Lãnh đạo Anh và Pháp bị chất vấn tại Quốc hội về chiến dịch không kích Syria

07:34' - 17/04/2018
BNEWS Ngày 16/4, Thủ tướng Theresa May và Tổng thống Emmanuel Macron đều đã phải đối mặt với phản ứng giận dữ từ giới lập pháp về quyết định tham gia chiến dịch không kích chung với Mỹ tại Syria.
Thủ tướng Theresa May và Tổng thống Emmanuel Macron bị chất vấn tại quốc hội về tham gia chiến dịch không kích Syria. Ảnh minh hoạ: AFP

Giải trình với Quốc hội, Thủ tướng Anh khẳng định các nghị sĩ đã đúng khi chất vấn mình về quyết định tham gia chiến dịch không kích Syria mà không được quốc hội phê chuẩn trước. Tuy nhiên, bà May cho rằng, với tư cách Thủ tướng Anh, bà có trách nhiệm phải đưa ra quyết định và bà đã quyết định can thiệp "vì lợi ích quốc gia" của Anh.

Cũng tại cuộc chất vấn này, thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đã kêu gọi Quốc hội Anh thông qua một quy định ngăn chính phủ được phép tự ý quyết định hành động quân sự trong hầu hết các trường hợp.

Kết quả thăm dò dư luận Anh hôm 15/4 cũng cho thấy chỉ 36% người dân nước này ủng hộ quyết định can thiệp quân sự của chính phủ Anh, trong khi có tới 40% ý kiến phản đối. Khoảng 54% số người được hỏi cũng nhất trí rằng Thủ tướng May cần phải tiến hành tranh luận tại quốc hội và biểu quyết trước khi có hành động quân sự ở Syria.

Còn tại Pháp, Tổng thống Macron cũng vấp phải sự chỉ trích tương tự về quyết định tấn công Syria mà không tham vấn trước với Quốc hội. Theo phóng viên TTXVN tại Paris, trong phiên họp chiều 16/4, phe đa số trong lưỡng viện ủng hộ chính phủ và phe đối lập vẫn không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này.

Lãnh đạo các phe cánh tả, cánh hữu và trung hữu đều chỉ trích vụ không kích Syria, cho rằng Tổng thống Macron đã không đưa ra được bất kì bằng chứng nào cho thấy chính quyền Syria đã sử dụng vũ khí hóa học vốn là cái cớ để liên quân quốc tế phát động tấn công.

Trong không khí căng thẳng, Thủ tướng Edouard Philippe khẳng định Pháp không tiến hành một cuộc chiến chống Syria hoặc Tổng thống Bashar al-Assad. Ông nhấn mạnh rằng kẻ thù của Pháp không phải là Syria mà là các phần tử khủng bố. Tuy nhiên, theo ông, sẽ không có giải pháp chính trị nào cho vấn đề Syria nếu như việc sử dụng vũ khí hóa học không bị trừng phạt.

Phát biểu trong cuộc họp báo trước đó cùng ngày, Tổng thống Macron cũng đã khẳng định việc Paris tham gia chiến dịch không kích tại Syria "mang tính hợp pháp quốc tế", bởi theo nghị quyết năm 2013 của Liên hợp quốc về Syria, Damascus có trách nhiệm phải tiêu hủy kho vũ khí hóa học của mình.

Đến nay, chính phủ Syria vẫn nhiều lần khẳng định đã thực thi nghiêm túc nghị quyết này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục