Lo ngại xu hướng "chạy đua" chứng chỉ IELTS

11:31' - 06/06/2024
BNEWS Thời gian gần đây, xu hướng lấy chứng chỉ IELTS để miễn thi môn Ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông,phục vụ xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngày càng phổ biến.

Đối với học sinh, đây là cơ hội nhưng cũng là áp lực và thách thức không nhỏ.

*"Cuộc đua" mất cân bằng

IELTS là chứng chỉ do Hệ thống Kiểm tra Anh ngữ quốc tế cấp với 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Do tính chất được công nhận rộng rãi trên toàn cầu nên IELTS được nhiều người coi là "chìa khóa" mở ra cánh cửa đại học trong và ngoài nước cũng như những cơ hội việc làm, phát triển bản thân. Bên cạnh đó, học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS từ 4.0 trở lên được miễn thi môn Ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.

Những năm gần đây, một số trường đại học cũng tăng dần chỉ tiêu khi xét tuyển bằng phương thức sử dụng chứng chỉ tiếng Anh kết hợp các yếu tố khác như học bạ hay điểm thi tốt nghiệp. Vì vậy, nhiều học sinh luyện thi IELTS từ lớp 10 hay 11, nhằm tận dụng tốt chính sách tuyển sinh ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ.

Trên thực tế, quy định trên đã mang lại một số lợi ích nhất định, không chỉ khuyến khích học sinh nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuẩn bị tốt hơn cho môi trường học tập và làm việc, mà còn giúp giảm bớt áp lực cho thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra một "cuộc chạy đua" lấy chứng chỉ IELTS, khiến nhiều gia đình và học sinh bị cuốn vào một "vòng xoáy" vô hình về đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc vào các khóa học luyện thi đặc biệt.

Giảng viên Đặng Minh Tuấn, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Mỗi ngày chúng ta có quỹ thời gian chung giống nhau là 24 giờ. Khi học sinh tập trung nâng cao năng lực về tiếng Anh để ôn thi IELTS, TOEFL… sẽ mất đi quỹ thời gian để phát triển các nền tảng khác như nghệ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội…

Một số nhà giáo dục cũng từng cảnh báo, việc học để lấy chứng chỉ không những tạo gánh nặng tài chính cho các gia đình, mà còn có thể dẫn đến tình trạng học "tủ", học lệch, với mục tiêu chính là đạt điểm cao trong kỳ thi thay vì nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ thực tế.

Em Nguyễn Hoàng Đức (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Để thi chứng chỉ IELTS, em phải dành rất nhiều thời gian để học tập, ôn luyện, không thể ngày một ngày hai là thành thạo. Đã có thời gian, do tập trung quá nhiều vào IELTS, em học yếu hẳn các môn văn hóa ở trường.

Một số phụ huynh cũng bày tỏ lo ngại về "cuộc chạy đua" lấy chứng chỉ IELTS khiến việc học tiếng Anh nhanh chóng bị thương mại hóa, dẫn đến những trung tâm dạy và ôn thi IELTS thiếu uy tín mọc lên như “nấm sau mưa”. Không ít phụ huynh, học sinh "tiền mất tật mang" khi chi phí đầu tư cho một khóa luyện thi IELTS không hề nhỏ.                         

Thêm vào đó, sự chênh lệch về cơ hội giữa học sinh ở những vùng, miền khác nhau cũng là vấn đề đáng được quan tâm. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, biên giới, hải đảo..., học sinh thường không có điều kiện tiếp cận với các trung tâm luyện thi IELTS uy tín hoặc những phương pháp học ngoại ngữ tiên tiến. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh.

 
Điểm thi IELTS được quốc tế công nhận ở Việt Nam.
*Nâng cao năng lực ngoại ngữ hiệu quả và thực chất

Bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Giám đốc Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Xét về mặt điểm số, hiện nay có rất nhiều học sinh Việt Nam đạt mức điểm IELTS 6.5 – 7.0, thậm chí là 8.5. Trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, số thí sinh được miễn thi tiếng Anh cũng tăng lên trên 40.000 em.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Mai Hữu, vẫn có nhiều người dù đạt điểm số ngữ pháp cao nhưng không nói được tiếng Anh. Học sinh học tiếng Anh nhưng chưa có nhiều môi trường để giao tiếp, thực hành. Vốn dĩ, tiếng Anh không thể học nhồi nhét mà cần thực hành dần dần để tốt lên, do đó, động lực của bản thân là điều quan trọng.

Giảng viên Đặng Minh Tuấn cho rằng: Trong bối cảnh internet phát triển và sự bùng nổ của mạng xã hội thì việc học ngoại ngữ chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay. Phụ huynh nên định hướng các con dùng ngoại ngữ để học môn học khác, tức là tiếp thu tri thức của thế giới bằng tiếng Anh. Nếu chúng ta cùng ý thức sử dụng ngoại ngữ là phương tiện, là công cụ để tiếp cận tri thức nhanh hơn thì đó là mục tiêu xứng đáng, rất cần được lan tỏa.

Cô Đỗ Thị Ngọc Anh, chuyên gia từ Trung tâm DOL English, nhận định: Hiện, một bộ phận học sinh phải chịu áp lực lớn từ gia đình và nhà trường để đạt điểm IELTS cao trong thời gian ngắn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Không những thế, việc "chạy đua" chứng chỉ còn khiến các em quá tập trung vào thành tích và điểm số mà quên đi việc nâng cao kỹ năng tiếng Anh phục vụ cho cuộc sống hay công việc sau này. Cá biệt, có một số trường hợp học sinh còn trở nên sợ, ghét học ngoại ngữ.

Theo cô Đỗ Thị Ngọc Anh, học sinh cần có phương pháp học IELTS hiệu quả, không chỉ vì điểm số. Trước hết, nên xác định rõ mục tiêu học IELTS, từ đây xây dựng kế hoạch học tập chi tiết với những giai đoạn cụ thể, thực hành đều đặn mỗi ngày thông qua việc luyện nghe, nói, viết và đọc sách báo bằng tiếng Anh. Học sinh có thể tận dụng các công cụ như IELTS online practice test để đánh giá toàn diện kỹ năng đã học. Cuối cùng, hãy học với một người hướng dẫn hoặc giáo viên có kinh nghiệm, tham gia nhóm học tập cùng bạn bè để cùng tiến bộ.

Như vậy, để bảo đảm mục tiêu giáo dục công bằng và hiệu quả, cần có những chính sách hợp lý và phương pháp học tập ngoại ngữ thực chất. Chỉ khi đó, việc học tiếng Anh mới thực sự trở thành một hành trình phát triển toàn diện, không chỉ là cuộc đua về điểm số và thành tích.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục