Liệu Fed có giành thắng lợi trong cuộc chiến chống lạm phát?

06:30' - 16/10/2022
BNEWS Những hy vọng ban đầu cho rằng lạm phát hàng năm ở Mỹ có thể giảm xuống đã bị dập tắt khi số liệu kinh tế tháng Chín được công bố
Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ, lạm phát tại nước này tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng Chín, dấu hiệu mới nhất cho thấy sức ép giá cả khó kiểm soát hơn dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng mạnh lãi suất. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trong tháng Chín tăng 0,4% so với tháng Tám, trong khi giới phân tích dự báo mức tăng 0,2%, với giá thực phẩm, chi phí cho nhà ở và y tế tăng đã gây khó khăn cho người tiêu dùng. So với cùng kỳ năm ngoái, giá cả tăng 8,2%, sau khi tăng 8,3% trong tháng Tám.

Điều đó giải thích lý do tại sao Fed đã quyết định tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp – một động thái chưa từng có kể từ cuối những năm 1980. Fed tiếp tục nỗ lực kiềm chế lạm phát hiện đang ở mức hơn 8% -  cao nhất trong bốn thập kỷ ở Mỹ.

Trái ngược với mơ tưởng của một số nhà đầu tư cho rằng thời kỳ lạm phát có thể qua đi và Fed sẽ bắt đầu nới lỏng cuộc chiến tiền tệ, các nhà lãnh đạo của ngân hàng trung ương Mỹ, như Chủ tịch Jerome Powell, trong những ngày gần đây đã nói rõ rằng họ có ý định tăng lãi suất cao hơn nữa, sau đó duy trì cho đến khi có bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng lạm phát đang hạ nhiệt.

Như ông Powell và các đồng nghiệp của ông đã nhấn mạnh, biến động trên các thị trường tài chính và lo ngại về suy thoái hay những tác động mang tính tàn phá mà việc tăng lãi suất của Fed có thể gây ra cho các nền kinh tế khác sẽ không thay đổi được tâm lý đó. Ông Powell cho biết, chính sách tiền tệ sẽ cần phải thắt chặt trong một thời gian đến khi có thể tin tưởng rằng lạm phát đang quay trở lại mục tiêu.

Và tại một hội nghị ở New York mới đây, Thống đốc Fed Lael Brainard đã nhấn mạnh rằng cần có thời gian để lãi suất cao hơn có tác động đầy đủ đến các lĩnh vực khác nhau và làm giảm lạm phát. Bà khẳng định rằng Fed cam kết không sớm rút lại việc tăng lãi suất.

Nói một cách thẳng thắn, Fed dường như quyết tâm "đè bẹp" giá cả đang gia tăng và đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%, với các chuyên gia dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất 100 đến 150 điểm cơ bản nữa trong năm nay, bất chấp những "phí tổn" đối với kinh tế Mỹ và các nền kinh tế toàn cầu. Ảnh hưởng của các chính sách của Fed đã bắt đầu lan rộng ở trong nước cũng như trên toàn thế giới.

Chứng khoán Mỹ đã giảm ba quý liên tiếp, giá trái phiếu chính phủ giảm và có những dấu hiệu ban đầu cho thấy lãi suất thế chấp đang tăng lên và giá nhà đang giảm xuống. Giá nhà giảm là tin tốt đối với những người muốn mua nhà, nhưng lại gây thiệt hại cho những chủ nhà muốn bán. Đây là một ví dụ khác về những thách thức mà Fed phải đối mặt trong cuộc chiến chống lạm phát của mình.

Có lẽ vấn đề lớn đối với Fed liên quan đến các chương trình kích thích tài chính khổng lồ được thông qua dưới thời Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump để đối phó với COVID-19. Người tiêu dùng, các công ty và chính quyền địa phương của Mỹ đã tích lũy được rất nhiều tiền mặt trong khi người Mỹ phải ở trong nhà và các doanh nghiệp đóng cửa trong đại dịch. Giờ đây họ đang chi tiêu số tiền mặt đó – điều này trở nên rõ ràng khi bạn nhận thấy việc xây dựng đang diễn ra ở các trung tâm đô thị lớn hoặc người dân Mỹ đi lại và mua sắm nhiều hơn.

Khó khăn khi đặt chỗ ở nhà hàng, đặt vé máy bay hay đặt phòng khách sạn… và bạn có thể kết luận rằng nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ - một tâm lý đi ngược lại sứ mệnh của Fed là khiến người tiêu dùng dừng chi tiêu quá nhiều, vì chi tiêu đang thúc đẩy nhu cầu, làm tăng lợi nhuận công ty và gia tăng lạm phát.

Tương tự, tỷ lệ thất nghiệp thấp lịch sử 3,7% đã giúp tạo ra một thị trường lao động chặt chẽ, với khoảng 2 vị trí tuyển dụng cho mỗi người Mỹ thất nghiệp. Sự thiếu hụt lớn về lao động này đang gây áp lực lên lương, vốn đã tăng 7% so với năm 2021 – điều này cũng có nghĩa là những lao động có việc làm này hiện có nhiều thu nhập hơn để chi tiêu.

Đồng thời, không giống như ở châu Âu nơi giá năng lượng vẫn ở mức cao – đặc biệt do cuộc xung đột ở Ukraine – giá năng lượng đã bắt đầu giảm ở Mỹ, trong khi xuất khẩu năng lượng của nước này tăng. Trên thực tế, giá dầu và khí đốt cao hơn đem lại lợi ích cho ngành năng lượng Mỹ.

Thực tế của một nền kinh tế Mỹ phát triển quá nóng giải thích lý do tại sao nhiệm vụ mà ngân hàng trung ương Mỹ đang phải đối mặt đôi khi dường như giống với "nhiệm vụ bất khả thi", khiến Fed không còn lựa chọn nào ngoài việc tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát đạt được mục tiêu, trong khi hy vọng rằng chính sách tiền tệ hạn chế này không kết thúc bằng một cuộc suy thoái kinh tế đầy đau đớn.

Tuy nhiên, điều đã trở nên rõ ràng là các động thái tiền tệ mạnh tay của Fed đang gây ra nỗi đau kinh tế toàn cầu khi các ngân hàng trung ương khác cố gắng theo kịp đối tác Mỹ của họ.

Cụ thể hơn, việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ liên quan chặt chẽ đến đồng USD mạnh hơn, đẩy đồng bạc xanh lên cao hơn ít nhất 7% so với các đồng tiền chủ chốt khác. Điều đó đã dẫn đến cái gọi là "chiến tranh tiền tệ ngược", với việc các ngân hàng trung ương đang cố gắng tăng giá đồng tiền của mình và chống lạm phát thông qua việc tăng lãi suất.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy Fed sẽ giảm áp lực tăng lãi suất đối với các quốc gia khác bằng việc dừng chu kỳ tăng lãi suất của chính họ. Nếu có chăng, đồng USD mạnh hơn giúp ích cho người mua hàng Mỹ bằng cách giữ giá nhập khẩu trong tầm kiểm soát và do đó giảm áp lực lạm phát. Các công ty Mỹ bán hàng ra nước ngoài cũng thấy lợi nhuận của họ bị siết lại.

Tuy nhiên, đồng bạc xanh mạnh có thể siết chặt dòng tài chính trên toàn thế giới đang phát triển. Nhiều công ty và chính phủ ở các thị trường mới nổi vay tiền bằng đồng USD và phải thanh toán những khoản nợ tương ứng, ngay cả khi đồng tiền của họ mua được ít USD hơn.

Điều này có thể gây ra rất nhiều nỗi đau kinh tế ở các quốc gia này – những nước mà Mỹ cần có sự ủng hộ về ngoại giao trong cuộc chiến địa chiến lược với Nga./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục