Liệu Washington có thể ngăn chặn hoàn toàn khả năng Huawei sử dụng công nghệ Mỹ?

06:30' - 30/04/2020
BNEWS Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc mới đây tuyên bố các biện pháp trừng phạt bổ sung có thể có của Mỹ cấm cung cấp chip sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp này.
Một cửa hàng của Huawei ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo Nikkei Aisan Review, người phát ngôn Huawei cho biết tập đoàn này có thể dễ dàng thay thế linh kiện Mỹ bằng thành phần tương tự từ các quốc gia khác.

Trước đó đã có tin cho hay, quan chức các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Năng lượng, Thương mại và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đang thảo luận về khả năng thắt chặt các quy định kiểm soát hàng hóa sản xuất ở nước ngoài.

Theo các quy định hiện hành, giấy phép xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ được yêu cầu ngay cả đối với hàng hóa được sản xuất bên ngoài nước Mỹ, nếu ít nhất 25% linh kiện hoặc công nghệ Mỹ được sử dụng để chế tạo.

Việc thắt chặt các quy định có thể giảm ngưỡng này xuống 10%, và trong một số trường hợp thậm chí là 0%. Nếu các sửa đổi được thông qua, nhà cung cấp chính cho Huawei, công ty TSMC của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), sẽ không thể xuất khẩu linh kiện sang Trung Quốc đại lục vì chip TSMC công nghệ cao được sản xuất bằng thiết bị của Mỹ.

Do đó, nếu lệnh trừng phạt đối với Huawei vào tháng 5/2019 dễ dàng được công ty Trung Quốc này vượt qua (ngoại lệ duy nhất là cấm sử dụng dịch vụ của Google, dẫn đến sụt giảm nhu cầu điện thoại thông minh Huawei mới ở thị trường nước ngoài), thì giờ đây Huawei có thể phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều, do chip TSMC được sử dụng trong hầu hết mọi sản phẩm của Huawei - từ điện thoại thông minh đến trạm thu phát sóng và thiết bị chuyển mạch.

Do đó, Huawei hiện đang tích cực bổ sung kho dự trữ. Bất chấp cuộc khủng hoảng ở Nhật Bản trong quý đầu năm nay, TSMC thông báo lợi nhuận ròng tăng gấp đôi trong quý I/2020 lên 3,89 tỷ USD. Nhà sản xuất của vàng lãnh thổ Đài Loan thừa nhận kết quả này là do Huawei tích cực tăng mua tích trữ linh kiện.

Trong khi đó, theo Nikkei Asian Review, dường như Huawei không lo lắng về những lệnh cấm có thể của Mỹ. Theo đại diện Huawei, doanh nghiệp này luôn có thể mua sản phẩm chip tương tự từ Samsung, MediaTek, từ các nhà cung cấp Nhật Bản, châu Âu và thậm chí ngay cả ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu Mỹ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu, việc chuyển sang các nhà cung cấp khác vẫn có khó khăn nhất định, bởi các nhà cung cấp này cũng phải dựa vào công nghệ Mỹ.

Chuyên gia Gong Honglie từ Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nam Kinh nhận định, hiện tại, trong các ngành công nghệ cao như chip và vi mạch, các quốc gia khác vẫn không thể làm được nếu không có công nghệ Mỹ.

Trong ngắn hạn, khó có nước nào có thể bắt kịp hoặc vượt qua Mỹ trong lĩnh vực này bởi đó là một chuỗi sản xuất phức tạp. Các công ty Mỹ và châu Âu đang ở cấp cao nhất của chuỗi này. Trung Quốc và các nước phía sau khác không thể vượt qua những khó khăn này trong một thời gian ngắn.

Theo đại diện Huawei, ngay cả khi “người khổng lồ” viễn thông không thể thiết lập quy trình sản xuất chip của riêng mình, thì tại Trung Quốc vẫn có nhiều công ty khác đang phát triển ngành này.

Trong tài liệu về kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, chính phủ nước này đặt mục tiêu đạt 70% thay thế thị phần nhập khẩu, kể cả trong lĩnh vực chip vào năm 2025. Một số nhà sản xuất Trung Quốc đã có những tiến bộ trong lĩnh vực này.

Huawei đặt mua một phần linh kiện từ công ty Semiconductor Manufacturing International Co ở Thượng Hải. Đây là các chip thế hệ trước.

Doanh nghiệp Yangtze Memory Technologies Co., Ltd ở Vũ Hán mới đây công bố phát triển chip flash 3D NAND nguyên mẫu 128 lớp, chưa được bất kỳ công ty nào trên thế giới sản xuất hàng loạt. Các công ty khác, bao gồm cả Samsung của Hàn Quốc, cũng đang tích cực phát triển các sản phẩm này.

Trong trường hợp Mỹ thực sự ngăn chặn quyền truy cập vào các công nghệ của nước này, cả phía nhà cung cấp và tiêu dùng đều gặp khó khăn.

Tuy nhiên, Mỹ khó có thể thực hiện các biện pháp quyết liệt như vậy. Trong trường hợp này, tất cả các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài sẽ phải phát triển công nghệ của riêng mình vì họ không thể từ bỏ thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc. Và Mỹ cuối cùng sẽ mất nhu cầu về công nghệ của mình.

Chuyên gia Gong Honglie cho biết, áp lực của Mỹ lên các quốc gia khác, theo quan điểm khoa học và công nghệ, sẽ không quá đáng chú ý, chủ yếu vì các nước khác cũng cần nơi tiêu thụ. Việc mất các thị trường này gây ra quá nhiều thiệt hại cho các công ty.

Tất nhiên, nếu Mỹ áp đặt các hạn chế toàn diện, việc này sẽ có tác động nghiêm trọng đến Huawei trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ngay cả trong lĩnh vực 5G nói chung, Mỹ chỉ dẫn đầu về công nghệ trong một vài chuyên ngành hẹp. Nhưng ở Mỹ không có các cụm công nghiệp, mà chúng hiện được đặt tại các quốc gia khác, chủ yếu ở Trung Quốc.

Vì vậy, về lâu dài, những hạn chế của Mỹ có thể là “con dao hai lưỡi”. Do đó, không có khả năng Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn toàn diện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục