Làn sóng phá sản của các nhà khai thác dầu khí nước sâu

05:00' - 10/07/2020
BNEWS Đại dịch COVID-19 đã giáng đòn mạnh vào các nhà sản xuất năng lượng và các công ty vận hành giàn khoan dầu khí ngoài khơi dự kiến sẽ phải đối mặt với làn sóng phá sản thứ hai chỉ trong vòng bốn năm.

Theo phân tích của công ty nghiên cứu thị trường năng lượng Rystad Energy, với giá dầu thô Brent ở mức thấp nhất trong 20 năm qua, doanh thu từ lĩnh vực dầu mỏ năm 2020 có thể giảm 40% so với năm 2019.

Triển vọng kém sáng của thị trường dầu mỏ sẽ khiến các nhà sản xuất trước tiên cắt giảm chi tiêu cho các dự án thăm dò, tìm kiếm những giếng dầu mới. Giới quan sát dự báo sự sụp đổ của ngành công nghiệp khai thác dầu khí ngoài khơi sẽ có tác động rộng lớn đối với lĩnh vực “vàng đen” trong dài hạn.

Các nhà thầu khai thác dầu khí ngoài khơi hiện nay vẫn đóng vai trò quan trọng, chiếm khoảng 25% sản lượng dầu toàn cầu trong năm ngoái. Sự sụt giảm nhu cầu năng lượng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đang khiến các công ty lớn phải cắt giảm chi tiêu của họ. Theo Rystad Energy, đầu tư của ngành năng lượng có thể giảm 25% trong nửa đầu năm 2020 xuống còn 410 tỷ USD.

Hoạt động kinh doanh dịch vụ dầu khí ngoài khơi ghi nhận kết quả kinh doanh tồi tệ với giá trị cổ phiếu của 10 công ty lớn nhất giảm 77% kể từ đầu năm. 

Bốn trong số bảy công ty khoan và cung cấp dịch vụ dầu khí ngoài khơi lớn nhất hiện nay là Diamond Offshore Drilling Inc (Mỹ), Noble Corp (Anh), Seadrill Ltd (Bermuda) và Valaris Plc (Anh) đều đã buộc phải tìm kiếm giải pháp về thanh khoản với các chủ nợ hoặc bắt đầu các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ do đứng trước bờ vực phá sản.

Pacific Drilling (Luxembourg) trong tháng trước cho biết, công ty này có thể phải sửa đổi các điều khoản về các khoản nợ của họ và đang tìm kiếm nguồn vốn thay thế trong trường hợp các chủ nợ không chấp nhận các điều khoản mới. Shelf Drilling (Quần đảo Cayman), công ty lớn thứ 9 xét về doanh thu, cũng đang muốn đàm phán với các chủ nợ về các giao ước cho vay có hiệu lực vào năm tới.

Sự hỗn loạn của ngành công nghiệp khai thác dầu khí ngoài khơi "sẽ thay đổi mọi thứ theo nhiều cách”, đó là nhận định của ông Simen Lieungh - Giám đốc điều hành Odfjell Drilling có trụ sở tại Na Uy.

Lĩnh vực này đã đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh hoạt động thăm dò bị thu hẹp do chi phí cao và sự xuất hiện của dầu đá phiến của Mỹ. 

Sau đó, một loạt mỏ ngoài khơi có trữ lượng khổng lồ được phát hiện tại khu vực Nam Mỹ và châu Phi đã khơi dậy mối quan tâm của các “ông lớn” dầu mỏ đối với các dự án ở những vùng nước sâu. Điều này đã góp phần dẫn đến sự bùng nổ của các hợp đồng khai thác dầu khí ngoài khơi hai năm trước.

Các nhà thầu hồi đầu năm đã kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường “vàng đen” với giá Brent ở mức 60 USD/thùng. 

Tuy nhiên, hy vọng đã mờ dần khi đại dịch COVID-19 làm “tiêu tan” nhu cầu tiêu thụ năng lượng và đẩy giá dầu giảm xuống dưới 20 USD vào tháng 4/2020. Trong tháng Sáu, số lượng giàn khoan đang vận hành dự kiến ở mức thấp nhất kể từ năm 1986 do nhiều công ty dầu mỏ hủy bỏ hoặc hoãn thực hiện hợp đồng khai thác.

Hai năm trước khi các nhà thầu khai thác dầu khí ngoài khơi rơi vào khủng hoảng, họ đã được các công ty sản xuất dầu “chìa tay” giúp đỡ. 

Từ năm 2014 đến 2016, khi dầu thô giảm xuống còn 26 USD/thùng từ mức hơn 100 USD/thùng, các tập đoàn dầu mỏ lớn đã phân chia công việc cho nhà thầu để duy trì hoạt động thăm dò và khai thác các vùng biển của Brazil, Mozambique và ở Địa Trung Hải. Điều này cho phép các công ty khoan dầu mà có hợp đồng bị hủy có thể tiếp tục vận hành, mặc dù với giá thuê thấp hơn.

So với thời điểm hai năm trước, ngành công nghiệp khoan dầu ngoài khơi đã có năng lực tài chính mạnh hơn. 

Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành của Maersk Drilling (Đan Mạch) Jorn Madsen, do các “ông lớn” trong ngành dầu mỏ năm nay dự kiến sẽ giảm đầu tư từ 30% đến 50% để bảo toàn dòng tiền và chi trả cổ tức, nên các nhà thầu khai thác sẽ thể dựa vào “lưới an toàn” này.

Những “người chiến thắng” sau giai đoạn khó khăn này sẽ là những doanh nghiệp được tái cấp vốn và có thể trụ vững trong hai năm tới. 

David Carter Shinn, người đứng đầu nhóm chuyên gia phân tích của công ty môi giới giàn khoan Bassoe Offeland, cho rằng các công ty dịch vụ dầu khí ngoài khơi có thể phải loại bỏ tới 200 trong số khoảng 800 giàn khoan đang hoạt động hiện tại thì mới có thể tăng giá cho thuê lên mức có lãi.

Giới quan sát nhận định có rất ít khả năng ngành khai thác dầu khí nước sâu sẽ phục hồi trong vài năm tới. Quyết định đóng cửa các giếng dầu mà một số nhà khai thác đưa ra vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng làm phức tạp thêm tình hình. 

Động thái này không những khiến năng suất của họ giảm sút, mà việc khởi động lại hoạt động khai thác cũng rất tốn kém. Chính vì vậy, một số mỏ dầu cũ có năng suất thấp nhưng đòi hỏi chi phí vận hành tương đối cao có thể sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn.

Nhiều nhà sản xuất đang bắt đầu rút khỏi các dự án mà giá dầu phải ở mức 60 USD/thùng mới có lãi. Các “người khổng lồ” như Chevron (Mỹ), Exxon Mobil (Mỹ), Petronas (Brazil) và Royal Dutch Shell (Anh-Hà Lan) đã dừng nhiều hợp đồng khoan dầu vào đầu năm nay để tiết kiệm tiền. 

Chevron cho biết công ty sẽ hạn chế hoạt động sản xuất ở những nơi có kết nối với cơ sở hạ tầng hiện tại thay vì bắt đầu thăm dò các dự án mới. Việc dừng đột ngột hoạt động thăm dò các giếng dầu mới ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu bởi họ đã chi hàng tỷ USD cho các đội tàu.

Trong khi đó, các công ty này cũng sẽ phải vật lộn để tìm kiếm nguồn tài chính. Theo Basil Karampelas, Giám đốc quản lý tại công ty tư vấn cho các công ty về tái cấu trúc tài chính SierraConstname Partners, các nhà đầu tư sẽ đánh giá dòng tiền trong 13 tuần hoặc 26 tuần của một công ty để đưa ra quyết định. Tuy nhiên, đối với rất nhiều công ty, họ chẳng có gì để “hấp dẫn” các chủ nợ.

Sự suy giảm đầu tư nhìn chung sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Về lâu dài, sự sụt giảm đầu tư đặt ra câu hỏi về khả năng của các nhà sản xuất trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng vẫn rất cao từ thị trường. 

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nếu hoạt động đầu tư duy trì ở mức của năm 2020 trong vòng 5 năm tới, nguồn cung dự báo ban đầu cho năm 2025 sẽ giảm gần 9 triệu thùng/ngày. Sự cân bằng giữa cung và cầu có thể bị đảo lộn, khi các nhà sản xuất gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục