“Làn sóng” giảm thuế cấp bang tại Mỹ

21:03' - 13/03/2022
BNEWS Giới chuyên gia chính sách nhận định rằng tại Mỹ, đang diễn ra một làn sóng cắt giảm thuế cấp bang nhờ thặng dư ngân sách cao và dự kiến sẽ còn thêm nhiều đợt như vậy trong năm nay.

Giới chuyên gia chính sách nhận định rằng tại Mỹ, đang diễn ra một làn sóng cắt giảm thuế cấp bang nhờ thặng dư ngân sách cao và dự kiến sẽ còn thêm nhiều đợt như vậy trong năm nay, khi các bang đang nỗ lực tạo môi trường cạnh tranh nhằm thu hút thêm người dân.

 

“Làn sóng” cắt giảm thuế cấp bang

Theo Trung tâm Chính sách Thuế Urban-Brooking (TPC), đã có 29 bang và Quận Columbia đã ban hành các khoản cắt giảm “đáng kể” trong năm 2021, thường thông qua việc giảm thuế thu nhập cá nhân hoặc mở rộng các khoản tín dụng thuế thu nhập từ lao động (một khoản xóa nợ cho các gia đình có thu nhập từ thấp đến trung bình).

Sang năm 2022, ít nhất một chục bang đã cắt giảm hoặc đang cân nhắc đến việc cắt giảm thuế, bao gồm cả các biện pháp tạm thời và lâu dài.

Ông Richard Auxier, cộng sự cấp cao tại TPC, cho biết dù đã có một số thúc đẩy đối với việc giảm thuế tài sản hoặc thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân vẫn là trung tâm của “làn sóng” giảm thuế này.

Một số nhà quan sát chỉ ra rằng hầu hết các đề xuất cắt giảm thuế nhìn chung đều tương đối khiêm tốn, trong khi một số đã được nhắm mục tiêu từ trước nhằm giúp người dân đối phó với các tác động của đại dịch và lạm phát. Ví dụ, một số thay đổi bao gồm điều chỉnh thuế áp lên hàng tạp hóa, thuế trợ cấp hưu trí, tín dụng thu nhập từ lao động, các khoản cứu trợ doanh nghiệp nhỏ, tạm dừng thuế khí đốt và hơn thế nữa.

Trong khi việc cắt giảm thuế của năm 2021 chủ yếu được thực hiện bởi các bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo, lạm phát gia tăng vào năm 2022 đã thúc đẩy lưỡng đảng đưa ra động thái tương tự.

Trong bài phát biểu vào tháng 1/2022, Thống đốc New York, nghị sĩ Kathy Hochul thuộc đảng Dân chủ, đã kêu gọi đẩy nhanh việc cắt giảm thuế cho các cư dân thuộc tầng lớp trung lưu, bao gồm cả chương trình hoàn thuế bất động sản.

Vào tuần trước, Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy, cũng là một đảng viên Dân chủ, đã đề xuất một kế hoạch giảm thuế bất động sản dưới hình thức giảm giá cho 1,8 triệu chủ nhà và cư dân.

Nguồn ngân sách “dồi dào”

Giới chuyên gia giải thích rằng việc các bang cắt giảm thuế hàng loạt chủ yếu do nguồn thu ngân sách tốt hơn dự kiến. Nhiều bang đã lùi thời hạn báo cáo thuế từ tháng 4 sang tháng 7/2020, đẩy nguồn thu tăng đột biến vào năm tài chính 2021 (thường bắt đầu từ ngày 1/7 ở hầu hết các nơi). Thêm vào đó, kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế Mỹ American Rescue Plan được ký thành luật vào tháng 3/2021 đã phân bổ 195,3 tỷ USD cho các bang.

Trong khi đó, những người Mỹ có thu nhập cao vẫn tiếp tục làm việc trong hầu hết thời gian diễn ra các đợt dịch. Điều đó giúp tăng thuế thu nhập của các tiểu bang, trong khi các khoản hỗ trợ từ liên bang thúc đẩy chi tiêu ở các nền kinh tế địa phương.

Kết quả là, tổng thu ngân sách của các bang tăng 14,5% trong năm tài chính 2021 so với năm tài chính 2020, theo một báo cáo từ Hiệp hội Công chức Ngân sách Nhà nước Quốc gia.

Đây là một kết quả rất đáng ngạc nhiên khi tính đến số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ, cùng các yêu cầu giãn cách và đóng cửa kinh doanh tại từng địa phương.

Trong khi phần lớn các khoản cứu trợ cho cá nhân đã có tác động lên nền kinh tế địa phương, vẫn còn động lực tăng trưởng đưa thu ngân sách của các bang lên trên mức trước đại dịch.

Trên thực tế, 32 bang của Mỹ đang dự kiến nguồn thu ngân sách của năm tài chính 2022 sẽ cao hơn dự báo ban đầu.

Xây dựng môi trường cạnh tranh

Một yếu tố khác thúc đẩy hàng loạt các đợt cắt giảm thuế và đề xuất cứu trợ tại các bang là nhằm tạo một môi trường cạnh tranh, thu hút thêm lao động chất lượng cao tới.

Không khó để nhận ra rằng những bang có mức thuế cao và chứng kiến dân số giảm đang đẩy mạnh những chính sách như vậy.

Giới hạn 10.000 USD đối với khoản khấu trừ liên bang đối với các khoản thuế tiểu bang và địa phương vẫn luôn là mối bận tâm cho người nộp thuế tại những nơi có thuế thu nhập và thuế tài sản trên trung bình.

Theo báo cáo của TPC dựa trên dữ liệu từ Cục Điều tra Dân số Mỹ, từ tháng 4/2020 đến tháng 7/2021, các bang có mức thuế cao hơn, chẳng hạn như California, Hawaii, Illinois, New York và Quận Columbia, là năm khu vực mất cư dân cao hàng đầu nước Mỹ.

Trong cùng thời kỳ, dân số của Idaho tăng 3,4%, trong khi Arizona, Delaware, Florida, Montana, Nevada, North Carolina, South Carolina, Texas và Utah đều tăng trưởng 1% trở lên.

Tuy nhiên, một số chuyên gia chính sách lo lắng về tác động lâu dài của việc giảm thuế vĩnh viễn. Họ cho rằng nguồn thu trong tương lai có thể không hỗ trợ được những động thái này.

Chuyên gia Auxier của TPC lại chỉ ra rằng một số khoản giảm thuế thu nhập được thiết kế theo từng giai đoạn trong một số năm, tùy thuộc vào tăng trưởng nguồn thu trong tương lai để cân bằng ngân sách.

Dù vậy, tuy việc cắt giảm thuế có thể được ưa thích trong năm diễn ra bầu cử, các bang vẫn có nhiều thời gian để phân bổ và chi tiêu cẩn thận các khoản hỗ trợ từ liên bang chưa được sử dụng tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục