Liều vaccine nào cho nền kinh tế thế giới?

12:12' - 16/12/2021
BNEWS Thế giới đang chứng kiến các chuỗi cung ứng tắc nghẽn và thị trường lao động "vật vã" vì thiếu nhân lực. Tình trạng này đã châm ngòi cho lạm phát và đẩy tiền lương cao hơn dự kiến.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã nhắc nhở chúng ta về những bất ổn vẫn tồn tại xung quanh đại dịch toàn cầu. Rất khó để nói chính xác loài người đang ở đâu trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19.

Ở giai đoạn này, việc đánh giá tác động kinh tế vĩ mô của biến thể Omicron gần như là không thể, chỉ có điều chắc chắn là nó làm tăng thêm rủi ro đình trệ trong nền kinh tế thế giới.

Mặc dù vậy, giới quan sát nhìn chung đều kỳ vọng 2022 sẽ là một năm tăng trưởng tốt đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ "hạ nhiệt" so với năm 2021, khi các chính phủ và các ngân hàng trung ương bắt đầu thu hẹp các gói hỗ trợ ồ ạt ở giai đoạn đầu của đại dịch.

Sự phục hồi kinh tế sau đại dịch hoàn toàn khác với các đợt phục hồi kinh tế trong quá khứ. Thế giới đang chứng kiến các chuỗi cung ứng tắc nghẽn và thị trường lao động "vật vã" vì thiếu nhân lực. Tình trạng này đã châm ngòi cho lạm phát và đẩy tiền lương cao hơn dự kiến.

Sự phục hồi đã lộ rõ bản chất không cân bằng qua theo dõi mô hình chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ. Theo đó, doanh số bán lẻ thực tế hiện cao hơn mức trước đại dịch hơn 10%. Trong khi đó, chi tiêu cho lĩnh vực dịch vụ vẫn thấp hơn khoảng 2% so với trước đại dịch.

Sự phục hồi được thúc đẩy một cách không cân đối bởi lĩnh vực hàng hóa và điều này đã tạo ra áp lực bất thường đối với chuỗi cung ứng và thị trường hàng hóa. Đối với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (kết thúc vào năm 2009), phải mất tới bốn năm rưỡi để doanh số bán lẻ vượt qua mức trước khủng hoảng. Nhưng với đại dịch COVID-19, thời gian cần chỉ là 18 tháng.

Việc các chính phủ/các ngân hàng trung ương rút lại các gói hỗ trợ khẩn cấp sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình trình định hình hoạt động kinh tế năm 2022. Các chính sách tài khóa lớn (chính sách chi tiêu và thuế của chính phủ được thiết kế để hỗ trợ nền kinh tế trong ngắn hạn) nhằm ứng phó với đại dịch đang giảm dần ở Mỹ và Vương quốc Anh.

Mặc dù chi tiêu của các chính phủ này sẽ vẫn mạnh trong năm 2022, nhưng "xung lực tăng trưởng" tổng thể từ chính sách tài khóa sẽ ít hơn so với năm 2021.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên sau đợt tăng cường chính sách tài khóa gây sốc trong năm nay. Ngược lại, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) nổi bật với chi tiêu tài khóa sẽ vẫn mạnh do kế hoạch phục hồi của châu Âu. Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến trong năm 2022 sẽ tiếp tục duy trì kích thích tài khóa.

Liên quan đến các chính sách ngắn hạn của các ngân hàng trung ương được thiết kế để kích thích nền kinh tế, có thể nhận thấy những động thái theo chiều hướng kém tích cực hơn ở Canada, Mỹ và Vương quốc Anh.

Ngân hàng trung ương Canada (BoC) hồi cuối tháng 10/2021 đã tuyên bố kết thúc chương trình nới lỏng định lượng (QE) - một biện pháp được đưa ra khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đã chứng kiến BoC tung hàng trăm tỷ CAD mua trái phiếu chính phủ liên bang và tăng gấp 4 lần quy mô của bảng cân đối kế toán nhằm nỗ lực giảm lãi suất.

BoC hiện duy trì lãi suất chủ chốt ở mức 0,25%, nhưng cho biết có thể bắt đầu nâng lãi suất trong "các quý giữa năm 2022". Những thay đổi này đã đưa BoC đi trước hầu hết các ngân hàng trung ương lớn khác trong việc rút lại các biện pháp kích thích được đưa ra để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã đánh tiếng về khả năng tăng lãi suất.

Những diễn biến trên không có gì bất ngờ vì các biện pháp hỗ trợ phải kết thúc khi sự phục hồi đã bén rễ. Tuy nhiên, để nền kinh tế duy trì tăng trưởng, khu vực tư nhân cần nỗ lực để khởi sắc. Trên "mặt trận" này, người tiêu dùng đóng vai trò then chốt và các hộ gia đình được dự báo sẽ sử dụng khoản tiết kiệm mà họ tích lũy được trong thời gian nền kinh tế đóng cửa.

Tỷ lệ tiết kiệm của Mỹ đã giảm đáng kể vào năm 2021, nhưng điều quan trọng đối với tiêu dùng đó là tỷ lệ này tiếp tục giảm vào năm 2022 (trong bối cảnh thu nhập thực tế bị giảm khi lạm phát cao hơn). Câu chuyện về giảm tỷ lệ tiết kiệm trong các hộ gia đình ở Eurozone và Vương quốc Anh được dự báo sẽ tương tự như ở Mỹ.

Biến thể Omicron đang giáng một đòn vào những hy vọng lạc quan rằng nền kinh tế thế giới sẽ bước sang năm 2022 trên đôi chân vững chắc hơn. Sự xuất hiện của Omicron rõ ràng làm tăng nguy cơ "hồi sinh" các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch bệnh và nguồn cung lại có khả năng tiếp tục đứt gãy.

Tại một cuộc họp báo mới đây ở Nhà Trắng, khi được hỏi liệu COVID-19 có bao giờ bị đánh bại hay không, Tiến sĩ Anthony Fauci - cố vấn y tế chính của Tổng thống Mỹ - đã trả lời: "Sẽ rất khó khăn - ít nhất là trong tương lai gần, và có thể là không bao giờ - để loại bỏ thực sự virus có khả năng lây truyền cao này".

Những gì ông Fauci nói có thể là tin buồn đối với nhiều người. Nhưng ông chỉ nhắc lại những gì mà các nhà dịch tễ học và các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã nhấn mạnh: COVID-19 và các lần lặp lại đột biến của nó sẽ tồn tại cùng chúng ta trong một thời gian và có thể là mãi mãi. Và nền kinh tế thế giới phải chấp nhận và thích nghi với thực tế này./.

>>>Fed dự kiến ba lần tăng lãi suất vào năm 2022

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục