Liên kết vùng nguyên liệu, kênh phân phối mở rộng nguồn cung hàng hóa

18:04' - 24/09/2024
BNEWS Những ngày cuối quý III/2024, nhiều doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh đã “chạy nước rút” công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp này đều tập trung liên kết mở rộng vùng nguyên liệu, kênh phân phân phối, góp phần bình ổn thị trường.

 

Cụ thể, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) vừa công bố quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm Saigon Co.op hướng đến xây dựng hệ sinh thái bán lẻ bền vững. Đây được đánh giá là một trong những chiến lược quan trọng của Saigon Co.op, vừa hỗ trợ cho các địa phương, vừa kết nối nhà sản xuất, nhà cung ứng để hình thành nên hệ thống cung ứng thực phẩm an toàn.

Ngoài ra, Saigon Co.op đồng thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ với 17 nhà cung cấp từ 6 tỉnh, thành, gồm: Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Tiền Giang và đánh dấu hoàn tất giai đoạn 1 của chương trình “quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm Saigon Co.op”. Quá trình quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm Saigon Co.op dự kiến kéo dài đến hết năm 2025, chia thành 3 giai đoạn, lần lượt triển khai tại các tỉnh, thành trên toàn quốc.

Trong giai đoạn đầu, Saigon Co.op đặc biệt hỗ trợ ứng vốn sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho 5 nhà cung cấp là những hợp tác xã và nhà cung cấp nguyên liệu địa phương chuyên canh nhóm mặt hàng rau an toàn. Nhà bán lẻ này, cũng thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ với hợp tác xã Dure Cosumer’s Cooperative Union, Hàn Quốc về hợp tác xuất nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam đến Hàn Quốc; cũng như trao đổi kinh nghiệm về điều hành bán lẻ và những hoạt động thúc đẩy phong trào hợp tác xã của hai quốc gia.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, Saigon Co.op luôn khẳng định vai trò tiên phong về trách nhiệm đối với cộng đồng và người tiêu dùng Việt Nam trong nâng cao chất lượng cuộc sống. Với tầm nhìn này, Saigon Co.op không ngừng nỗ lực cải thiện chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, mang đến những sản phẩm không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn bảo vệ môi trường.

“Xây dựng vùng nguyên liệu giúp Saigon Co.op kết nối sâu rộng với các đối tác, cộng đồng và người tiêu dùng tạo ra sự phát triển bền vững toàn diện. Điều này mang lại lợi ích về mặt kinh tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, cũng như thể hiện cam kết mạnh mẽ của Saigon Co.op trong việc bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ thêm.

Tương tự, Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood (Nutifood) cũng công bố hoàn tất thủ tục đầu tư vào Công ty CP Thực phẩm đông lạnh Kido (Kido Foods), với sở hữu 51% cổ phần. Thương vụ này, giúp Nutifood hoàn thiện thêm chuỗi cung ứng sản phẩm đa dạng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho mọi lứa tuổi của người tiêu dùng Việt.

Theo ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood, đầu tư vào Kido Foods cho phép Nutifood mở rộng hơn lĩnh vực từ dinh dưỡng tốt cho sức khỏe qua đa dạng sản phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, thương vụ này cũng cho phép Nutifood làm chủ hệ thống phân phối ngành hàng đông lạnh với hàng trăm nghìn tủ kem bao phủ rộng khắp từ điểm bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại… cho đến nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi giải trí… trên cả nước.

Mặt khác, kết nạp thêm thành viên mới Kido Foods với hai thương hiệu số 1 trong ngành kem tại Việt Nam là Celano và Merino sẽ giúp Nutifood mở rộng hệ sinh thái sản phẩm. Hiện tại, Kido Foods đang sở hữu 2 nhà máy chế biến hiện đại với công nghệ tiên tiến, máy móc được nhập khẩu hoàn toàn từ châu Âu và Nhật Bản tại 2 miền Nam – Bắc đảm bảo đáp ứng nhu cầu cung ứng kem cho toàn thị trường, đồng thời còn ghi dấu ấn với các loại sữa chua dẻo chất lượng và bổ dưỡng.

Ở góc độ sở ngành, ông Nguyễn Nguyễn Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh luôn có thế mạnh về tiềm lực và thế mạnh trong liên kết sản xuất kinh doanh, phát triển vùng nguyên liệu một cách bền vững. Do đó, cùng với sự quyết tâm của chính quyền thành phố và các bên, doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện thuận lợi xây dựng những vùng nguyên liệu chất lượng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo nguồn cung hàng hóa, bình ổn thị trường.

Hơn thế nữa, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương trong xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, tạo điều kiện liên kết sản xuất - tiêu thụ hàng hóa từ vùng nguyên liệu đến thị trường tiêu thụ, sắp tới ngành Công Thương Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu năm 2024, với chủ đề “Kết nối trách nhiệm – Hướng đến Chuỗi cung ứng xanh”. Hội nghị năm nay có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của hơn 2.000 doanh nghiệp đến từ hơn 45 tỉnh, thành phố trên cả nước tìm kiếm cơ hội kết nối với các tập đoàn bán lẻ và sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội nghị Kết nối cung cầu giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2024, diễn ra từ ngày 26 – 27/9, sẽ tập trung vào các hoạt động chính như hội nghị Sơ kết 6 tháng triển khai Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa; hoạt động kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến; giới thiệu không gian trưng bày sản phẩm, hàng hóa với khoảng 700 gian hàng… Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành còn xem đây là cơ hội trình diễn sản phẩm tiêu biểu của địa phương đến hệ thống phân phối, người tiêu dùng và du khách đến Tp. Hồ Chí Minh.

Một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng, phát triển vùng nguyên liệu là yếu tố then chốt giúp nhà phân phối đảm bảo nguồn cung ổn định, chất lượng cao, từ đó nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Song song đó, phát triển vùng nguyên liệu còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhà sản xuất, nhất là nông dân ổn định đầu ra cho sản phẩm, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng tầm vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục