Liệu đồng NDT có thể trở thành đồng tiền thống trị toàn cầu?

06:30' - 01/02/2021
BNEWS Sau những bất ổn về chính sách tại Mỹ, không ít các chuyên gia kinh tế đặt ra câu hỏi, liệu đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc có sớm thách thức đồng bạc xanh trên trường quốc tế hay không?

Mặc dù cả hai cường quốc này đều khẳng định không tham gia vào một cuộc đua tiền tệ mới, nhưng những đánh giá khách quan nhất cho thấy lịch sử đang không đứng về phía cường quốc lớn nhất thế giới.

Trong bài viết đăng tải trên trang mạng Project Syndicate, Giáo sư Arvind Subramanian thuộc trường đại học Ashoka, cựu trưởng cố vấn kinh tế của Chính phủ Ấn Độ, nhận định rằng lần gần đây nhất thế giới hướng sự chú ý vào đồng NDT là khi nhà đầu tư tỷ phú Ray Dalio dự đoán rằng đồng tiền này sẽ sớm trở thành loại tiền tệ dự trữ toàn câu.

Đó là một dự đoán mà Chính phủ Trung Quốc rất “hài lòng” thể hiện qua những nỗ lực mà Bắc Kinh đã thực hiện trong vài năm gần đây. Câu hỏi hiện nay là liệu “năm Tân Sửu” sắp tới có mang lại những thay đổi cần thiết nào để định vị đồng NDT phù hợp với tham vọng của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hay không?

Giống như các cuộc thi sắc đẹp, cuộc thi trạng thái tiền tệ dự trữ là một trong những cuộc thi mang tới sự hấp dẫn tương đối cao. Các nhà giao dịch và đầu tư quốc tế phải quyết định loại tiền tệ có sẵn nào là thuận tiện nhất cho họ để sử dụng. Loại tiền tệ đó phải được hỗ trợ bởi một hệ thống tài chính mạnh nhất và, có lẽ là quan trọng nhất, được sự hậu thuẫn của một quốc gia chủ quyền đáng tin cậy. Điểm mới ngày nay là cả hai cường quốc lớn nhất thế giới dường như cùng cạnh tranh để giảm mức độ tin cậy của mình trên trường quốc tế.

Độ hấp dẫn tương đối rất khó để định lượng. Nhưng cơ bản khái niệm này là một yếu tố có thể được đo lường một cách chính xác dựa trên quy mô của nền kinh tế phát hành. Như nhà kinh tế học Paul Krugman đã giải thích trong một bài phân tích năm 1984, “tiền tệ của một quốc gia quan trọng trên thị trường thế giới sẽ là ứng cử viên cho vị trí là một đồng tiền quốc tế nhiều hơn so với các quốc gia nhỏ hơn”. Nói một cách khác, nền kinh tế thống trị toàn cầu là “phần cứng” (hardware) cần thiết cho một loại tiền tệ dự trữ quốc tế.

Rõ ràng, Trung Quốc đã tạo được một “phần cứng” cần thiết của riêng mình. Quốc gia này là nhà giao dịch thương mại lớn nhất thế giới kể từ năm 2013, nền kinh tế Trung Quốc hiện vượt Mỹ tính trên sức mua tương đương và sẽ sớm vượt lên cả về khía cạnh tỷ giá hối đoái. Vì những lý do này, một vài chuyên gia kinh tế từ một thập kỷ trước đã chỉ ra rằng đồng NDT sẽ sớm trở thành đối thủ cạnh tranh và cuối cùng “soán ngôi vương” của đồng USD.

Trung Quốc đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong việc thúc đẩy sức hấp dẫn tương đối của đồng NDT. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ và đặc biệt nổi lên mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương) đã tiến hành phát triển và thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình và các nước đối tác trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) trên khắp thế giới đang bắt đầu sử dụng đồng NDT trong các giao dịch tài chính, thương mại ngày càng tăng của họ với Trung Quốc.

Nhưng đồng USD cũng đã chứng minh được khả năng kháng cự mạnh mẽ đối với đồng NDT. Như nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gita Gopinath và các đồng nghiệp của mình đã nhận định, ưu thế vượt trội của thương mại sẽ tiếp tục hỗ trợ cho hành vi xác lập hóa đơn bằng đồng USD và đồng tiền này vẫn đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động hỗ trợ tài chính xuyên biên giới.

Một trong những lý do chính giúp đồng USD có khả năng phục hồi so với đồng NDT là “phần cứng” kinh tế của Mỹ được bổ sung bởi “phần mềm” mạnh mẽ. Đó là tất cả các phẩm chất vô hình giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, đó không chỉ là một hệ thống ngân hàng mạnh mẽ được hỗ trợ bởi một quốc gia có chủ quyền đáng tin cậy. Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước trong lĩnh vực này.

Để tạo dựng lòng tin cho hệ thống tài chính, Trung Quốc cần củng cố hệ thống ngân hàng có đòn bẩy cao và hoạt động vượt công suất. Sau đó, nước này cần loại bỏ biện pháp kiểm soát nguồn vốn và đảm bảo tính minh bạch hơn để các nhà đầu tư có thể tham gia vào thị trường tài chính Trung Quốc với sự tin tưởng rằng họ biết họ đang mua mặt hàng gì.

Các nhà chức trách Trung Quốc sau đó cần cam kết dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát vốn, để các nhà đầu tư có thể tự tin rằng họ sẽ luôn được phép chuyển tiền ra khỏi đất nước. Không điều nào trong số này có thể hoàn thành nhanh chóng và việc thuyết phục các nhà đầu tư rằng những thay đổi là hoàn toàn có thể sẽ còn mất nhiều thời gian hơn nữa.

Nhiệm vụ tiếp theo là xây dựng niềm tin cho các đối tác kinh tế. Trung Quốc sẽ cần thuyết phục các quốc gia khác rằng nước này vẫn sẽ là đối tác đáng tin cậy. Điều này đòi hỏi nhiều thời gian và cả nỗ lực, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đang có những bước đi được cho là “lệch hướng”.

Trung Quốc có thể đã giúp đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đi đến sự thống nhất chung, nhưng nước này đồng thời cũng sử dụng các biện pháp “phong tỏa” kinh tế như là một hình thức trừng phạt chính trị đối với một trong những đối tác thương mại chính của họ là Australia.

Hơn nữa, Trung Quốc đang sử dụng các chính sách quản trị “độc quyền” khiến các nhà đầu tư quốc tế lo ngại khi hoạt động tại Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), bất chấp vị thế trung tâm tài chính quốc tế của khu vực này.

Bắc Kinh cũng đã có động thái rõ ràng nhắm vào một trong những doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực tài chính nội địa, tỷ phú Jack Ma – nhà sáng lập của trang thương mại điện tử Alibaba, với lý do được cho là đi ngược lại với chiến lược phát triển nền kinh tế “tuần hoàn kép” của quốc gia, khẳng định sự chuyển trọng tâm kinh tế từ nước ngoài về trong nước của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, một nước Mỹ dưới thời kỳ lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump cũng đã tự phá vỡ sự tin cậy của các quốc gia láng giềng, các đồng minh thân cận và thế giới trong tư cách là một đối tác tài chính.

Điển hình là hành động trừng phạt kinh tế mà chính quyền của ông Trump áp dụng đối với Iran, bằng cách cấm các ngân hàng Mỹ không được giao dịch trực tiếp với quốc gia đó, thậm chí là không được giao dịch với bất kỳ ngân hàng nước ngoài nào hoạt động tại Iran. Do đó, các quốc gia khác, bao gồm nhiều bạn bè và đồng minh của Mỹ, hiện nhận thức rõ ràng về mức độ dễ bị tổn thương của mình trước hành động đơn phương của Mỹ.

Mặc dù sự thống trị của đồng USD đã được tích lũy trong một thời gian dài, mang lại sự thuận tiện trong các giao dịch, nhưng giờ đây việc lựa chọn đồng tiền này đi kèm với một chi phí tiềm năng cao, cao đến mức Liên minh châu Âu (EU) đã phải cố gắng để tạo ra một cơ chế thanh toán bù trừ xuyên biên giới cho thương mại.

Gần đây, chính quyền của Tổng thống Trump một lần nữa có hành vi trực tiếp chống lại Trung Quốc, ra lệnh cho các tổ chức tài chính Mỹ và các nhà đầu tư cắt đứt quan hệ với một số công ty nhà nước của Trung Quốc và ba công ty Trung Quốc đã bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York. Đáp lại, các nhà chức trách Trung Quốc lên kế hoạch để bảo vệ các công ty trong nước thoát khỏi sự lũng đoạn và thống trị tài chính của Mỹ.

Giữa hai cường quốc này, không biết là cường quốc nào đã làm nhiều hơn để gây sụt giảm niềm tin và “phần mềm” của chính mình. Vì vậy bất cứ nhà đầu tư hay nhà quan sát nào cũng không đủ tự tin để phủ quyết giả định rằng “triều đại” của đồng USD là không thể lay chuyển. Trung Quốc vẫn có thể giành chiến thắng trong cuộc đua tiền tệ dự trữ, hoặc vì đồng NDT trở nên hấp dẫn hơn, hay đơn giản là vì đồng USD trở nên ít hấp dẫn hơn.

Trong ngắn hạn, có một câu hỏi mở rằng liệu có bất kỳ sự chuyển dịch quyết định nào từ đồng USD sang đồng NDT bắt đầu trong năm 2021 hay không. Nhưng khi nói đến dài hạn, Trung Quốc tự tin vào triển vọng tiền tệ của mình và họ dường như đã cố gắng thuyết phục rằng “phần cứng” của Trung Quốc hấp dẫn hơn, bất kể những thiếu sót liên quan tới “phần mềm”. Một thông điệp, được cho là khá “tự cao” với thế giới, là bất kể Trung Quốc làm gì, đồng NDT sẽ trở thành đồng tiền thống trị toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục