LILAMA gia công chế tạo và tổ hợp mô-đun thiết bị cho nhà máy sản xuất hydro tại Mỹ

16:57' - 09/11/2022
BNEWS Mở rộng thị trường vào dự án năng lượng xanh, đặc biệt là chế tạo tổ hợp mô-đun thiết bị cỡ lớn thông qua hợp đồng gia công chế tạo với bạn hàng quốc tế giúp LILAMA tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (LILAMA) cho biết, đơn vị vừa ký hợp đồng với đối tác Thyssenkrupp nucera AG & Co.KGaA để gia công chế tạo và tổ hợp 2 mô-đun thiết bị điện phân cho dự án Nhà máy sản xuất hydro tại West Coast (Mỹ).

Đây là dự án có yêu cầu độ chính xác cao trong khâu chế tạo và tổ hợp, đặc biệt là yêu cầu nghiêm ngặt trong việc làm sạch, bảo quản thiết bị cũng như đóng gói sản phẩm trước khi xuất hàng.

Theo đó, trong thời gian 10 tháng (từ năm 2022 đến 2023), LILAMA sẽ gia công chế tạo và tổ hợp 2 mô-đun thiết bị điện phân. Phạm vi công việc của LILAMA bao gồm việc cung cấp vật tư thép, vật tự điện; chế tạo kết cấu thép, chế tạo ống, sơn kết cấu thép, sơn ống; lắp dựng và tổ hợp kết cấu thép, ống, thiết bị cơ khí, thiết bị điện, thiết bị điều khiển, bảo ôn; làm sạch và chạy thử toàn bộ hệ thống sau đó tổ hợp theo dạng từng skid và xuất sản phẩm theo điều kiện FOB tại cảng Hải Phòng.

Hiện các mô-đun đang được những người thợ LILAMA chế tạo và tổ hợp tại nhà máy chế tạo LILAMA Hải Dương. Việc đạt được hợp đồng gia công chế tạo và tổ hợp 2 mô-đun thiết bị điện phân cho một dự án năng lượng xanh không chỉ góp phần đưa thương hiệu LILAMA ra thế giới mà còn đóng góp chung vào nền kinh tế trong cán cân xuất nhập khẩu.

 
Thông qua dự án, doanh nghiệp sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm để dần mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sang các dự án năng lượng xanh – nguồn năng lượng của tương lai.

Lãnh đạo LILAMA chia sẻ, đây cũng chính là kết quả của nhiều năm tìm tòi, hợp tác, cùng nghiên cứu phát triển dự án với đối tác Thyssenkrupp nucera AG & Co.KgaA - nhà thầu hiện đang đi đầu trong nghiên cứu và phát triển các dự án năng lượng xanh trên thế giới.

Trước tác động của biến đổi khí hậu và khan hiếm nguồn nhiên liệu hóa thạch, từ nhiều năm trước, một số quốc gia đã bắt đầu xu hướng chuyển dịch năng lượng. Nhu cầu sử dụng năng lượng từ nguồn nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá sẽ giảm dần, thay vào đó là các loại hình năng lượng thân thiện hơn với môi trường như khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhiên liệu sinh khối, khí hydro được sản xuất từ nguồn trung hòa carbon.

Trong số đó, sản xuất hydro bằng phương pháp điện phân và sau đó là quá trình tổng hợp ammonia với đầu vào chủ yếu là nguồn năng lượng tái tạo thân thiện môi trường sẽ là một ưu thế trong lộ trình phát triển của thế giới ngày nay; tiến tới một thế giới công nghiệp ứng dụng năng lượng xanh một cách toàn diện.

LILAMA chủ động hội nhập sâu rộng quốc tế với sở trường là gia công chế tạo, tổ hợp và lắp đặt thiết bị cơ khí. Do đó, việc mở rộng thị trường sang các dự án năng lượng xanh, đặc biệt là lĩnh vực chế tạo tổ hợp mô-đun thiết bị cỡ lớn cho nhà máy sản xuất hydro thông qua hợp đồng gia công chế tạo với bạn hàng quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp dần tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng chính là bước chuyển mình cần thiết của LILAMA, phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu - lãnh đạo doanh nghiệp này định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục