào phần Cài đặt> Ứng dụng> Đã đăng nhập bằng Facebook và xóa bất cứ ứng dụng nào không thực sự cần truy cập vào tài khoản của bạn.

Xóa những ứng dụng này có đồng nghĩa với việc Facebook sẽ không còn cung cấp dữ liệu của bạn cho họ, mặc dù bạn vẫn phải liên hệ trực tiếp với nhà phát triển để yêu cầu họ xóa những dữ liệu đã có.

Khi bạn nhấn vào biểu tượng hủy, Facebook sẽ cung cấp một liên kết giúp bạn liên hệ với nhà phát triển để bắt đầu quá trình này.

Một bước mà các bạn có thể cân nhắc là vô hiệu hóa Giao diện lập trình ứng dụng (API - một nền tảng trung gian cho phép các ứng dụng giao tiếp với nhau) của Facebook.

Với API, nhiều trang web và ứng dụng cho phép người dùng đăng nhập với tài khoản Facebook của họ thay vì phải đăng ký mới.

Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ không cần ghi nhớ quá nhiều mật khẩu, song cũng cho phép Facebook thu thập dữ liệu của bạn từ những ứng dụng bên thứ ba và ngược lại.

Để tắt API, hãy vào Cài đặt> Ứng dụng> Ứng dụng, trang web, và plugin, chọn Chỉnh sửa>Vô hiệu hóa nền tảng.

Nhưng trước khi vô hiệu hoá nền tảng này, bạn nên cân nhắc những điều sẽ xảy ra. Bằng cách hạn chế bên thứ ba truy cập vào dữ liệu của bạn, tất cả ứng dụng nền tảng như Instagram và Twitter cũng sẽ bị vô hiệu.

Bạn cũng sẽ không còn có thể đăng nhập vào các trang web bằng cách sử dụng tài khoản Facebook của mình. Tuy nhiên, đây là một cách khá hiệu quả nếu bạn muốn tăng cường bảo mật dữ liệu mà không phải từ bỏ Facebook .

Một lần nữa phải nhắc lại rằng không có cách nào để đảm bảo rằng dữ liệu của bạn được bảo mật trên Internet hoàn toàn, song những bước nêu trên có thể giúp bạn yên tâm phần nào.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục