Liên danh Đèo Cả được lập dự án đường sắt Việt - Lào

12:12' - 19/10/2023
BNEWS Dự án đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ, phân đoạn trên đất Việt Nam của tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng đã xác định được nhà đầu tư đề xuất dự án theo phương thức PPP.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc phát triển dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đơn vị vừa nhận được văn bản 11538/BGTVT-KHĐT của Bộ Giao thông Vận tải về việc chấp thuận hồ sơ lập đề xuất Dự án tuyến đường sắt Việt - Lào, đoạn Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Theo văn bản văn bản 11538/BGTVT-KHĐT do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy ký nêu rõ: Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho Liên danh Công ty Petroleum Trading Lao Public - Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất Dự án tuyến đường sắt Việt - Lào, đoạn Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ theo phương thức PPP. Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả sẽ phối hợp chặt chẽ với đối tác Lào để triển khai sớm theo đúng yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải.

Nhà đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), Luật Đường sắt và quy định của pháp luật khác có liên quan, bảo đảm phù hợp với quy hoạch, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình.

Tại văn bản 11538/BGTVT-KHĐT, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Liên danh Công ty Thương mại Dầu khí Lào - Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả phải chịu mọi chi phí lập hồ sơ đề xuất dự án; chi phí lập hồ sơ được xác định trên cơ sở dự toán được thẩm định, phê duyệt theo quy định; các chi phí hợp pháp lập hồ sơ đề xuất dự án được tính trong tổng mức đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, liên danh này sẽ chịu mọi rủi ro, chi phí, không được nhà nước thanh toán một trong các trường hợp sau: Hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư đề xuất không được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo phương thức PPP; báo cáo nghiên cứu khả thi dự án không được cấp có thẩm quyền phê duyệt; dự án không lựa chọn được nhà đầu tư để triển khai theo phương thức PPP.

“Liên danh Công ty Thương mại Dầu khí Lào - Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả nộp hồ sơ đề xuất dự án tại trụ sở Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) trước ngày 10/10/2024. Trường hợp quá thời hạn nêu trên, nhà đầu tư đề xuất không trình nộp hồ sơ theo quy định, được hiểu nhà đầu tư đề xuất không còn quan tâm nghiên cứu dự án”, văn bản Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.

Dự án đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ thuộc tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng, nằm trong quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được phê duyệt theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình đầu tư trước năm 2030.

Đây là dự án quan trọng, nằm trong tổng thể dự án đường sắt Việt - Lào, là một trong những ưu tiên của Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào, được thể hiện trong quá trình triển khai các thoả thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước về phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng.

Trước đó, vào giữa tháng 8/2023, Liên danh Công ty Thương mại Dầu khí Lào - Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã gửi văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét chấp thuận cho liên danh là nhà đầu tư đề xuất Dự án tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ theo phương thức PPP.

Liên danh cam kết bố trí đủ kinh phí để thực hiện công tác lập hồ sơ đề xuất dự án, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo đúng trình tự, quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Đồng thời, chịu mọi chi phí, rủi ro nếu hồ sơ đề xuất dự án không được chấp thuận.

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, sau đường bộ cao tốc, việc đầu tư vào hạ tầng đường sắt đã được xác định là hướng đi mới của doanh nghiệp trong 5 - 10 năm tới.

“Cùng với việc khẩn trương đào tạo nhân sự về xây dựng hạ tầng đường sắt, chúng tôi đã hợp tác với đối tác có kinh nghiệm của nước ngoài như Sany, PowerChina… phát triển nguồn nhân lực, chuẩn bị thiết bị hiện đại để thi công, chuẩn bị đủ năng lực tổ chức để đấu thầu”, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho hay.

Tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng có tổng chiều dài 554,7 km, trải dài trên địa bàn 2 nước Lào và Việt Nam. Dự án có quy mô đường đôi, khổ ray 1.435 mm, vận tốc 150 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 149.550 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức PPP.

Trong đó, đoạn Mụ Giạ - cảng Vũng Áng cũng được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP với tổng chiều dài khoảng 103 km, gồm 8 nhà ga (1 ga chính, 7 ga trung gian) với tổng mức đầu tư khoảng 27.485 tỷ đồng.

Tuyến đường sắt này sẽ kết nối Vientiane tới cảng Vũng Áng, kết nối với tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc, kỳ vọng sẽ tạo ra tuyến vận tải hàng hóa mở rộng đến Bắc Lào và Nam Trung Quốc.

Điểm cuối của tuyến đường sắt này là cảng Vũng Áng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động kinh tế của 2 nước thông qua trao đổi thương mại và vận tải hàng hải, hướng tới các thị trường Đông Bắc Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục