Liên kết phát triển toàn diện Tp. Hồ Chí Minh - vùng Tây Nguyên

14:56' - 04/04/2024
BNEWS Hợp tác kinh tế - xã hội giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống của cả hai vùng.

Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên có lợi thế bổ sung cho nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên hoạt động hợp tác thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu của từng địa phương và cả vùng. Các địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động hợp tác một cách toàn diện, không chỉ về kinh tế mà còn phát triển cả văn hoá – xã hội, du lịch, y tế…

 

Đây là nội dung được ghi nhận tại Hội nghị sơ kết thoả thuận phát triển kinh tế - xã hội giữa Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên do UBND Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với UBND các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng tổ chức ngày 4/4, tại Tp. Hồ Chí Minh.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh thông tin, vùng Tây Nguyên và Tp. Hồ Chí Minh có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. 

Tháng 12/2022, UBND Tp. Hồ Chí Minh và UBND 5 tỉnh vùng Tây Nguyên gồm: Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Đắk Nông đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025; trong đó, các địa phương thống nhất hợp tác trên 5 lĩnh vực trọng tâm là du lịch, thương mại, nông nghiệp, khoa học công nghệ, y tế giáo dục.

Sau hơn một năm triển khai thoả thuận, các địa phương đã phối hợp triển khai nhiều sự kiện, phần việc mang tính liên kết vùng như Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng  vùng, miền năm 2023 tại Tp. Hồ Chí Minh; Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2023; Hội nghị trực tuyến trao đổi nội dung hợp tác giữa ngành y tế Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên tổ chức tại Gia Lai; Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình về phát triển giống, công nghệ sinh học, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đắk Lắk…

Theo ông Võ Văn Hoan, hợp tác kinh tế - xã hội giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống của cả hai vùng. Qua việc tận dụng lợi thế và tiềm năng của mỗi vùng, đã tạo ra sự đồng bộ và tương đồng phát triển, đóng góp vào sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào việc thắt chặt tình hữu nghị và đoàn kết giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Tuy nhiên, ông Võ Văn Hoan cũng đặt vấn đề, mặc dù nội dung thoả thuận hợp tác bao trùm cả kinh tế - xã hội nhưng trong thời gian đầu phối hợp, các địa phương chỉ mới tập trung hợp tác kinh tế mà chưa xem trọng hợp tác về phát triển xã hội. Mặt khác, chương trình hợp tác vẫn còn một số hạn chế nhất định bởi phần lớn cơ chế hợp tác giữa hai địa phương chủ yếu là sự hỗ trợ một chiều của Tp. Hồ Chí Minh dành cho các tỉnh trong vùng; các kết quả hợp tác kinh tế - xã hội chưa thực sự xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên "không thể sống thiếu nhau" được. Tây Nguyên vừa là thị trường, vừa là nơi cung cấp nguồn nhân lực và nguyên liệu sản xuất chế biến cho Tp. Hồ Chí Minh. Ngược lại, Tp. Hồ Chí Minh cũng là nơi tiêu thụ và là đầu mối phân phân phối, thương mại cho nhiều sản phẩm của vùng Tây Nguyên.

Do đó, các thành viên trong thoả thuận hợp tác cần liên hệ chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển một cách toàn diện, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường cho cả vùng.

Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, triển khai thỏa thuận hợp tác này, UBND tỉnh Đắk Nông tập trung triển khai một số nhiệm vụ hợp tác song phương; trong đó có các lĩnh vực như chuyển giao quy trình ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng rau, cây ăn trái và các loại cây trồng khác có giá trị tại tỉnh Đắk Nông; xây dựng mô hình kinh doanh và sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng thương hiệu và marketing cho các sản phẩm nông nghiệp…

Theo ông Lê Văn Chiến, năm 2024 Đắk Nông sẽ phối hợp chặt chẽ với Tp. Hồ Chí Minh tổ chức các hội nghị, hội thảo, chương trình xúc tiến đầu tư - thương mại mà các bên có nhu cầu và lợi thế; tăng cường hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực đối với các lĩnh vực tỉnh Đắk Nông đang còn thiếu. Đắk Nông cũng sẽ tích cực kêu gọi hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội tại các địa bàn khó khăn, biên giới của tỉnh; hợp tác với Tp. Hồ Chí Minh trong việc hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, nông sản của địa phương.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhận định, việc triển khai Bản thỏa thuận hợp tác giữa Tp. Hồ Chí Minh với vùng Tây Nguyên bước đầu đã đặt nền móng tích cực cho việc mở rộng quan hệ hợp tác, đầu tư giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Đây sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên chủ động khảo sát, tìm kiếm hội đầu tư trong bối cảnh mới.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có trên 30 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đặt trụ sở tại tỉnh; trên 50 dự án do các nhà đầu tư đến từ Tp. Hồ Chí Minh đã và đang triển khai thực hiện với tổng vốn đăng ký trên 33.500 tỷ đồng thuộc các lĩnh vực năng lượng tái tạo (phát triển điện gió, điện mặt trời), sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, thương mại dịch vụ, giáo dục, cải tạo và phát triển rừng.

Giai đoạn 2024 – 2025 Đắk Lắk sẽ tập trung hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh kết nối, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu, đầu tư vào địa phương góp phần hoàn thành hoàn thành những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực Tây Nguyên và cả nước.

Đại diện các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng cũng thống nhất cao với định hướng triển khai thoả thuận hợp tác giữa Tp. Hồ Chí Minh với vùng Tây Nguyên giai đoạn 2024 – 2025. Cụ thể, các địa phương sẽ tập trung hợp tác trên các lĩnh vực phát triển du lịch; kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư - thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển y tế, giáo dục; lĩnh vực nông nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục