Lắng hồn dân tộc với đồ chơi dân gian

07:33' - 01/02/2017
BNEWS Ngày nay, thật dễ dàng để phụ huynh có thể chọn cho con một món đồ chơi công nghiệp màu sắc bắt mắt với đủ phụ kiện.

Ngày nay, thật dễ dàng để phụ huynh có thể chọn cho con một món đồ chơi công nghiệp màu sắc bắt mắt với đủ phụ kiện. Thế nhưng dường như có chút thiệt thòi cho con trẻ khi những món đồ chơi ấy khiến con trẻ xa dần thiên thiên, thậm chí còn ẩn chứa những hiểm họa khôn lường từ hóa chất độc hại.

Với đồ chơi thủ công ngộ nghĩnh, một chú rùa, một con khủng long... bằng xốp đủ màu, các bạn nhỏ thành phố háo hức reo hò đua xem con nào về đích trước. Cả khoảng sân rộ lên tiếng cười giòn tan. Đó là khung cảnh khi chúng tôi bước vào cơ sở sản xuất đồ chơi dân gian “Út Truyền”.

Một món đồ chơi dân gian hình mèo của anh Út Truyền. Ảnh: Thethaovanhoa

Hai tay thoăn thoắt cắt, cột, từ những chi tiết rời rạc, vô hồn như đất sét, miếng xốp, cọng chỉ… qua bàn tay chị Ly trở thành mèo, chuột, rồi cả cá sấu, khủng long… đủ màu rực rỡ.

Chủ nhân cơ sở sản xuất đồ chơi dân gian ấy tên đầy đủ là Đặng Thị Ly, ở 12 Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Út Truyền là tên chồng chị, cũng là người dẫn dắt và truyền nghề cho chị, để bây giờ chị là người thổi hồn cho những món đồ chơi an toàn, thủ công, đậm đà văn hóa dân gian.

Chị kể, hồi chị sinh con đầu lòng, quanh quẩn ở nhà buồn chân buồn tay, lại thấy con mình chơi toàn đồ chơi làm bằng thứ nhựa độc hại, vợ chồng chị mày mò tự làm đồ chơi cho con. Ban đầu thô sơ lắm, với đủ thứ vật liệu có sẵn quanh nhà như khúc củi, mảnh giấy.

Dần dà cải biến, tìm tòi mới ra sản phẩm hoàn thiện. Cơ duyên đến với nghề của chị nhẹ tênh như thế nhưng chữ “tâm” đã dẫn dắt chị đến với nghề.

Đó là tâm của người mẹ muốn con mình an toàn, cái tâm của người làm nghề muốn chia sẻ sản phẩm tâm huyết cho cộng đồng.

Du khách trải nghiệm tự làm đồ chơi ở cơ sở của anh Út Truyền. Ảnh: Thethaovanhoa

“Hồi đầu nghĩ làm chơi thôi, vậy mà bây giờ lại thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Mỗi ngày tôi làm được khoảng 100 món. Thú nhỏ như chuột, rùa … bán 5.000 đồng/món, thú lớn và cầu kỳ hơn như khủng long, cá sấu… bán 10.000 đồng/món. Nhân công và vật liệu chiếm khoảng 50%, nửa còn lại là tiền lời” , chị Ly chia sẻ. Nhẩm nhanh có thể ước tính mỗi tháng gia đình chị lãi hơn 20 triệu đồng.

Thời gian đầu, vợ chồng chị đi bán rong, nhưng giờ nhiều hợp đồng, anh chị không phải đi bán lẻ nữa. Đồ chơi điện tử đẹp nhưng không an toàn, lại đắt nên vẫn có nhiều phụ huynh chọn các sản phẩm thủ công cho con chơi.

Chị đưa cho tôi một cây bút lông, hướng dẫn cách tô mai rùa, còn chị lấy tăm bông chấm vào lọ sơn dầu tô sản phẩm của mình. Tôi thắc mắc sao chị vẽ bằng sơn dầu, tôi lại vẽ bằng bút lông? Chỉ qua nhóm khách Tây cũng đang vẽ bằng bút lông, chị Ly giải thích: Bút lông là dành cho du khách, vừa dễ vẽ lại sạch sẽ và mau khô nhưng sẽ không bóng đẹp và bền màu được như sơn dầu.

Hào hứng, chị khoe, cơ sở của chị nằm trong danh sách điểm du lịch trải nghiệm của quận Bình Thủy. Ngoài giao hàng cho khách mối, gia đình chị còn có thêm khoản thu nhập từ lượng khách đến tham quan và tự mình làm sản phẩm. Du khách, đặc biệt là khách nước ngoài thích du lịch miệt vườn, lại thích tự trải nghiệm.

Du khách thích thú với món đồ chơi tự làm ở cơ sở của anh Út Truyền. Ảnh: Thethaovanhoa

Gia đình chị thu phí tham quan 10.000 đồng/người, rồi hướng dẫn họ làm các sản phẩm. Họ làm xong muốn mua , gia đình bán theo giá niêm yết, nhưng hầu hết gia đình chị tặng cho du khách. Anh John Smyth, du khách đến từ Mỹ hào hứng: Ở Mỹ loại hình du lịch này đang rất được ưa chuộng. Vào kỳ nghỉ, phụ huynh hay cho con về các nông trại để được trải nghiệm, tăng thêm kỹ năng sống.

Đến Cần Thơ kỳ này, gia đình anh được giới thiệu mô hình du lịch trải nghiệm, từ chèo ghe luồn theo các con rạch, đến các cơ sở làm nghề thủ công truyền thống, khiến mọi người rất thích thú. Nhất định gia đình anh sẽ còn quay lại.

Chia sẻ bí quyết nghề nghiệp, chị Ly cho biết: Mẫu mã thì mình tự sáng tạo ra, có khi mượn hình các nhân vật hoạt hình đang được trẻ em ưa chuộng, xốp để làm thú chị mua ở Long Xuyên, từ mấy cơ sở bán phao lưới; sơn, chỉ, bút lông, sợi kẽm mua ở chợ; còn miếng đất tròn tròn dưới bụng thú để cột chỉ cho thú chạy thì từ… con rạch trước nhà.

Chị nắm tay tôi ra mé rạch, chỉ những dây đất sét dài, bề ngang chừng 2cm đang phơi còn chưa khô.

“Coi dễ vậy nhưng cũng phải quen tay mới làm được. Như đất sét này phải mò sâu xuống dưới lòng rạch mới có, nông quá là chỉ có đất bùn, không nặn thành hình được. Khi cắt đất thành khúc nhỏ cũng phải cắt lúc đất đã ráo bề ngoài nhưng vẫn còn ướt bên trong, vì nếu khô quá sẽ bị bể đất”.

Nghề này bắt nguồn từ dân gian, nên càng nhiều người làm càng tốt, ai đến xin học nghề chị Ly cũng chỉ dạy một cách nhiệt tình và hoàn toàn miễn phí.

Tuy vậy, theo chị, dù đây là nghề thủ công, dễ học, nhưng đòi hỏi phải yêu nghề và tỉ mỉ, từ cắt cọng kẽm, luồn kẽm sao cho mình thú khi uốn được cân đối, rồi luồn chỉ sao cho khi con thú chạy không bị rối chỉ… đều rất công phu.

Đánh giá về cơ sở làm đồ chơi dân gian “Út Truyền”, chị Lê Thị Bé Bảy, Phó phòng Văn hóa – Thể thao quận Bình Thủy cho rằng, đây là mô hình có thể được nhân rộng vì vừa giải quyết được bài toán lao động nông thôn vừa giúp bà con có nguồn thu nhập khá, ổn định.

Về lâu dài, các cơ sở sẽ được hướng dẫn và hỗ trợ đăng ký bản quyền thương hiệu, đưa vào chỉ dẫn địa lý trong bản đồ du lịch thành phố, trở thành điểm đến nổi bật./.

>>> Trò chơi dân gian trên tuyến phố đi bộ Hà Nội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục