Liệu Nga có thể giúp đưa châu Âu ra khỏi khủng hoảng năng lượng?

06:30' - 23/10/2021
BNEWS Giá khí đốt cao ở châu Âu cho thấy nguồn cung hiện ở mức hạn chế. Tuy nhiên, cần bổ sung khối lượng bao nhiêu để bình ổn thị trường lại là một câu hỏi khó.

Trang mạng của “Trung tâm Carnegie Moskva” (Nga) mới đây đã đăng tải bài viết với tiêu đề “Liệu Nga có thể cứu Liên minh châu Âu (EU) khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng?”.

Theo bài viết, giá khí đốt châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục. Kể từ đầu tháng 10 tới nay luôn giữ ở mức hơn 1.000 USD/1.000 m3, làm nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều về tương lai của mối quan hệ năng lượng Nga-EU. 

Một số chính trị gia châu Âu yêu cầu điều tra liệu Tập đoàn Gazprom (Nga) có đang thao túng thị trường bằng cách cố tình hạn chế nguồn cung hay không. Một số khác thì thúc giục Nga tăng cường xuất khẩu khí đốt sang châu Âu càng sớm càng tốt.

Nga không "làm ngơ" trước các vấn đề của châu Âu. Hồi tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị xem xét khả năng tăng nguồn cung khí đốt sang châu Âu để làm giảm độ nóng của thị trường. Trong tuần này, Tổng thống Nga lại tiếp tục nhắc đến vấn đề này, tại Hội nghị của Tuần lễ Năng lượng Nga, ông Putin tái khẳng định Nga sẵn sàng giúp đỡ châu Âu đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng và kêu gọi đẩy nhanh việc khởi động đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2. 

Tuy nhiên, sau một đợt giảm nhẹ, giá khí đốt lại tiếp tục tăng. Do đó, ngoài sự can thiệp bằng lời, Nga còn cần phải tăng nguồn cung thật sự. 

Châu Âu cần bao nhiêu khí đốt?

Giá khí đốt cao ở châu Âu cho thấy nguồn cung hiện ở mức hạn chế. Tuy nhiên, cần bổ sung khối lượng bao nhiêu để bình ổn thị trường lại là một câu hỏi khó. Trả lời được câu hỏi này mới có thể hiểu được các nhà cung cấp chính, bao gồm cả Nga, có thể tăng nguồn cung cần thiết hay không.

Việc ước tính khối lượng khí đốt cần thiết có thể được thực hiện dựa trên tỷ lệ lấp đầy ở các kho lưu trữ khí đốt ở châu Âu. Hiện nay khối lượng khí đốt ở các kho chứa dưới mặt đất của EU là khoảng 87,2 tỷ m3 (tương đương 78% sức chứa). Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại thời điểm này hàng năm vào khoảng gần 90%. Điều này có nghĩa là để đạt mức trung bình hàng năm thì cần bổ sung thêm khoảng 13 tỷ m3 khí đốt.

Nếu tính đến những biến động có thể xảy ra về nhu cầu và nhiệt độ mùa Đông thì người châu Âu sẽ thiếu khoảng 10-15 tỷ m3 để sưởi ấm qua mùa Đông sắp tới. Con số này là không quá nhiều, chỉ tương đương khoảng 2-3% mức tiêu thụ hàng năm của châu Âu, nhưng vấn đề ở chỗ hiện toàn bộ thị trường thế giới đang trong tình trạng căng thẳng và dường như sẽ không thể cung cấp khối lượng như vậy trong tương lai gần.

Khí đốt LNG là dạng hóa lỏng nên dễ vận chuyển. Bởi vậy, nhu cầu tăng cao trong một khu vực sẽ làm tăng giá và làm giảm sự sẵn có của khí hoá lỏng LNG ở những khu vực khác. Việc nhu cầu khí đốt cũng ngày càng tăng ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, cũng đã làm nóng toàn bộ thị trường thế giới.

Các nhà cung cấp lớn đã định hướng lại nguồn cung sang châu Á và giảm xuất khẩu sang châu Âu. Các nhà máy hoá lỏng khí đốt tự nhiên thường hoạt động gần hết công suất, do đó, không thể tăng mạnh nguồn cung trong ngắn hạn.

Đối với khí đốt được vận chuyển thông qua đường ống, các nhà cung cấp chính cho châu Âu là Nga, Na Uy và Algeria. Na Uy đã cam kết từ ngày 1/10 sẽ tăng lượng cung và xuất khẩu thêm 2 tỷ m3, nhưng lượng cung này chỉ kéo dài trong vòng 12 tháng tới. Trong những tháng gần đây, lượng khí đốt được Na Uy cung cấp cho EU và Vương quốc Anh giảm. Trong khi đó, Algeria đã tăng khối lượng khí đốt bơm sang Italy kể từ cuối tháng 9, nhưng con số này là quá ít để gây ảnh hưởng tới thị trường châu Âu. 

Trong tình hình này, Nga, với tư cách là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu (cung cấp khoảng 35% lượng tiêu thụ) vẫn là nguồn duy nhất có khả năng ảnh hưởng đến tình hình thị trường.

Liệu Nga có công suất dự phòng?

Tuy nhiên, có không ít hoài nghi về việc Tập đoàn Gazprom và các nhà sản xuất khí đốt khác của Nga có thể tăng nhanh chóng và đáng kể khối lượng cung cấp khí đốt. Hầu hết nguồn khí đốt của Gazprom là các mỏ khổng lồ của vùng Nadym-Pur-Taz (Urengoiskoye, Yamburgskoye, Zapolyarnoye). Bản thân các mỏ này cũng đang giảm dần sản lượng khoảng 20% trong 10 năm qua. 

Để bù đắp cho sự sụt giảm này, vào năm 2012, mỏ lớn Bovanenkovskoye ở Yamal được đưa vào hoạt động. Đến năm 2020, sản lượng ở đây đạt 99 tỷ m3. Ngoài ra, Nga cũng dự kiến đưa vào hoạt động một mỏ rất lớn khác ở Yamal - mỏ Kharasaveyskoe, vào năm 2023. 

Trong giai đoạn tháng 1-9/2021, sản lượng khí đốt đã tăng 60 tỷ m3 so với cùng kỳ năm 2020. Do đó, để đẩy nhanh sản lượng hơn nữa là điều không dễ dàng, đặc biệt là vào những tháng mùa Đông, khi công suất đã ở mức tối đa để đáp ứng nhu cầu theo mùa.

Việc tỷ lệ lấp đầy các mỏ dự trữ ở châu Âu ở mức thấp là một sự xác nhận gián tiếp rằng Gazprom đang phải đối mặt với những hạn chế về công suất.Ví dụ, ở cơ sở lưu trữ Haidach (Áo), tỷ lệ mới chỉ là 2,2%, trong khi tại cơ sở Rehden (Đức), tỷ lệ này mới chỉ là 9,45%. Tất nhiên, Gazprom cũng có thể điều động và cố gắng đáp ứng nhu cầu của châu Âu bằng lượng khí đốt ở các cơ sở lưu trữ ở Nga, nhưng việc tỷ lệ lấp đầy ở các cơ sở lưu trữ châu Âu ở mức thấp cũng có những rủi ro nhất định.

Trong năm nay, nguồn cung của Gazprom vào thị trường nội địa đã tăng đáng kể, khoảng 20% so với năm 2020 (và khoảng 7% so với năm 2019). Nguyên nhân của sự gia tăng này là do nhu cầu của ngành điện và dân số. Việc sử dụng điện năng ở Nga cũng tăng lên trong vài tháng trở lại đây khoảng 6-7%. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu về khí đốt tăng thêm.

Bên cạnh châu Âu, Gazprom cũng có trách nhiệm lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt của Nga. Trong mùa nóng năm 2020-2021, 61 tỷ m3 khí đốt đã được lấy ra từ các cơ sở lưu trữ của Nga, nhiều hơn đáng kể mức 30-40 tỷ m3 thông thường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trước khi mùa sưởi ấm đến, Nga cần phải lấp đầy lượng khí đốt đã rút ra này.

Nhiều khả năng, Gazprom có thể tăng một phần lượng cung cấp khí đốt cho châu Âu, bao gồm việc sử dụng nguồn dự trữ tại các cơ sở lưu trữ của Nga. Tuy nhiên, nguồn này cũng có giới hạn và khó có thể cung cấp thêm 10-15 tỷ m3 cho châu Âu vào cuối năm nay.

Gazprom không phải là duy nhất?

Khí đốt ở Nga không chỉ được sản xuất bởi riêng Gazprom, mà còn bởi các nhà sản xuất độc lập, cung cấp khoảng 1/3 tổng sản lượng. Tuy nhiên, việc thâm nhập vào thị trường châu Âu của họ bị cản trở bởi các điều luật quy định về sự độc quyền xuất khẩu khí đốt do Gazprom sở hữu. 

Mặc dù những thay đổi được thông qua vào năm 2013 đã cho phép các công ty khác của Nga xuất khẩu khí hóa lỏng, nhưng chỉ cho phép những công ty có giấy phép xây dựng nhà máy LNG, có nghĩa là công ty Novatek. 

Quy định này thường được gọi là “kênh xuất khẩu duy nhất” và được thiết lập nhằm tăng khả năng cạnh tranh của khí đốt Nga tại thị trường châu Âu quan trọng. Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất khí đốt độc lập thường xuyên đề nghị thay đổi quy định này, nhưng những đề xuất này không bao giờ được chấp nhận.

Các nhà sản xuất khí đốt độc lập lớn nhất ở Nga là Novatek và Rosneft. Novatek tuân thủ chiến lược cân bằng hội nhập theo chiều dọc, theo đó, các mỏ mới được phát triển là cơ sở tài nguyên phục vụ cho các nhà máy LNG của chính họ. 

Trong khi đó, Rosneft có các kế hoạch phát triển hoạt động kinh doanh khí đốt tham vọng, nhưng sản lượng của công ty này lại giảm liên tục kể từ năm 2017. Năm nay, công ty này đã khởi động một dự án khí đốt lớn mang tên Rospan, nhưng thời hạn để đạt mức sản lượng theo kế hoạch dự kiến (21 tỷ m3/năm) đã bị hoãn lại nhiều lần. 

Điều này có nghĩa là, trong ngắn hạn khả năng tăng sản lượng của các nhà máy sản xuất độc lập cũng bị hạn chế, ngay cả khi tính độc quyền xuất khẩu của Gazprom được gỡ bỏ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục