Làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh giữa lòng Hà Nội

10:01' - 02/04/2021
BNEWS Nghề đan nón nơi đây được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Mọi công đoạn để cho ra thành phẩm chiếc nón lá đều được làm thủ công, với kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề.

Nhóm phóng viên chúng tôi đến thực tế hoạt động sản xuất nón lá thủ công tại 3 hộ dân thôn Vĩnh Thịnh (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Trung bình mỗi ngày, một người có thể làm được từ 2 - 2,5 chiếc nón mỏng, 1 - 1,5 chiếc nón dày. Thu nhập trung bình đạt 5,44 triệu/người/tháng.

Lợi nhuận tuy không cao nhưng trong bối cảnh thu nhập từ công việc đồng áng không nhiều, lại có phần bấp bênh, thì đan nón đã trở thành “cứu cánh” giúp các gia đình phần nào trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Trưởng thôn Vĩnh Thịnh - Nguyễn Bá Ky cho biết cả thôn hiện có khoảng 800 hộ thì có tới 90% gia đình có người làm nón. Đầu những năm 2000 được xem là giai đoạn cực thịnh của nghề làm nón thôn Vĩnh Thịnh, nhiều gia đình phất lên nhanh chóng nhờ nghề này’.

Nghề đan nón nơi đây được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Mọi công đoạn để cho ra thành phẩm chiếc nón lá đều được làm thủ công, với kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề.

Những chiếc nón nghệ thuật, bộ nón 5 chiếc với đường kính từ 10 - 40cm được khách du lịch rất ưa chuộng. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, nghề làm nón “mất giá”, thu nhập từ nghề giảm sút nhanh chóng.

Hiện, phần lớn người theo nghề là người già, trung niên, học sinh hoặc phụ nữ đang ở thời kỳ chăm con nhỏ. Thanh niên và người có sức khỏe thường chọn buôn bán hoặc đi làm thuê để có thu nhập cao hơn…

Ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Áng cho biết: Nghề làm nón lá đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân các thôn Vĩnh Thịnh, Vĩnh Trung. Tuy nhiên, nguồn thu này chưa cao. Người dân không thể “trông” vào nghề đan nón để sống, mà thường chỉ tận dụng những khi nông nhàn, rảnh rỗi cuối tuần để làm, kiếm thêm thu nhập. Xã cũng đưa việc giữ gìn làng nghề như một phần trong định hướng, quy hoạch phát triển “làng du lịch sinh thái - khoa bảng” trong những năm tới.

Theo ông Hưng, để vực dậy được làng nghề, rất cần sự quan tâm đầu tư, có chính sách hỗ trợ thực hiện việc giữ nghề theo dạng bảo tồn. Đồng thời, giới thiệu và quảng bá để nón lá Đại Áng trở thành một “sản phẩm du lịch”.

Thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng hiện có 984 hộ, trong đó có 594 hộ, với 1.198 người tham gia nghề làm nón, chiếm 65% tổng số hộ dân trong làng.

Hợp tác xã nón lá Vĩnh Thịnh xã Đại Áng được thành lập, sẽ ký kết hợp đồng dịch vụ với tất cả các thành viên, giai đoạn đầu Hợp tác xã sẽ chịu trách nhiệm bao tiêu 50% sản phẩm của các thành viên, đồng thời là đầu mối cung ứng sản phẩm dịch vụ đầu vào (Lá làm nón, Mo tre, nứa, Tre, nứa làm nón ...) và dịch vụ đầu ra cho các thành viên của hợp tác xã để các hộ chuyên tâm mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh. Mở ra triển vọng phát triển thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm nón lá Vĩnh Thịnh trên thị trường, tạo hướng đi bền vững cho những lao động nông nhàn của địa phương.

Cùng với sự phát triển không ngừng; bằng sự nỗ lực của mỗi nghệ nhân, người dân và sự vào cuộc tích cực và chủ động của các cấp chính quyền, làng nghề Hà Nội luôn giữ được những nét đặc trưng, thấm đẫm giá trị văn hóa, lịch sử của đất Kinh kỳ xưa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục