Lo ngại dư cung, giá dầu rớt mạnh tuần qua

13:57' - 14/09/2019
BNEWS Những lo ngại về khả năng dự trữ dầu tăng lên đã lấn át những diễn biến tích cực liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, khiến giá dầu rớt mạnh tuần qua.
Giá dầu thế giới giảm mạnh trong cả tuần qua. Ảnh: AFP/TTXVN

Cả giá dầu thô của Mỹ và dầu Brent Biển Bắc đều giảm khi chốt phiên 13/9 và giảm mạnh trong cả tuần, khi những lo ngại về khả năng dự trữ dầu tăng lên đã lấn át những diễn biến tích cực liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Theo Dow Jones Market Data, giá dầu West Texas Intermediate giao tháng 10/2019 của Mỹ giảm 24 xu, hay 0,4%, xuống chốt phiên cuối tuần ở mức 54,85 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York và giảm gần 3% trong cả tuần. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2019 giảm 16 xu, hay 0,3%, xuống 60,22 USD/thùng tại Sàn ICE Futures và giảm 2,1% cả tuần.
Theo nhà phân tích về hàng hóa tại Schneider Electric, Robbie Fraser, những lo ngại về tình trạng dư cung gia tăng trong bối cảnh không chắc chắn về chính sách thương mại của Mỹ và Trung Quốc, Anh ra khỏi Liên minh châu Âu và Mỹ trừng phạt lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của Iran. 

Ông nói đến việc Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton bất ngờ từ chức có thể làm tăng khả năng đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Iran, từ đó mở đường cho một lượng dầu nhất định của Iran quay lại thị trường quốc tế.
Trong khi đó, Giám đốc phụ trách năng lượng của Mizuho USA, Robert Yawger, cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran như một hành động thiện chí trước khi tiến hành các cuộc đàm phán hoặc có thể đàm phán về việc kết thúc trừng phạt tại cuộc gặp thượng đỉnh với Iran.
Ủy ban Giám sát Hỗn hợp Cấp bộ trưởng (JMMC) - ủy ban chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng mà Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã đề ra - ngày 12/9 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng.
Trong khi đó, những dấu hiệu hạ nhiệt trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, hai nền kinh tế lớn nhất và tiêu thụ dầu lớn của thế giới, đã trở thành tâm điểm chú ý của các nhà giao dịch dầu mỏ, bởi cuộc chiến này được nhìn nhận là yếu tố đe dọa kinh tế toàn cầu, cũng như làm giảm nhu cầu dầu mỏ.
Ngày 13/9, Trung Quốc đã tiếp tục nhượng bộ Mỹ, cho phép miễn áp thuế bổ sung lên một số nông sản của Mỹ như đậu tương và thịt lợn, trong bối cảnh khả năng đạt được thỏa thuận, ít nhất là thỏa thuận tạm thời, để giải quyết cuộc chiến thương mại giữa hai nước đang gia tăng./.
>> Giá dầu thế giới giảm khoảng 1% trước những hoài nghi về đàm phán thương mại Mỹ-Trung

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục