Lào Cai: Đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hạn chế "tín dụng đen"

06:03' - 04/10/2023
BNEWS Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ký văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lào Cai chủ động triển khai thực hiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ký văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc, hiệu quả một số nội dung về việc tiếp tục tăng cường các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen”.

Động thái trên nhằm thực hiện Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”; Kế hoạch số 452/KH-BCA-VP ngày 05/9/2023 của Bộ Công an về mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. 

 
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm tại Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 08/7/2019; Công văn số 1205/UBND-NC ngày 29/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 27/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc. 

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện thông tin ở các địa bàn, lĩnh vực phụ trách, phối hợp phòng ngừa, đấu tranh không để các đối tượng xấu lợi dụng tội phạm hoạt động “tín dụng đen” chống phá, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 1223/KH-CAT ngày 8/9/2023 về mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; Siết chặt quản lý nhà nước về an ninh trật tự có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh cầm đồ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho vay, kinh doanh tài chính, có hình thức xử lý nghiêm đối với các cơ sở hoạt động không phép, biến tướng để hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê; ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở, nhất là các cơ sở dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen; tiến hành ra soát, triển khai các biện pháp quản lý đối với người tham gia họ, phường… 

Quản lý, theo dõi chặt số đối tượng có điều kiện, khả năng, biểu hiện hoạt động phạm tội về “tín dụng đen” để phòng ngừa hoạt động phạm tội. Đấu tranh mạnh với các loại tội phạm phát sinh từ hoạt động “tín dụng đen” và các loại tội phạm thường có mối quan hệ với “tín dụng đen” (cờ bạc, ma tuý…).

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lào Cai chủ động triển khai thực hiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các ví điện tử không để các đối tượng móc nối hoạt động “tín dụng đen”, kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định; phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các tài khoản ngân hàng, xử lý triệt để tình trạng sử dụng tài khoản “ảo” để hoạt động “tín dụng đen”.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm hoạt động “tín dụng đen”. Triển khai, đề xuất các biện pháp quản lý nhà nước, phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng và các vấn đề nảy sinh liên quan đến quản lý việc góp vốn, đầu tư vào hoạt động cho vay của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông và an toàn thông tin, phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các bài viết, nội dung, hình ảnh... quảng cáo trái phép, các trang web, đường dẫn, ứng dụng có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Kịp thời phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan phát hiện, đề nghị cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp có liên quan tăng cường kiểm duyệt, gỡ bỏ, cấm hoạt động đối với các ứng dụng, website có dấu hiệu liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, có phương án sao lưu, phục hồi dữ liệu phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp có liên quan theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đồng thời nghiên cứu, có giải pháp, giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website, ứng dụng điện thoại, tài khoản mạng xã hội không khai báo, đăng ký chính danh và thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhằm trốn tránh sự điều tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng. Phối hợp ứng dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu có liên quan trong công tác quản lý nhà nước, tiến tới “định danh công dân và cá thể hoá trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm trên không gian mạng”, làm sạch thông tin thuê bao di động, loại bỏ sim “rác”; ngăn chặn các Website, ứng dụng (App) hoạt động tín dụng không đăng ký địa chỉ cụ thể, có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”… góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước nói chung, công tác phòng ngừa tội phạm, điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói riêng. Phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vay tài sản, thu hồi nợ, hậu quả của “tín dụng đen” và kết quả đấu tranh, xử lý của cơ quan chức năng để nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân; kịp thời phát hiện, phản ánh, kiến nghị với các cơ quan chức năng để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục phối hợp với lực lượng Công an triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, quản lý đoàn viên, hội viên, công nhân, người lao động chấp hành nghiêm quy định pháp luật, vận động đoàn viên, hội viên, công nhân, người lao động tham gia phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và hướng dẫn, hỗ trợ đoàn viên, hội viên, công nhân, người lao động tiếp cận các nguồn vay vốn an toàn, ưu đãi. Phối hợp đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự; ngăn ngừa, giám sát, kịp thời phản ánh, kiến nghị với cơ quan chức năng các hoạt động “tín dụng đen”.

Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra tăng cường công tác phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; đẩy nhanh tiến độ điều tra và xử lý nghiêm các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để kiến nghị cấp Trung ương có hướng dẫn, tháo gỡ; phát hiện các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, các sơ hở, thiếu sót, bất cập, các vi phạm, tiêu cực, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, xử lý.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Tập trung chỉ đạo, kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người lao động; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan và chính quyền cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và phương thức, thủ đoạn, hậu quả của “tín dụng đen”; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước tại cơ sở. Phối hợp với ngành ngân hàng phổ biến tuyên truyền giới thiệu các kênh vay vốn chính thống, đẩy mạnh phát triển các loại hình tiết kiệm, tín dụng, hệ thống tài chính vi mô, quan tâm, kịp thời có hình thức hỗ trợ tài chính đối với người dân gặp khó khăn. Xây dựng các mô hình kinh tế lành mạnh, hướng dẫn, tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên đầu tư, kinh doanh chính đáng, góp phần hạn chế người dân, đoàn viên, hội viên tham gia, tiếp tay hoặc tìm đến tín dụng đen để vay vốn.

Thường xuyên nắm chắc tình hình, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật, cơ sở kinh doanh có điều kiện, kịp thời phát hiện các hoạt động “tín dụng đen”, xử lý nghiêm nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp vi phạm; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng xã, phường, thị trấn không có hoạt động “tín dụng đen”.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” để chỉ đạo, giải quyết kịp thời. 

Liên quan đến nguồn vốn tín dụng, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cập nhật đến ngày 21/9/2023 cho biết tín dụng tăng 5,91% so với cuối năm 2022; ước đến hết tháng 9 tăng khoảng 6,1-6,2%; tổng dư nợ của nền kinh tế khoảng 12.630.000 tỷ đồng. Tín dụng tăng nhưng chậm hơn năm ngoái, do những nguyên nhân khách quan, tác động từ bên ngoài cũng như khó khăn của doanh nghiệp trong nước.

Về vấn đề tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp , Phó Thống đốc cho biết, việc mở rộng tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước đặt ra ngay từ đầu năm với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. “Nếu không đẩy mạnh tăng cường nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp khó khăn, đóng cửa, giải thể, làm sao có sức mạnh khôi phục được nền kinh tế sau 2 năm đại dịch cộng với tác động kép từ tình hình thế giới và trong nước”, Phó Thống đốc khẳng định. 

Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh vai trò của các địa phương, theo đó, ngành ngân hàng tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương, hiệp hội, ngành nghề để cùng tháo gỡ khó khăn; đẩy mạnh truyền thông các chính sách, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tới công chúng; tăng cường tín dụng chính sách, tín dụng tiêu dùng, góp phần hạn chế tín dụng đen; thúc đẩy cầu tiêu dùng, tạo cầu tín dụng; Hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn và lành mạnh, các ngân hàng thương mại tiếp tục phát hành trái phiếu nếu đủ điều kiện đảm bảo an toàn, tham gia với tư cách nhà đầu tư…

Phó Thống đốc cho biết, theo thông lệ, tín dụng sẽ tăng nhanh trong những tháng cuối năm. Ngành Ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt cùng sự đồng hành của các địa phương, tạo điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vươn lên trong bối cảnh kinh tế khó khăn”. 

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng lưu ý: “Việc tiếp cận tín dụng cần nhìn nhận, đánh giá từ nhiều phía. Ngành Ngân hàng đã rất quyết liệt, thực hiện nhiều biện pháp trong cơ chế chính sách, chỉ đạo điều hành. Thời gian tới tiếp tục cần sự đồng hành của các Bộ, ngành, địa phương và sự vươn lên của chính các doanh nghiệp”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục