Liên minh Nga - Trung chống chủ nghĩa bảo hộ

05:30' - 11/09/2017
BNEWS Theo ý kiến chuyên gia trên trang expert.ru, dưới phương châm “chống chủ nghĩa bảo hộ”, Nga và Trung Quốc sẽ tạo nên một “liên minh bảo hộ” của riêng mình.
Liên minh Nga - Trung chống chủ nghĩa bảo hộ. Ảnh: Reuters

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tài chính-kinh tế quốc tế, thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc Chu Giang nói Bắc Kinh và Moskva sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp các chiến lược kinh tế vĩ mô. Đề tài đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu đã được thảo luận tại hội nghị BRICS lần thứ 9 tại Hạ Môn. Nga và Trung Quốc thỏa thuận và thông qua những bước đi chung mới theo hướng này.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Tass của Nga, ông Chu Giang nói: “Tôi tin tưởng rằng Trung Quốc và Moskva sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp các chiến lược kinh tế vĩ mô của mình, thúc đẩy các cải cách toàn cầu, chống lại chủ nghĩa bảo hộ”.

Chuyên gia Aleksey Antonov từ hãng môi giới Alor Broker cho hay, nếu nói rằng đến một ngày chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới sẽ chấm dứt thì cũng chẳng khác gì khi nói rằng trên thế giới sẽ không còn xung đột, đó là tự sát.

Chủ nghĩa bảo hộ là một trong những biện pháp để hành động chống lại một hoặc một nhóm nước khác, mà không cần dùng sức mạnh quân sự, chỉ thuần túy dùng kinh tế, song lại rất hiệu quả. Về bản chất, biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây dùng để ngăn cấm xuất khẩu công nghệ sang Nga cũng là một kiểu chủ nghĩa bảo hộ.

Vì vậy, các nước BRICS có thể chỉ nỗ lực tạo ra liên minh bảo hộ chống lại các nước phương Tây và Mỹ, và cố gắng buôn bán trong vòng liên minh, đó cũng là ý của Trung Quốc khi đề xuất BRICS+.

Trung Quốc bắt đầu tranh cãi về chủ nghĩa bảo hộ, cụ thể là chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos khi ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị áp mức thuế suất 45% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Có những tính toán rằng năm 2016, do chủ nghĩa bảo hộ tại châu Âu và Mỹ mà Trung Quốc đã không thực hiện được các thương vụ với tổng trị giá 75 tỷ USD, gồm cả thương mại lẫn đầu tư. Trong khi đó, chỉ trong 1 năm Trung Quốc đã đầu tư trực tiếp vào Mỹ và châu Âu gần 100 tỷ USD.

Dù vậy, Bắc Kinh vẫn rất cần trao đổi thương mại với Mỹ, đó cũng chính là đầu tàu thúc đẩy nền kinh tế nước này tăng trưởng. Nga chỉ có thể giúp đỡ Trung Quốc ở chỗ có quan hệ tốt với các đối tác ngoại thương tại châu Âu, ví dụ với những nước mua khí đốt của Nga.

Một số doanh nghiệp châu Âu đã lên tiếng cho rằng biện pháp trừng phạt của Mỹ cản trở quan hệ kinh tế đối ngoại của Đức và Nga, và Nga có thể tiếp tục vận động cho định hướng này. Ông Antonov cho rằng nếu như Nga có nhiều lựa chọn hàng tiêu dùng xuất khẩu ra nước ngoài hơn, thì tiếng nói của Nga tại BRICS và bản thân BRICS sẽ mạnh hơn. 

Trưởng bộ phận phân tích chính của công ty “Freedom Finance”, Bogdan Zvarych cho rằng không chỉ chính sách bảo hộ mà Mỹ có thể dựa vào, cần bàn tới cả các sáng kiến tương tự từ phía các nước khác. 

Kết quả là trong khuôn khổ các tổ chức có Nga và Trung Quốc hiện diện, cụ thể là BRICS và EAEU, các nước có thể xúc tiến các sáng kiến làm suy yếu các rào cản bảo hộ và sẽ thúc đẩy thương mại tự do. Thêm vào đó, việc xây dựng hạ tầng trong khuôn khổ vành đai kinh tế Con đường tơ lụa, sẽ thúc đẩy phát triển thương mại, mở ra các thị trường tiêu thụ mới cho hàng hóa từ các nước thành viên.

Còn về Mỹ, ông Zvaruch cho rằng Nga và Trung Quốc có thể chống lại sáng kiến của chính quyền Mỹ trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong trường hợp nếu các quyết định đưa ra tại Mỹ xung đột với quy định của tổ chức, các nước khác có quyền kháng kiện.

Và ở đây hành động chung có thể mang lại lợi ích lớn hơn là đấu tranh “đơn độc” của một nước. Hiện nhiều chuyên gia cũng đã nói đến khả năng đối đầu Nga và Mỹ trong khuôn khổ WTO, vì một số các biện pháp trừng phạt vi phạm quy định của tổ chức này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục