LHQ dự báo kinh tế thế giới năm 2018

15:29' - 12/12/2017
BNEWS Trong báo cáo về triển vọng kinh tế của thế giới công bố ngày 11/12, Liên hợp quốc (LHQ) nhận định kinh tế thế giới dự kiến vẫn ổn định trong 2 năm tới sau khi đạt mức tăng trưởng 3% trong năm nay.
LHQ dự báo kinh tế thế giới năm 2018. Ảnh: Reuters

Báo cáo "Tình hình và những triển vọng của nền kinh tế thế giới năm 2018" cho biết năm 2017 kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 và mức tăng trưởng này sẽ tiếp tục được duy trì trong các năm 2018 và 2019.

Sở dĩ nền kinh tế toàn cầu đạt được mức tăng trưởng như vậy chủ yếu là nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh của một số nền kinh tế phát triển mặc dù Đông và Nam Á vẫn là những khu vực năng động nhất thế giới.

Ngoài ra, việc các quốc gia như Argentina, Brazil, Nigeria và Nga thoát khỏi suy thoái cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Báo cáo nêu rõ sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế thế giới đã tạo cơ hội cho các quốc tập trung chính sách vào việc giải quyết những vấn đề như biến đổi khí hậu, tình trạng bất bình đẳng và những trở ngại về thể chế đối với phát triển.

Tuy nhiên, báo cáo nêu rõ mặc dù đạt thành tựu về ngắn hạn như trên, kinh tế thế giới tiếp tục phải đối mặt với những nguy cơ như sự thay đổi trong chính sách thương mại của các quốc gia, tình hình tài chính toàn cầu suy giảm đột ngột và sự gia tăng những căng thẳng địa chính trị, cùng với những thách thức về dài hạn.

Báo cáo chỉ ra 4 lĩnh vực mà cải thiện tình hình kinh tế vĩ mô có thể mở đường để giải quyết những thách thức này, bao gồm: tăng cường đa dạng hóa nền kinh tế, giảm bất bình đẳng, hỗ trợ đầu tư dài hạn và giải quyết những thiếu sót về thể chế.

Báo cáo cho rằng việc định hướng lại chính sách để giải quyết những thách thức nói trên có thể thúc đẩy mạnh đầu tư và năng suất, tạo ra nhiều việc làm hơn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trung hạn bền vững hơn.

Cũng theo báo cáo trên, những cải thiện gần đây về điều kiện kinh tế diễn ra không đồng đều tại các nước và khu vực trên thế giới. Dự kiến, một số vùng ở châu Phi, Tây Á và khu vực Mỹ Latinh và Caribe sẽ có mức tăng trưởng thấp về thu nhập bình quân đầu người trong giai đoạn từ năm 2017-2019.

Điều này cho thấy cần phải tạo dựng một môi trưởng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trung hạn và xóa bỏ tình trạng nghèo đói thông qua các chính sách giải quyết những bất bình đẳng về thu nhập và cơ hội.

>>>Kinh tế Ấn Độ có thể chấm dứt chuỗi 5 quý tăng trưởng giảm tốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục