Lao động châu Á tại Nhật Bản - Bài 3: Nhật Bản thân thiện với người nước ngoài

14:49' - 26/08/2020
BNEWS Để mở rộng tiếp nhận lao động nước ngoài, Nhật Bản chủ trương xây dựng xã hội cộng sinh với nhiều chính sách mới được dự thảo và ban hành nhằm giúp lao động nước ngoài sống thuận lợi hơn.

Rào cản văn hóa và ngôn ngữ 

Khoảng 10 năm trở trước, Nhật Bản không phải là điểm đến được ưa thích và quen thuộc của lao động nước ngoài. Đây là quốc gia có nền văn hóa và sắc dân đồng nhất với 98% là người Nhật Bản.

Cộng đồng ngoại kiều có lịch sử lâu hơn ở Nhật Bản chỉ có người Hoa và người Triều Tiên, nhưng họ sống trong những khu phố thường là biệt lập với người bản xứ.

Người Nhật Bản được đánh giá có lối sống khép kín, dè dặt, không muốn có sự xáo trộn trong nếp sống và văn hóa của mình, vì vậy họ không tích cực với việc đón nhận người nước ngoài.

Bên cạnh rào cản về văn hóa, một trở ngại nữa là ngôn ngữ. Tiếng Nhật được đánh giá là một trong những ngôn ngữ khó học, vì vậy hầu như chỉ một số ít những nhân lực chuyên môn cao trong một số ngành nghề đặc thù có sử dụng tiếng Anh mới đến Nhật Bản làm việc trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, cùng với xu thế toàn cầu hóa, tình trạng dân số lão hóa đã khiến nước Nhật bắt đầu mở cửa tiếp nhận lao động nước ngoài để bù đắp sự thiếu hụt lao động.

Dường như để tránh tạo cú sốc, Chính phủ Nhật Bản thực hiện việc mở cửa từng bước, nâng dần số lượng visa hằng năm cấp cho lao động nước ngoài.

Người dân Nhật bắt đầu làm quen với việc ngày càng có nhiều người nước ngoài xuất hiện tại nơi họ sinh sống và dần dần có thái độ cởi mở hơn.

Việc tiếp nhận lao động nước ngoài bắt đầu được tăng tốc trong khoảng 5 năm trở lại đây do nhu cấp cấp thiết của doanh nghiệp Nhật Bản trước tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Số người nước ngoài đến Nhật Bản tăng mạnh đem lại đóng góp kinh tế lớn cho quốc gia này.

Tuy nhiên, sự tăng tốc này cũng làm nảy sinh những bất cập vì Nhật Bản chưa có đủ những hỗ trợ hạ tầng, kỹ thuật, pháp lý thiết yếu cho một xã hội có người nước ngoài cùng sinh sống.

Những lỗ hổng pháp lý bị lợi dụng, những rào cản ngôn ngữ và văn hóa, khiến cho không chỉ những lao động nước ngoài mà cả người Nhật Bản rơi vào những tình thế rắc rối.

Có nhiều người nước ngoài vì không biết tiếng Nhật nên đã vấp phải khó khăn rất lớn khi bắt đầu làm việc tại Nhật Bản.

Từ việc làm các thủ tục cấp thẻ ngoại kiều, đến mở tài khoản ngân hàng, thuê nhà, đóng bảo hiểm y tế... Việc không biết tiếng Nhật và không biết tìm sự trợ giúp từ đâu đã khiến nhiều người trong số này vô tình đánh mất những quyền lợi mà họ đáng ra được hưởng.

Những kẻ xấu đã lợi dụng việc người nước ngoài không biết tiếng Nhật để lừa họ ký vào những hợp đồng phi pháp hoặc những văn bản mà sự bất lợi rơi vào những người nước ngoài.

Họ bị lừa vào những công việc nặng nhọc với mức lương rất thấp hoặc không được đảm bảo đầy đủ quyền lợi của một người lao động. Đối với gia đình, đã có không ít phụ nữ nước ngoài bị chồng Nhật lừa ký đơn ly hôn với những điều khoản bất lợi mà không hề hay biết.

Không chỉ như vậy, những chế tài pháp lý trong việc tuyển và sử dụng lao động nước ngoài chưa hoàn thiện đã tạo ra nhiều kẽ hở, làm tăng số lao động nước ngoài bất hợp pháp tại Nhật Bản, khiến cho người bản xứ lo ngại.

Rõ ràng lao động nước ngoài tại Nhật Bản tăng mạnh trong thời gian ngắn đã làm nảy sinh những tiêu cực, song không thể phủ nhận sự đóng góp lớn mà họ mang đến cho nền kinh tế.

Đó là lý do để Nhật Bản buộc phải tìm ra những biện pháp và chính sách hoàn thiện, phù hợp hơn nhằm đưa quốc gia này trở thành một điểm đến an toàn và ưa thích của lao động nước ngoài.
Nỗ lực từ trung ương…

Để mở rộng tiếp nhận lao động nước ngoài, Chính phủ Nhật Bản chủ trương xây dựng xã hội cộng sinh với nhiều chính sách mới được dự thảo và ban hành nhằm giúp lao động nước ngoài sống thuận lợi hơn tại Nhật Bản, giảm thiểu hoặc hạn chế những ảnh hưởng của sự khác biệt về văn hóa và giảm sự tập trung quá mức vào các đô thị, thành phố lớn như: xây dựng và cấp ngân sách hoạt động cho các trung tâm hỗ trợ cho người nước ngoài ở các địa phương; tăng cường việc dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài, xây dựng cơ chế giới thiệu việc làm cho người nước ngoài ...

Khung biện pháp và chính sách dành cho việc tiếp nhận và chung sống thân thiện với người nước ngoài đã được Cơ quan Nhập cư Nhật Bản công bố trong tài liệu “Những nỗ lực để tiếp nhận và chung sống hài hòa với người nước ngoài”, với tổng kinh phí lên tới 21,1 tỷ yên (khoảng hơn 200 triệu USD). 

Các biện pháp mang tính toàn diện được xác định gồm xây dựng các cộng đồng địa phương mà người Nhật Bản và người nước ngoài cùng chung sống; cải thiện việc cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội; hỗ trợ sinh viên nước ngoài tìm việc làm tại Nhật Bản; thúc đẩy sự tiếp nhận phù hợp và thuận lợi dành cho người nước ngoài, thực hiện các đợt kiểm tra năng lực tiếng Nhật, củng cố các cơ sở dạy tiếng Nhật ở nước ngoài…

Có rất nhiều biện pháp được nêu trong văn bản trên, trong đó đáng chú ý là việc lập một đơn vị cấp toàn quốc để hỗ trợ các chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ tư vấn bằng nhiều ngôn ngữ.

Dự kiến sẽ có khoảng 100 điểm được mở ra trên toàn Nhật Bản, thực hiện tư vấn bằng 11 ngôn ngữ, bao gồm các dịch vụ tư vấn và cung cấp thông tin, điều phối phiên dịch và sử dụng các ứng dụng phiên dịch đa ngôn ngữ.

Các điểm hỗ trợ này còn được sử dụng như là một điểm tương tác cộng đồng và là một nơi để học tiếng Nhật, là nơi mà người nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin cần thiết.

Trong khuôn khổ kế hoạch trên, chính phủ dự kiến hỗ trợ tài chính cho các địa phương và khu vực để xây dựng một môi trường sống phù hợp thuận lợi cho việc tiếp nhận lao động nước ngoài.

Cải thiện các dịch vụ an sinh xã hội là một trong những lĩnh vực quan trọng để xây dựng một xã hội thuận tiện cho người nước ngoài, gồm các biện pháp tạo cho bệnh nhân người nước ngoài điều kiện thuận lợi để tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế trên khắp Nhật Bản (1,7 tỷ yên); thúc đẩy việc tuyên truyền bằng 11 ngôn ngữ thông tin thời tiết và thảm họa để các thông tin trở nên dễ hiểu hơn đối với người nước ngoài; hỗ trợ đảm bảo nơi ở, mở tài khoản ngân hàng và thúc đẩy các dịch vụ đa ngôn ngữ.

Song song với việc thúc đẩy các điểm hỗ trợ đa ngôn ngữ, hoạt động dạy tiếng Nhật tại địa phương cho người nước ngoài cũng được chú trọng cải thiện. Biện pháp này được thực hiện dựa trên chương trình dạy tiếng Nhật tiêu chuẩn cho cuộc sống hàng ngày và trên quy mô toàn quốc (600 triệu yên).

…Đến địa phương
Việc thúc đẩy một xã hội cùng chung sống thân thiện với người nước ngoài đã trở thành xu thế ở nhiều địa phương Nhật Bản, trong bối cảnh chính các địa phương này đang tăng cường thu hút lao động nước ngoài.
Không chỉ giới hạn trong phạm vi các hoạt động hỗ trợ người nước ngoài do chính quyền thực hiện, chính cộng đồng cư dân tại các địa phương đã trở thành những nhân tố tích cực trong nỗ lực này.
Tại thành phố Toyonaka, Osaka, Hiệp hội giao lưu quốc tế Toyonaka (ATOMS) được thành lập năm 1993, với tiêu chí xây dựng một địa phương chung sống thân thiện với người nước ngoài.
Theo ông Yamanoue Takashi, giám đốc Trung tâm giao lưu quốc tế Toyonaka thuộc ATOMS, trung tâm chỉ có 12 nhân viên cố định.
Chính vì vậy, tình nguyện viên là lực lượng quan trọng của trung tâm trong việc hỗ trợ cho người nước ngoài tại đây từ việc dạy tiếng Nhật cho người lớn, trẻ em, hỗ trợ phiên dịch, hỗ trợ các vấn đề thủ tục giấy tờ, tổ chức các sự kiện giao lưu, các hoạt động văn hóa cộng đồng. Mỗi tuần có khoảng 100 tình nguyện viên đến trung tâm.
Kobe là một trong những địa phương đang tiếp nhận ngày càng nhiều người nước ngoài đến sinh sống. Hiện tại có gần 50.000 người nước ngoài sống tại Kobe, trong đó đông nhất là người Hàn Quốc và Trung Quốc. Cộng đồng người Việt đứng thứ ba với 7.470 người.
Trung tâm cộng đồng Takatori ở quận Nagata, tỉnh Kobe, là địa điểm quy tụ 10 tổ chức phi lợi nhuận và phi chính phủ, cùng chung mục tiêu xây dựng một cộng đồng mà các cư dân từ các nền văn hóa, quốc tịch, độ tuổi có thể hiểu nhau, có một cuộc sống gắn kết, dễ chịu với tư cách là thành viên cùng trong một cộng đồng.
Với 10% dân số tại đây là người nước ngoài, mục tiêu mà Trung tâm cộng đồng Takatori hướng tới là xây dựng một xã hội đa văn hóa tại Nhật Bản.
Vào thời điểm xảy ra thảm họa động đất năm 1995, người nước ngoài sinh sống Kobe gặp khó khăn rất lớn trong việc nắm được các thông tin liên quan đến ứng phó, hỗ trợ sau thảm họa.
Từ nhu cầu này, Trung tâm truyền thông cộng đồng phi lợi nhuận với sự khởi đầu là Đài phát thanh cộng đồng FMYY đã được thành lập để hỗ trợ thông tin địa phương cho người nước ngoài cũng như cư dân địa phương sau thảm họa 1995.
Hiện nay, FMYY không chỉ giới hạn hoạt động ở phạm vi trong thời điểm xảy ra khủng hoảng, mà mở rộng sang mục tiêu tăng cường sự kết nối, chia sẻ trong cộng đồng. FMYY hiện phát thành 6 ngôn ngữ trong đó có cả tiếng Việt.
Trung tâm Hữu nghị Kobe dành cho người nước ngoài (KFC) cũng là một tổ chức phi lợi nhuận nữa tại thành phố này hoạt động với tiêu chí xây dựng một xã hội mà cư dân từ những nền văn hóa khác nhau, cùng chung sống thân thiện và đoàn kết.
KFC quan niệm rằng những người nước ngoài định cư tại Nhật Bản đóng một vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày tại Nhật Bản, là thành viên của xã hội Nhật Bản.
Vì vậy, KFC xúc tiến các hoạt động để xóa bỏ định kiến và tình trạng phân biệt đối xử, nhằm xây dựng một xã hội thân thiện đa văn hóa. Một trong những hoạt động đó là dạy tiếng Nhật và hỗ trợ các môn học chính khóa khác cho trẻ em nước ngoài.
Dương Quỳnh Trang, 22 tuổi, sinh viên khoa Ngoại ngữ tiếng Anh tại Đại học Kobe là một tình nguyện viên của KFC.
Trang theo bố đến Nhật Bản từ năm 12 tuổi. Trang kể lại rằng vào những ngày đầu đến Kobe, em không hề bị phân biệt đối xử mà thậm chí còn được các bạn thích thú vì là học sinh nước ngoài duy nhất của trường.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm bản thân về những khó khăn ban đầu của một trẻ em nước ngoài khi hòa nhập vào xã hội Nhật Bản, đặc biệt là ngôn ngữ, Trang đã trở thành một tình nguyện viên dạy tiếng Nhật cũng như các môn học khác cho trẻ em nước ngoài tại KFC.
Xa Việt Nam đã 10 năm, Trang giờ đây nói tiếng Nhật lưu loát không khác gì người Nhật. Thế nhưng em vẫn giữ gìn được tiếng Việt. Đối với Trang, giờ đây Việt Nam và Nhật Bản đều là quê hương./.

>>>Lao động châu Á tại Nhật Bản - Bài 1: Đông Nam Á – nguồn cung lao động quan trọng

>>>Lao động châu Á tại Nhật Bản - Bài 2: Những chương trình tuyển dụng chủ yếu  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục