Liệu các đồng tiền của ASEAN có ổn định khi Fed tăng lãi suất?

06:30' - 07/10/2022
BNEWS Khi đồng USD tăng giá so với các đồng tiền trên toàn cầu, nhiều quốc gia đang ghi nhận thâm hụt tài khoản vãng lai hoặc có gánh nặng nợ lớn nhìn chung sẽ chứng kiến đồng nội tệ sụt giảm nhanh hơn.
Theo tạp chí The Diplomat, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất một cách mạnh mẽ và phát đi tín hiệu sẽ còn có thêm nhiều đợt tăng như hiện nay, đồng USD đã lập tức tăng giá trị so với các đồng tiền trên toàn cầu. Các quốc gia đang ghi nhận thâm hụt tài khoản vãng lai hoặc có gánh nặng nợ lớn nhìn chung sẽ chứng kiến đồng nội tệ sụt giảm nhanh hơn.

Các đồng tiền trên thị trường mới nổi thường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong tình huống này, khi các nhà đầu tư có xu hướng rời bỏ các tài sản rủi ro hơn để chuyển sang những lựa chọn như trái phiếu Mỹ và hưởng lợi từ việc lợi tức tăng.

Tuy nhiên, trong đợt thắt chặt tiền tệ này của Fed, một điều thú vị đã xảy ra. Nhiều đồng tiền ở khu vực Đông Nam Á đang giữ giá khá tốt. Mặc dù những đồng tiền này cũng đang giảm giá, nhưng không phải ở một tốc độ gây hoảng sợ có thể khởi động một cuộc tháo chạy vốn lớn hoặc gây ra khủng hoảng cán cân thanh toán.

Lãi suất ở các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tăng để phản ứng với việc đồng USD mạnh lên, song nhiều ngân hàng trung ương đang hành động một cách thận trọng và nhận thấy họ không phải chịu áp lực mạnh mẽ để bảo vệ đồng nội tệ giống như cách mà Ngân hàng trung ương Anh và Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã làm. Vậy điều này được hiểu như thế nào?

Việc mất giá của một số đồng tiền, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, hoàn toàn không phải là một điều xấu. Đồng baht suy yếu sẽ giúp Thái Lan làm được nhiều hơn những gì họ thực sự muốn làm ngay bây giờ; đó là xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Khi đồng baht suy yếu và đồng USD mạnh lên, nhiều người Mỹ có thể quyết định bây giờ là thời điểm tốt để đi nghỉ mát ở Phuket. Nhiều người sẽ mua hàng hóa được sản xuất tại Thái Lan. Đó là điều mà các nhà hoạch định chính sách mong muốn.

Chìa khóa ở đây, giống như trong tất cả mọi thứ khác, là sự cân bằng. Ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi không nhất thiết muốn ngăn đồng tiền của họ giảm giá, nhưng họ sẽ không muốn chúng giảm quá nhanh. Điều này có thể gây ra sự hoảng loạn và mất uy tín, mà điều này sẽ dẫn đến những vấn đề lớn hơn. Việc đồng tiền mất giá cần được quản lý và điều này được thực hiện chủ yếu thông qua các biện pháp can thiệp vào thị trường vốn và thông qua chính sách của ngân hàng trung ương.

Các thị trường mới nổi có khá nhiều kinh nghiệm xương máu trong việc đối phó với xu hướng tháo chạy vốn, biến động tiền tệ và những ý tưởng thất thường của các nhà đầu tư toàn cầu. Họ thường tích lũy các khoản dự trữ ngoại hối lớn một cách chính xác để có thể hỗ trợ tiền tệ trong thời gian biến động như thế này.

Ngân hàng trung ương cũng có thể tăng hoặc giảm lãi suất. Lãi suất cao hơn sẽ giúp thúc đẩy tiền tệ bằng cách thu hút nhiều dòng vốn hơn hoặc giảm dòng vốn chảy ra. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất cũng có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm tăng chi phí đi vay.

Do đó, các nhà hoạch định chính sách phải đưa ra một lựa chọn khó khăn. Nếu họ không làm gì và để nguyên tỷ giá hối đoái, đồng nội tệ sẽ tiếp tục mất giá so với đồng USD và họ sẽ phải sử dụng dự trữ ngoại hối để ổn định nó. Sự thiếu tin cậy về chính sách ở đây cũng có thể đẩy nhanh dòng vốn chảy ra ngoài và làm mất giá trị của đồng nội tệ.

Mặt khác, việc tăng lãi suất có thể “bóp chết” nền kinh tế và dự báo tăng trưởng năm 2023 đối với hầu hết các nước Đông Nam Á là khá tốt. Các nước sẽ không muốn kiềm hãm điều đó trừ khi họ buộc phải làm như vậy. Hơn nữa, nếu một chính phủ, doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng đang gánh nhiều khoản nợ thì lãi suất tăng sẽ không phải là một viễn cảnh đáng hoan nghênh. Các ngân hàng trung ương trong khu vực sẽ phải cân nhắc cẩn thận những rủi ro này và cố gắng cân bằng chúng.

Malaysia và Indonesia đều đã tăng 75 điểm cơ bản lãi suất. Bắt đầu từ tháng Năm, lãi suất chính sách của Malaysia đã tăng ba lần từ 1,75% lên 2,5%, trong khi Ngân hàng Indonesia cũng tăng lãi suất từ 3,5% lên 3,75% vào tháng Tám. Tuần trước, Indonesia đã tăng lãi suất lên 4,25%.

Đây là mức tăng khá khiêm tốn so với những gì Fed đang làm và được hỗ trợ bởi vị thế tài khoản vãng lai mạnh mẽ nhờ xuất khẩu hàng hóa bùng nổ. Tuy nhiên, khi nhu cầu toàn cầu đối với dầu cọ và than đá hạ nhiệt, các ngân hàng trung ương ở Malaysia và Indonesia có thể phải đối mặt với những lựa chọn chính sách phức tạp hơn trong năm tới nếu thị trường vốn vẫn biến động.

Tăng lãi suất không phải là công cụ duy nhất ở đây. Các ngân hàng trung ương cũng sẽ khai thác khoản dự trữ ngoại hối của họ để làm chậm tốc độ mất giá. Tại Thái Lan, dự trữ ngoại hối ở mức 225 tỷ USD vào tháng 12/2021. Đến tháng 8/2022, khoản dự trữ này đã giảm xuống còn 195 tỷ USD, có thể là do những can thiệp vào thị trường vốn để hỗ trợ đồng baht. Trong khi đó, lãi suất chuẩn tăng 25 điểm cơ bản rất khiêm tốn, từ 0,5% lên 0,75%. Đồng baht đã giảm khoảng 20% so với đồng USD kể từ mức cao nhất năm 2021.

Trong số các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn trong khu vực, Philippines đã hành động quyết liệt nhất, tăng lãi suất chuẩn từ mức thấp 2% trong tháng Năm lên 4,25% vào tháng Chín. Điều này phản ánh vị thế của quốc gia này tương đối yếu hơn, với dự trữ ngoại hối ít hơn Thái Lan, nợ công tăng do đại dịch COVID-19 và thâm hụt tài khoản vãng lai khá lớn. Đồng peso đã giảm khoảng 20% so với đồng USD kể từ năm 2021 và điều này có thể sẽ đặt ra một thách thức liên tục đối với Tổng thống Ferdinand Marcos Jr trong năm đầu tiên cầm quyền.

Tất cả các đồng tiền của khu vực ASEAN đều đang cảm thấy áp lực từ việc đồng USD tăng giá. Điều này là không có gì ngạc nhiên và dự kiến biến động sẽ tiếp tục với nhiều đợt tăng lãi suất trong những tháng tới.

Tuy nhiên, hầu hết các đồng tiền vẫn giữ giá khá tốt, khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất và sử dụng dự trữ ngoại hối để kiểm soát sự mất giá, với hy vọng động thái này sẽ không kiềm hãm tăng trưởng kinh tế hoặc khiến những người đi vay rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

Điều quan trọng là cho đến nay, các ngân hàng trung ương khu vực vẫn duy trì sự tin cậy về chính sách tổng thể và đó chính là chìa khóa của vấn đề./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục