Liệu Thủ tướng Anh Johnson có đang hướng đến một cuộc khủng hoảng Brexit khác?

07:30' - 07/12/2019
BNEWS Khi khẳng định về một thỏa thuận thương mại với EU phải đạt được vào tháng 12/2020, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đặt ra một thời gian biểu đàm phán quá tham vọng mà một số người cho là không thể.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

Tờ Financial Times của Anh nhận định "Thực hiện xong Brexit" đã thành một khẩu hiệu tranh cử mạnh mẽ của đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, các nhà phân tích đều cho rằng khẩu hiệu này che giấu một sự thật rằng nếu ông Boris Johnson giành chiến thắng, Anh phải đối mặt với một cuộc đàm phán thương mại đầy cam go với EU, bởi thời hạn ông Johnson đặt ra để Anh hoàn thành một thỏa thuận thương mại với EU vào tháng 12/2020 là vô cùng khó khăn.
Ivan Rogers, cựu Đại sứ Anh tại EU, cảnh báo rằng "cuộc khủng hoảng mà chúng ta đối đầu có thể là vào Giáng sinh sắp tới - Giáng Sinh 2020.
Cho đến nay, ông Johnson và các bộ trưởng đều luôn cho rằng việc đạt được một thỏa thuận thương mại với EU thời kỳ hậu Brexit sẽ là rất đơn giản. Bộ trưởng Tài chính Sajid Javid tuyên bố rằng "Hầu hết các công việc đã được thực hiện".

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng nước Anh đang hướng đến một cuộc khủng hoảng Brexit kinh tế và chính trị khác.
Thủ tướng Johnson nói rằng Vương quốc Anh sẽ rời EU vào cuối tháng 1/2020 và sau đó đàm phán một thỏa thuận thương mại với tư cách là nước thứ ba trong vòng 11 tháng. Tuyên bố của đảng Bảo thủ viết: "Chúng tôi sẽ không gia hạn thời gian chuyển giao đến sau tháng 12/2020" khi đề cập đến thời hạn được thiết lập bởi thỏa thuận đã đạt được với Brussels.
Ông Johnson tuyên bố thỏa thuận thương mai sẽ dễ dàng, vì London và Brussels giống nhau về các quy định ngay từ đầu. Tuy nhiên, câu hỏi không phải là nước Anh hiện đang ở đâu mà là kết thúc ở đâu. Tách ra khỏi các quy định và tiêu chuẩn của EU là bản chất của thỏa thuận Brexit của ông Johnson.

Thủ tướng đã chứng minh điểm này hôm thứ Sáu khi ông nói rằng Anh sẽ tách khỏi EU về các quy tắc trợ giúp nhà nước khi đề xuất làm cho việc hỗ trợ các ngành công nghiệp ốm yếu trở nên dễ dàng hơn. Các chuyên gia thương mại cảnh báo rằng điều này có thể làm méo mó "sân chơi bình đẳng" mà trên cơ sở đó bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với EU sẽ được xây dựng.
Ông Ivan Rogers tuần trước đã nói rằng ông Johnson nghĩ rằng Anh có thể tận hưởng sự tự chủ về thương mại và quy định, đối với cả hàng hóa và dịch vụ, và chính sách di cư, nhưng không chịu bất kỳ vấn đề tiêu cực nào trong việc tiếp cận thị trường EU. Theo ông,  bằng cách tạo ra một "vách đá" mới vào dịp Giáng Sinh tới, Thủ tướng Johnson khiến nước Anh có nhiều khả năng đạt được một thỏa thuận tồi.
David Henig, một nhà đàm phán thương mại trước đây của Anh, cho rằng sẽ khó có thể đạt được một thỏa thuận vào tháng 12/2020. Trong khi đó, các quan chức EU cảnh báo rằng Brussels và Vương quốc Anh có thể chỉ có 5 tháng để đạt được thỏa thuận, vì cần có thời gian để kiểm tra tính pháp lý, dịch thuật và phê chuẩn văn bản.

Phải mất 4 tháng và 10 ngày để chuẩn bị bản dự thảo thỏa thuận thương mại EU-Nhật Bản để được phê chuẩn - bao gồm cả việc rà soát pháp lý và dịch sang 24 ngôn ngữ chính thức của EU - và đây được Brussels xem như một ví dụ điển hình cho tốc độ xử lý nhanh chóng.
Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán của EU, cho biết thời gian "là vô cùng ngắn ngủi" và rằng "khoảnh khắc thực sự đầu tiên" sẽ đến vào mùa Hè năm 2020. Đến ngày 1/7, ông Johnson sẽ phải tìm cách gia hạn thời gian chuyển đổi nếu chưa đạt được một thỏa thuận thương mại.
Ông Barnier nói rằng mục tiêu của EU, cũng như của Anh, là đạt được một thỏa thuận thương mại trao quyền tiếp cận không thuế quan và hạn ngạch cho hàng hóa. Tuy nhiên, Brussels đã nói rất ít về những gì có thể trao cho lĩnh vực dịch vụ, một lĩnh vực mà các hiệp định thương mại quốc tế có xu hướng đạt được ít hơn về mặt tiếp cận thị trường.
Các nhà quan sát lưu ý rằng cách tiếp cận này chủ yếu có lợi cho EU. Điều đó sẽ giúp duy trì thương mại hàng hóa, trong đó EU hưởng thặng dư thương mại với Anh 94 tỷ bảng trong năm 2018. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất ít hoặc không ảnh hưởng gì đối với lĩnh vực dịch vụ, nơi Anh luôn thặng dư với EU kể từ năm 2005.
Ông Ivan Rogers nói rằng kế hoạch chấm dứt tự do đi lại của ông Johnson sẽ dẫn đến việc Brussels trả đũa bằng cách làm cho các chuyên gia Anh gặp khó khăn nhiều hơn để có thể làm việc ở châu Âu. Ông nói: "Các công ty chỉ mới vừa nhận thức được những tác động to lớn đến khả năng di chuyển của các chuyên gia".
Bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ yêu cầu nước Anh thực hiện "sân chơi bình đẳng", bao gồm việc nhà nước trợ giúp, luật lao động, môi trường và thuế. Ông Henig nói rằng các quốc gia thành viên EU sẽ có các yêu cầu riêng, ví dụ Ba Lan có thể yêu cầu tự do di chuyển và Hà Lan yêu cầu quyền đánh bắt cá đối với vùng biển của Anh - có thể là một trong những lĩnh vực gây tranh cãi nhất trong các cuộc đàm phán trong tương lai.
Liệu ông Johnson có thể gia hạn thời gian chuyển đổi không? Tuyên bố của đảng Bảo thủ là Không. Tuy nhiên, lời hứa hùng hồn "Ra đi hoặc chết" của ông Johnson trước đây về việc đưa Anh ra khỏi EU vào ngày 31/10 chẳng dẫn tới điều gì. Do đó, một số người suy đoán rằng ông Johnson cũng có thể không thực hiện lời hứa này.
Theo thỏa thuận ra đi mà Anh đã đạt được với EU, ông Johnson có thể yêu cầu gia hạn quá trình chuyển đổi cho đến năm 2022, giữ Anh trong một thỏa thuận "bế tắc" với EU, điều mà Thủ tướng và những người ủng hộ "Brexit cứng" khác trước đây mô tả là "thân phận chư hầu".

David Gauke, cựu Bộ trưởng tư pháp của đảng Bảo thủ, dự đoán rằng nếu ông Johnson làm điều đó thì các nghị sỹ Bảo thủ sẽ cố gắng lật đổ ông và một Bộ trưởng Bảo thủ ủng hộ Brexit đầy tham vọng có thể rời bỏ Nội các khi hướng đến một cuộc đua vào vị trí lãnh đạo.
Điều gì xảy ra nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại nào vào tháng 12/2020? Trừ khi Anh đồng ý kéo dài thời gian chuyển đổi, có thể gây ra khủng hoảng chính trị đối với ông Johnson, nước Anh có thể đối mặt với khủng hoảng kinh tế nếu rời EU mà không có thỏa thuận thương mại và mặc định thực hiện theo các quy tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong chiến dịch bầu cử, ông Johnson đã từ chối ủng hộ một sự ra đi "không thỏa thuận" vào tháng 12/2020, vì biết rằng một viễn cảnh như vậy sẽ gây hoảng loạn đối với doanh nghiệp và khiến những người ủng hộ đảng Bảo thủ có xu hướng ủng hộ việc ở lại EU lo ngại. Tuy nhiên, sự ra đi với các quy định của WTO sẽ chứng kiến việc các rào cản thương mại, hạn ngạch và thuế quan mới được dựng lên chỉ sau một đêm. Thay vào đó, ông Johnson chỉ đơn giản khẳng định sẽ có thỏa thuận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục