Lần đầu tiên tổ chức triển lãm quốc tế chuyên ngành Logistics

17:51' - 28/12/2022
BNEWS Trong các ngày từ 10 - 12/8/2023, lần đầu tiên triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam 2022 (VILOG) diễn ra tại SECC (Nhà B), 799 Nguyễn Văn Linh, quận 7, Tp Hồ Chí Minh.

Triển lãm dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) phối hợp với Công ty Vinexad tổ chức.

 
Theo đại diện Công ty Vinexad, với quy mô dự kiến 250 doanh nghiệp tham gia trưng bày các nhóm ngành hàng vận tải và giao nhận; hệ thống kho và xếp dỡ hàng hóa; đóng gói; dịch vụ và ứng dụng; công nghệ thông tin.

Triển lãm kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp logistisc Việt Nam phát triển xứng tầm với tiềm năng; đồng thời, tạo tiếng vang kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ vận hành, đào tạo nhân lực, thiết lập hệ sinh thái xanh trong ngành logistics.

Điểm đặc biệt, triển lãm được tổ chức cùng thời gian và địa điểm với triển lãm quốc tế chuyên ngành Vietfood & Beverage - Propack lần thứ 27. Mối giao thoa giữa 2 triển lãm ngành F&B và logistisc sẽ tạo thành chuỗi liên kết gia tăng hiệu quả thương mại, đa dạng hóa nguồn cung ứng, thúc đẩy cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội và ngoại khối.

Chuỗi sự kiện sẽ có quy mô lớn nhất trong ngành F&B và logistisc với 800 gian hàng trưng bày, dự kiến thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia vùng lãnh thổ.

Nhận định từ các chuyên gia, logistisc là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam, với tốc độ tăng bình quân từ 14 - 16%/năm, quy mô từ 40 - 42 tỷ USD/năm.

Theo bảng xếp hạng của Agility (Chỉ số logistics các thị trường mới nổi hàng năm), năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu nhờ sự ổn định về chính trị, xã hội và vị trí địa lý thuận lợi.

Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế lạc quan, sản xuất duy trì ổn định, nhất là sự bùng nổ và phát triển của thương mại điện tử giúp Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh, trở thành trung tâm chung chuyển hàng hóa của thế giới và là “mắt xích” trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, còn đó những khó khăn và thách thức hiện hữu như: chi phí dịch vụ cao, áp lực lên cơ sở hạ tầng ngày một lớn...

Theo các chuyên gia, ngành logistic rất cần phát triển kết nối hạ tầng, hợp tác công tư để mở rộng thành các trung tâm logistisc và chuỗi cung ứng toàn diện về lưu thông, chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục