Lạng Sơn tăng cường kiểm soát sản phẩm gia súc, gia cầm tại các địa bàn vùng biên

09:19' - 06/08/2017
BNEWS Thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và sản phẩm gia súc, gia cầm, đặc biệt tại các địa bàn vùng biên.
Lạng Sơn tăng cường kiểm soát sản phẩm gia súc, gia cầm. Ảnh: Thắng Trung/TTXVN
Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và xử phạt nhiều vụ buôn bán kinh doanh, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn là một trong những địa bàn có đường biên giới dài, nhiều đường mòn lối mở qua lại biên giới thường xuyên xảy ra tình trạng buôn bán, nhập lậu gia súc, gia cầm và các sản phẩm động vật từ Trung Quốc vào tỉnh Lạng Sơn.

Thực hiện năm an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đầu năm đến nay, Đội quản lý thị trường số 3 huyện Lộc Bình đã phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn huyện và tỉnh Lạng Sơn tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm, về gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm.

Trong 6 tháng năm 2017, Đội đã tổ chức kiểm tra trên 90 vụ về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó phát hiện và xử lý 18 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm; kiểm tra và xử phạt 24 vụ việc liên quan đến gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm; tổng giá trị hàng hóa tịch thu gần 500 triệu đồng, tổng số tiền xử phạt trên 80 triệu đồng.

Điển hình, vào ngày 8/7 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 3 phát hiện và xử phạt, tiêu hủy 4,4 tấn thịt thủ, thịt tai lợn đang bốc mùi hôi thối khi kiểm tra đột xuất cơ sở chế biến An Phát đặt tại xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình…

Trong quá trình kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng cũng phát hiện cơ sở còn nhiều thiếu sót trong khâu chế biến sản xuất lòng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nguồn nước không đạt chuẩn để chế biến thực phẩm, nhất là hệ thống nguồn nước thải được xử lý rất đơn giản.

Lực lượng chức năng đã yêu cầu chủ cơ sở phải tiêu hủy toàn bộ số thịt lợn không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và có nhiễm vi khuẩn gây dịch tả, số hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Lành Văn Nghệ, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Huyện Lộc Bình là địa bàn vùng biên do vậy để thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn chặn việc buôn lậu, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia súc gia cầm qua biên giới.

Bên cạnh việc kiểm soát thị trường nội địa, công tác tuần tra kiểm soát ngay từ biên giới cũng được lực lượng biên phòng trên địa bàn triển khai tích cực. Do vậy, tình hình kinh doanh vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu vào địa bàn giảm hẳn.

Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát.

Tại địa bàn chỉ xảy ra 2 ổ dịch lở mồm long móng trên lợn, một ổ dịch phát hiện tại thành phố Lạng Sơn, nguyên nhân phát dịch là do thương lái vận chuyển lợn thịt tập kết tại bãi tắm chờ bán sang Trung Quốc và 1 ổ dịch tại huyện Cao Lộc.

Nguyên nhân phát sinh dịch là do người dân mua sản phẩm thịt lợn ốm, chết, lợn quay đầu với giá rẻ về làm thức ăn cho người và gia súc.

Các ổ dịch đều được phát hiện sớm và xử lý nhanh gọn nên không phát sinh lây lan. So với cùng kỳ năm 2016, tình hình dịch bệnh đã giảm về diện dịch và mức độ dịch.

Trong thời gian gần đây, công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ đã được lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn triển khai thực hiện hiệu quả.

Chi cục Thú y đã chỉ đạo Trạm Thú y các huyện, thành phố tham mưu UBND huyện, thành phố thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra các điểm giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn; thường xuyên phân công cán bộ kiểm dịch của các Trạm phối kết hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm dịch gia súc, gia cầm lưu thông trên địa bàn.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn đã kiểm dịch, kiểm tra giám sát hàng ngày tại các chợ có hoạt động mua bán động vật, sản phẩm động vật; phối hợp với lực lượng chức năng tiêu hủy gần 4,4 tấn thịt gà, thịt vịt; trên 97 nghìn con gà con, vịt con; trên 7,7 tấn nội tạng lợn không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết: Chi cục thú y tỉnh Lạng Sơn thường xuyên phối hợp cùng các cơ quan chức năng nhận bàn giao, tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật nhập lậu không rõ nguồn gốc, không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y lưu thông trên địa bàn tỉnh.

Nhưng thực trạng giết mổ hiện nay chưa có điểm giết mổ tập trung nào, chủ yếu vẫn là giết mổ nhỏ lẻ tại các hộ gia đình.

Do vậy, cán bộ thú y triển khai công tác kiểm soát sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vẫn chủ yếu là ở chợ và các điểm bán thịt tại gia đình.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nên công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm gặp rất nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Trạm Thú y các huyện, thành phố, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 558 điểm giết mổ, trong đó có 507 điểm giết mổ lợn.

Các điểm giết mổ đều do tư nhân quản lý, quy mô các điểm giết mổ nhỏ lẻ, nằm rải rác trong các khu dân cư.

Diện tích trung bình của các điểm giết mổ chỉ từ 10 - 15 m2, công suất các điểm giết mổ cũng rất khác nhau, hầu như ở thị trấn, chợ cụm xã một điểm chỉ giết mổ 1 hoặc 2 con lợn/ngày, hoặc 2-3 ngày giết mổ một con.

Một số điểm giết mổ trâu, bò có quy mô giết mổ khoảng 1-3 con/ngày như thành phố Lạng Sơn, thị trấn Đồng Mỏ, thị trấn Hữu Lũng.

Tại Thành phố Lạng Sơn, trong số các điểm giết mổ gia súc, gia cầm trên, cũng chỉ có 3-4 điểm giết mổ có công suất 10-15 con lợn, diện tích các điểm giết mổ rộng nhất cũng chỉ từ 30 đến 50 m2.

Đối với huyện Tràng Định, việc giết mổ gia súc hiện nay vẫn còn phổ biến trong khu dân cư, không có các điểm giết mổ cố định như các địa phương khác.

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những yêu cầu thiết yếu của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với người sản xuất, kinh doanh là yếu tố rất quan trọng để đẩy lùi và hướng tới nói không với thực phẩm bẩn, góp phần đảm bảo sức khỏe, đời sống cho người tiêu dùng./.

Xem thêm:

>>>Khuyến khích xây dựng, nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm

>>>Hậu Giang phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục