Linh hoạt đưa hàng thiết yếu đến cho người dân

21:20' - 23/08/2021
BNEWS Để đảm bảo không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, các ngành cũng như các địa phương đã linh hoạt các giải pháp nhằm đưa hàng đến cho dân nhanh nhất và đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ.

Để đảm bảo không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, các ngành cũng như các địa phương đã linh hoạt các giải pháp nhằm đưa hàng đến cho dân nhanh nhất và đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Hôm nay, Hà Nội tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ về giãn cách xã hội cho đến 6/9. Để đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức đưa hàng hóa lưu động bằng xe ô tô và xe buýt đến tận những khu vực bị phong tỏa, các khu nhà trọ, các khu đông dân cư, chung cư... .

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện nay đã có 14 doanh nghiệp đăng ký triển khai bán hàng lưu động bằng ô tô và xe bus. Trong trường hợp cấp bách sẽ kêu gọi doanh nghiệp mở rộng triển khai mô hình này.

Đó là các doanh nghiệp như: Công ty CP Sữa nông trại Ba Vì; Công ty CP Dafusa Việt Nam; Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân; Công ty CP TTTM Lotte Việt Nam; Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Lan Chi; Công ty TNHH Aeon Việt Nam, Công ty TNHH Thực phẩm Lương An; HTX Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì; HTX Nông nghiệp Khánh Phong; Công ty CP Rau an toàn Hà Nội; CLB làng nghề cốm Mễ Trì, HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phát. Riêng Công ty TNHH du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến đăng ký 10 xe bus bán hàng lưu động.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, nguồn cung hàng hóa rất dồi dào. Cụ thể, thành phố chủ động cân đối cung cầu, chỉ đạo các hệ thống phân phối dự trữ hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng. Khi nguồn cung hàng hóa qua các chợ đầu mối về chợ dân sinh có giảm từ 10-15% do phải đóng cửa, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các hệ thống phân phối hiện đại tiếp tục tăng lượng dự trữ cao hơn từ 1,5- 2 lần so với lượng hàng đang dự trữ; chủ động đưa hàng về các kho trong nội thành.

Một số cơ sở chế biến trên địa bàn cũng tiếp tục tăng công suất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối, thậm chí có doanh nghiệp tăng 200%… Do đó, hàng hóa thường xuyên đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong mọi tình huống, giá cả ổn định, trừ một số mặt hàng rau ăn lá, bí xanh, thủy hải sản nước mặn tăng nhẹ từ 5- 7%.

Đến nay, Hà Nội đã có 9 quận tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến phục vụ nhân dân do trên địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. Cùng với đó, để sẵn sàng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân khi dịch diễn biến dịch phức tạp hơn, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp đăng ký nhu cầu bán hàng lưu động bằng xe ô tô.

>>>Đà Nẵng cho phép gần 800 shipper hoạt động trở lại

Tại Tp. Hồ Chí Minh trong ngày đầu người dân thực hiện quy định về giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố - ấp cách ly khu phố - ấp, phường - xã - thị trấn cách ly phường - xã thị trấn cho thấy, nhiều điểm bán lẻ đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh. Hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm quy định "ai ở đâu ở yên đó".

Cụ thể, chuỗi cửa hàng tiện lợi Familymart tại một số địa bàn dân cư ở các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã tạm ngưng kinh doanh. Đây là chuỗi cửa hàng tiện lợi chuyên kinh doanh nhóm ngành hàng thực phẩm ăn liền, thực phẩm chế biến, thức ăn nhanh, nước giải khát, bánh và đa dạng hàng tiêu dùng thiết yếu khác.

Tương tự, hàng loạt điểm bán lẻ khác chuyên kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, có chuỗi cửa hàng phát triển sâu rộng vào nhiều địa bàn dân cư tại Tp. Hồ Chí Minh vẫn duy trì hoạt động bình thường trước 0 giờ, ngày 23/8/2021 thì hiện nay cũng tạm ngừng kinh doanh.

Thậm chí, trước khi người dân thực hiện quy định về giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đó", những điểm bán lẻ này còn tăng cường kinh doanh thêm nhóm ngành hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu...

Đối với kênh bán hàng online, nhiều nhà bán lẻ tại Tp. Hồ Chí Minh cũng lúng túng, khi không thể nhận đơn hàng vì thiếu hụt đội ngũ vận chuyển, giao nhận đến người tiêu dùng. Với quy định "ai ở đâu ở yên đó", doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh... đang chờ văn bản hướng dẫn cụ thể của chính quyền địa phương, cũng như hoàn thành thủ tục cấp phép "giấy đi đường".

Điển hình, hôm nay Gojek Việt Nam vừa ra thông báo tạm ngừng cung cấp dịch vụ đặt hàng thực phẩm GoFood và giao hàng GoSend tại các khu vực tại thành phố Thủ Đức và quận, huyện (Quận 8, Quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh và Hóc Môn). Đối với những khu vực khác, dịch vụ đặt thực phẩm GoFood và giao hàng hoá thiết yếu GoSend được giới hạn hoạt động theo phạm vi trong quận trong khung giờ từ 6h – 17h hàng ngày.

Đại diện Gojek cho biết, việc duy trì cung cấp dịch vụ tại các địa bàn được phép hoạt động sẽ được Gojek cập nhật theo tình hình thực tế và quy định của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Hiện Gojek đang làm việc chặt chẽ với sở, ngành Tp. Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo điều kiện cho đối tác tài xế có thể lưu thông trên đường, duy trì hoạt động hiệu quả, tuân thủ đúng và đầy đủ quy định của cơ quan chức năng, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại Cần Thơ, bắt đầu từ hôm nay, thành phố Cần Thơ cũng yêu cầu tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hóa tiêu dùng, xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh... từ các địa phương tỉnh, thành khác đến thành phố Cần Thơ để giao nhận hàng hóa đều phải đăng ký trước.

Thực hiện công văn của UBND thành phố Cần Thơ, Sở Giao thông Vận tải đã có hướng dẫn chi tiết việc đăng ký. Theo đó, Sở Công Thương thành phố Cần Thơ sẽ tiếp nhận đăng ký đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng...

Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ sẽ tiếp nhận đăng ký đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu... trong và ngoài các khu chế xuất, khu công nghiệp. Các phương tiện vận chuyển khác sẽ đăng ký với UBND các quận, huyện.

Nội dung đăng ký gồm: nơi đi là nơi giao hàng hóa; nơi đến là nơi nhận hàng hóa; dự kiến thời gian đến thành phố Cần Thơ; biển số phương tiện vận tải; tên và số điện thoại của người lái phương tiện và người đi cùng.

Sau khi tiếp nhận thông tin đăng ký, Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, UBND các quận, huyện sẽ tổng hợp, phân loại gửi danh sách về Công an thành phố, Sở Giao thông Vận tải để chỉ đạo lực lượng phối hợp.

"Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ và UBND quận, huyện hướng dẫn thêm các nội dung đăng ký khác để thuận tiện trong quá trình tổng hợp, theo dõi và quản lý. Đồng thời, cử đầu mối tiếp nhận nội dung đăng ký", văn bản của Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ nêu./.

>>Cà Mau chấn chỉnh việc phòng, chống dịch COVID-19 trong các chuỗi cung ứng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục