Lào Cai đặt mục tiêu tăng điểm nhiều chỉ số cạnh tranh

07:48' - 30/04/2021
BNEWS Năm 2021, Lào Cai phấn đấu điểm chỉ số PCI tỉnh Lào Cai năm 2021 đạt trên 72 điểm, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành “Tốt” trên cả nước.

UBND tỉnh Lào Cai vừa tổ chức Hội nghị chuyên đề về chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và công bố chỉ số DDCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ban, ngành) tỉnh Lào Cai năm 2020.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lào Cai Phan Trung Bá cho biết, năm 2021, Lào Cai phấn đấu điểm chỉ số PCI tỉnh Lào Cai năm 2021 đạt trên 72 điểm, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành “Tốt” trên cả nước; phấn đấu đến hết năm 2021 các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tiếp tục đạt và vượt các chỉ tiêu đã đạt năm 2020.

Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh việc tập trung cải thiện mạnh điểm số các chỉ số thành phần có trọng số cao, Lào Cai đưa ra nhiều phương án nâng cao điểm số sụt giảm trong năm 2020, gồm: tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động và đào tạo lao động.

Trong đó, theo Giám đốc Dự án PCI, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, cạnh tranh bình đẳng và tính năng động, tiên phong của chính quyền địa phương là 2 chỉ số thành phần bị sụt giảm thứ hạng mạnh của Lào Cai trong năm 2020, cần được tích cực cải thiện trong năm tới để cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo đó, 71% doanh nghiệp được hỏi đồng ý ở Lào Cai tồn tại tình trạng "ưu đãi doanh nghiệp lớn (nhà nước và tư nhân) là trở ngại cho bản thân doanh nghiệp", đứng đầu trong bảng xếp hạng 14 tỉnh miền núi phía Bắc. Tình trạng đối xử không bình đẳng này về lâu dài sẽ gây nhiều hệ lụy cho môi trường kinh doanh.

Do đó, năm 2021, Lào Cai đặt mục tiêu chỉ số thành phần “Cạnh tranh bình đẳng” đạt từ 6,6 điểm trở lên (tăng 0,8 điểm so với năm 2020). UBND tỉnh Lào Cai giao thủ trưởng các cơ quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng "mối quan hệ” để có được những ưu đãi đặc biệt, chính sách riêng (như: hợp đồng kinh tế; khai thác tài nguyên; đấu thầu, chỉ định thầu; giao, cho thuê đất đầu tư sản xuất kinh doanh) nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Đối với chỉ số thành phần “Tính năng động, tiên phong của lãnh đạo tỉnh”, Lào Cai đặt mục tiêu đạt từ 7,5 điểm trở lên (tăng 1,2 điểm so với năm 2020). Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì nghiên cứu, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh – Tổ trưởng tổ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trực tiếp giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai, nâng cao tần suất, hiệu quả đối thoại với doanh nghiệp.

UBND các huyện, thị xã, thành phố hàng năm tổ chức tối thiểu một hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe, bày tỏ quan tâm của chính quyền với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó, gây dựng tình cảm gắn kết, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền; không đùn đẩy trách nhiệm; phát huy tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp trong thực thi các chính sách pháp luật nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh giao tiếp, nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Giám đốc Dự án PCI, Trưởng ban pháp chế VCCI nêu rõ, hoạt động thanh tra kiểm tra ở Lào Cai còn tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Năm 2020, 12% doanh nghiệp Lào Cai cho biết nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp; 25% doanh nghiệp phản ánh thanh, kiểm tra tạo cơ hội cho cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Để khắc phục triệt để tình trạng nhũng nhiễu trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị, về thanh tra kiểm tra doanh nghiệp, mỗi địa phương tại Lào Cai đề nghị triệt để giao nhiệm vụ cho cơ quan thanh tra tỉnh, thành phố trong việc làm điều mối kiểm soát các hoạt động thanh kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn, kể cả các cuộc kiểm tra của cơ quan trung ương.

Cũng tại hội nghị, UBND tỉnh Lào Cai đã công bố kết quả chỉ số DDCI Lào Cai. Theo đó, huyện Văn Bàn dẫn đầu bảng xếp hạng DDCI cấp huyện với 94,80 điểm, huyện Bắc Hà xếp cuối cùng với 70,66 điểm. Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai dẫn đầu bảng xếp hạng DDCI Sở, ban, ngành Lào Cai với 80,98 điểm, Sở Tư pháp xếp cuối cùng với 73,57 điểm.

Năm 2020, theo công bố của VCCI chỉ số PCI tỉnh Lào Cai đạt 65,25 điểm (giảm 0,31 điểm so năm 2019 do xu thế chung ảnh hưởng đại dịch COVID-19 các tỉnh đều giảm điểm) thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đạt chất lượng điều hành kinh tế “Khá”, xếp hạng 16/63 tỉnh, thành phố (tăng 9 bậc so năm 2019)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục