Làm thế nào Taliban có thể duy trì hoạt động kinh tế tại Afghanistan?

15:27' - 25/08/2021
BNEWS Sau khi giành quyền kiểm soát Kabul, lực lượng Taliban đã nỗ lực trấn an dư luận, lan tỏa cảm giác bình yên. Tuy nhiên, câu hỏi cấp thiết là làm thế nào để Taliban có thể duy trì hoạt động kinh tế?

Việc lực lượng Taliban giành được quyền kiểm soát thủ đô Kabul và tiếp quản Afghanistan hôm 15/8 được đánh giá là thời khắc mang tính định hình đối với khu vực cũng như tương lai địa chính trị nơi đây.

Trong khi hầu hết các bài bình luận đều tập trung vào khía cạnh quân sự và tiến trình hòa bình đổ vỡ, người ta lại ít nhắc đến các yếu tố kinh tế sẽ góp phần chi phối các sự kiện đang diễn ra, trong đó có các tuyến thương mại và hợp tác khai thác khoáng sản tại khu vực.

"Mạch sống" của Afghanistan

Kinh tế Afghanistan giảm 2% trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng Sáu dự báo GDP của nước này sẽ phục hồi và tăng 2,7% trong năm 2021 khi hoạt động thương mại được nối lại. Tuy nhiên, diễn biến chính trị mới đây tại quốc gia này đã khiến triển vọng kinh tế trở nên bấp bênh.

Sau khi giành quyền kiểm soát Kabul, lực lượng Taliban đã nỗ lực trấn an dư luận, lan tỏa cảm giác bình yên. Tuy nhiên, câu hỏi cấp thiết là làm thế nào để Taliban có thể duy trì hoạt động kinh tế?

Afghanistan - một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới - hiện phụ thuộc vào hơn 4 tỷ USD viện trợ chính thức mỗi năm, trong khi các nhà tài trợ nước ngoài trang trải cho 75% chi tiêu của chính phủ.

Dòng kiều hối và viện trợ quốc tế mà Afghanistan phụ thuộc có thể đối diện với triển vọng không chắc chắn. Một số nhà tài trợ phương Tây cho rằng có thể gây sức ép tài chính đối với phong trào Hồi giáo này, dưới hình thức đe dọa đình chỉ nguồn tài trợ nhân đạo và viện trợ phát triển.

Tuy nhiên, Taliban dường như không quá lo ngại về sức ép của các nhà tài trợ quốc tế. Sau khi giành quyền kiểm soát Afghanistan, Taliban cũng "tiếp quản" cả các mỏ khoáng sản trị giá nghìn tỷ USD chưa được khai thác tại quốc gia Tây Á này, trong đó bao gồm những nguyên liệu chiến lược đóng vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển sang năng lượng tái tạo của thế giới.

Theo báo cáo đầu năm nay của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), quốc gia Tây Á này sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào và đa dạng như bauxite, đồng, quặng sắt, lithium và đất hiếm. USGS ước tính trữ lượng khoáng sản chưa được khai thác của nước này giá trị khoảng 1.000 tỷ USD.

Triển vọng khai thác có thể thu hút các cường quốc như Trung Quốc để đảm bảo nguồn lực cho việc thúc đẩy nền kinh tế xanh, song những khó khăn trong việc tiếp cận và thiếu cơ sở hạ tầng đã làm phức tạp thêm hoạt động khai thác.

Đáng chú ý, trước khi tấn công thủ đô Kabul vào cuối tuần qua, Taliban đã giành được những tiềm năng kinh tế thực sự của đất nước; đó là các tuyến thương mại - bao gồm đường cao tốc, cầu và đường mòn - vốn đóng vai trò như những điểm nút chiến lược đối với thương mại ở Trung và Nam Á.

Thêm vào đó, Afghanistan có nền kinh tế phi chính thức và lượng tiền khổng lồ được cất giấu trong khu vực chiến sự ở nước này. Dòng lưu thông bất hợp pháp các mặt hàng thông thường như nhiên liệu và hàng nhập khẩu tiêu dùng là hoạt động buôn bán lớn nhất trong nền kinh tế phi chính thức.

Chẳng hạn theo một nghiên cứu về tỉnh biên giới Nimruz do Viện phát triển nước ngoài (Anh) ước tính, việc đánh thuế phi chính thức - chỉ việc nhân viên vũ trang thu phí để cho phép hàng hóa qua lại an toàn - đã giúp huy động được khoảng 235 triệu USD/năm cho lực lượng Taliban. Trong khi đó, tỉnh Nimruz  chỉ nhận được chưa đến 20 triệu USD/năm viện trợ nước ngoài.

Là một tỉnh miền Nam - “cứ địa” của phong trào ủng hộ Taliban, Nimruz có thể là cơ sở để Taliban tính toán về cách thức hoạt động của nền kinh tế. Taliban chiếm được Ghorghory, trung tâm hành chính của huyện Khashrud vào tháng Sáu và tiếp theo là thị trấn Delaram, nằm trên tuyến cao tốc chính hồi tháng Bảy.

Chỉ riêng hai thị trấn này có thể mang lại 18,6 triệu USD/năm cho Taliban nếu lực lượng này duy trì các hệ thống đánh thuế phi chính thức trước đây, trong đó bao gồm 5,4 triệu USD từ buôn bán nhiên liệu và 13 triệu USD từ hàng hóa quá cảnh.

"Tình thế khó xử" của các nước láng giềng

Tình hình bất ổn tại Afghanistan có thể gây ra những tác động lớn đối với các quốc gia láng giềng. Trong số này, Pakistan dự kiến chịu ảnh hưởng nhiều nhất, khi nước này vốn đã nhận gần 1,5 triệu người Afghanistan tị nạn và con số đó có thể tăng thêm hàng triệu người nữa khi họ tìm cách rời khỏi quê hương.

Các nước láng giềng của Afghanistan ở phía Bắc, bao gồm cả Uzbekistan và Turkmenistan cũng có những quan ngại tương tự.

Bên cạnh đó, diễn biến chính trị mới tại Afghanistan đặt ra một "tình thế khó xử" đối với các nước láng giềng. Các nước này có thể tiếp tục buôn bán, hợp tác thương mại với Afghanistan, hoặc từ chối những lợi ích thương mại và chấp nhận những thiệt hại tài chính.

Lấy ví dụ trường hợp của Iran. Ước tính Taliban đã kiếm được 84 triệu USD trong năm ngoái bằng việc đánh thuế những người Afghanistan buôn bán với Iran, và đó là trước khi lực lượng nổi dậy này chiếm được cả ba cửa khẩu biên giới chính của Afghanistan với Iran.

Tehran hiện đã đình chỉ mọi hoạt động thương mại với Afghanistan vào đầu tháng Tám, nhưng nhu cầu mở cửa giao thương giữa hai nước là rất lớn. Theo số liệu chính thức, hơn 2 tỷ USD giá trị thương mại đi qua các cửa khẩu này hồi năm ngoái và nghiên cứu cho thấy con số thực tế, khi tính cả thương mại không chính thức, có thể cao gấp đôi.

Trung Quốc là một trong ba quốc gia vẫn duy trì đại diện tại thủ đô của Afghanistan, cùng với Pakistan và Nga. Giới quan sát nhận định, Bắc Kinh đang muốn tham gia vào kế hoạch tái thiết của Afghanistan với việc tài trợ cho việc tái thiết cơ sở hạ tầng quan trọng ở quốc gia Tây Á này. Các chuyên gia Trung Quốc cho hay các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các dự án tài nguyên có thể diễn ra sau khi nền kinh tế Afghanistan khôi phục trật tự./.

>>Afghanistan đứng trước nền tài chính đang lung lay

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục