Lời giải cho cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu

05:30' - 16/06/2022
BNEWS Các ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Turkmenistan có cuộc họp tại thủ đô Ankara về vấn đề năng lượng, đặc biệt là tiềm năng của dự án xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt xuyên Biển Caspi.

 

Tuần qua, các ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Turkmenistan có cuộc họp ba bên tại thủ đô Ankara với chương trình nghị sự chủ chốt là vấn đề năng lượng, đặc biệt là tiềm năng của dự án xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt xuyên Biển Caspi.

Theo báo Arab News, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, thị trường năng lượng toàn cầu đã rơi vào tình trạng hỗn loạn và không nơi nào cảm nhận rõ nét cuộc khủng hoảng năng lượng hơn châu Âu.

Trong những năm qua, châu lục này đã thất bại trong việc đa dạng hóa các nguồn dầu khí, đồng thời đặt quá nhiều niềm tin vào cuộc cách mạng năng lượng tái tạo vốn vẫn rất tốn kém và chưa phát huy hiệu quả. Điều này dẫn đến việc châu Âu chưa thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga, qua đó mang lại cho nước này ưu thế về địa chính trị.

Giờ là thời điểm để châu Âu bắt đầu tìm kiếm các lựa chọn tốt hơn cho kế hoạch nhập khẩu năng lượng của mình, trong đó có khả năng đa dạng nguồn cung từ khu vực Bắc Phi, Đông Địa Trung Hải, và thậm chí cả nguồn khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ những nước xa xôi như Mỹ hay các nền kinh tế vùng Vịnh. 

Một khu vực mà châu Âu cần đặc biệt lưu ý là xung quanh biển Caspi. Đây là lý do tại sao cuộc gặp của các ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Turkmenistan lại trở nên quan trọng. Khu vực Caspi ước tính có khoảng 292.000 tỷ feet khối (1 feet khối = 0,0283 m3) khí tự nhiên, đồng thời sở hữu cơ sở hạ tầng đường ống rộng rãi và đáng tin cậy để có thể kết nối tới với các thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, mảnh ghép quan trọng trong bức tranh năng lượng mà khu vực Caspi vẫn còn thiếu là đường ống dẫn khí đốt xuyên Biển Caspi nối Turkmenistan ở bờ biển phía Đông với Azerbaijan ở phía Tây.

Turkmenistan được cho là sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ tư thế giới. Một đường ống dẫn là phương thức hiệu quả kinh tế duy nhất để vận chuyển khí đốt tự nhiên qua Biển Caspi, bởi lẽ giải pháp thay thế là chuyển thành khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trở nên quá tốn kém cho hoạt động vận chuyển trong một khoảng cách ngắn như vậy. Do đó, nếu không có đường ống xuyên biển đồng nghĩa không có phương sách nào khả thi để vận chuyển khí đốt từ Trung Á sang châu Âu mà không đi qua Nga.

Ý tưởng xây dựng một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên qua Biển Caspi đã được tranh luận trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, có 4 lý do tại sao bây giờ là thời điểm thích hợp để xây dựng một hệ thống đường ống dẫn như vậy.

Thứ nhất, Turkmenistan đang gặp khó khăn tài chính. Turkmenistan đã phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu khí đốt tự nhiên cho một nhóm đối tượng khách hàng, chủ yếu là Nga và Trung Quốc. Đất nước Turkmenistan đang chìm trong khủng hoảng kinh tế. Trong bối cảnh đó, những nhà đầu tư quốc tế đang cảm thấy do dự để đặt cược vào Turkmenistan khi quốc gia này chưa thực hiện nhiều thay đổi để cải thiện môi trường kinh doanh, tư nhân hóa các ngành công nghiệp quốc doanh hoặc chống tham nhũng tràn lan.

Tiềm năng lớn nhất để Turkmenistan xoay chuyển tình hình kinh tế khó khăn chính là các nguồn năng lượng. Cựu Tổng thống Gurbanguly Berdimuhamedov gần đây đã trao lại quyền lực cho con trai của ông. Vẫn chưa biết liệu nhà lãnh đạo mới có áp dụng cách tiếp cận đầu tư nước ngoài cởi mở hơn cha mình hay không, song có một điều chắc chắn rằng Turkmenistan cần các nguồn doanh thu mới và một đường ống dẫn khí đốt xuyên Biển Caspi có thể khơi thông nguồn lợi quốc gia.

Thứ hai, Nga và Iran đang bị phân tâm. Cả Nga và Iran đều là các quốc gia ven Biển Caspi, song hai nước này từng không ủng hộ ý tưởng về một đường ống dẫn khí đốt dưới biển trước đây. Cả hai nước đều hiểu rằng hệ thống này sẽ cắt đứt họ khỏi bất kỳ hợp đồng khí đốt nào với châu Âu. Tuy nhiên, Nga và Iran hiện không có đủ vị thế để ngăn chặn dự án đường ống xuyên Biển Caspi.

Đối mặt với các lệnh trừng phạt, kinh tế Nga hiện cũng đang rất mong manh. Mặc dù sự ủng hộ của người dân đối với cuộc xung đột ở Ukraine cho đến nay vẫn ở mức cao, song có khả năng tình trạng bất ổn trong nước sẽ gia tăng khi các lệnh trừng phạt bắt đầu có hiệu lực và cuộc xung đột tại Ukraine tiếp tục kéo dài.

Iran cũng đang phải đối mặt với những vấn đề kinh tế tương tự ở trong nước. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đang đối phó với các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng trên khắp đất nước. Trong khi đó, một thỏa thuận hạt nhân mới với Mỹ dường như khó có thể xảy ra. Do đó, nhiều khả năng cả Nga và Iran đều có những vấn đề lớn phải lo lắng hơn là đường ống dẫn khí đốt xuyên Biển Caspi.

Thứ ba, hầu hết cơ sở hạ tầng đã có sẵn để cung cấp khí đốt từ Turkmenistan đến châu Âu. Ở phía Tây của Biển Caspi, Hành lang Khí đốt phía Nam bắt đầu hoạt động vào năm 2020. Mạng lưới đường ống này chạy dài 3.340 km đi qua 7 quốc gia, có tiềm năng cung cấp 60 tỷ m3 khối khí đốt tự nhiên hàng năm cho châu Âu.

Trên bờ biển phía Đông của Biển Caspi, Turkmenistan đã xây dựng hệ thống đường ống Đông-Tây, một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên dài 780 km nối tỉnh Mary ở phía Đông với bờ biển Caspi. Hệ thống này có tiềm năng vận chuyển 30 tỷ m3 khí đốt hàng năm.

Cuối cùng, hầu hết các rào cản pháp lý đối với việc xây dựng đường ống đã không còn tồn tại. Công ước về tình trạng pháp lý của Biển Caspi, được cả 5 quốc gia ven biển Caspi ký kết vào năm 2018, cho phép thiết lập các đường ống dẫn với sự đồng ý chỉ từ các nước tham gia dự án. Dù trước đó Iran và Nga phản đối ý tưởng về một đường ống dẫn xuyên biển và lập luận rằng bất kỳ dự án nào như vậy trước hết phải có sự đồng ý của cả 5 quốc gia ven biển. Công ước mới cuối cùng có thể “bật đèn xanh” cho đường ống xuyên Biển Caspi sau khi các bên liên quan, trong trường hợp này là Turkmenistan và Azerbaijan, đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Khu vực Caspi đã trải qua một chặng đường dài kể từ khi đường ống đầu tiên được xây dựng vào năm 1906. Ngày nay, có một mạng lưới đường ống rộng lớn vận chuyển dầu và khí đốt tại đây. Một đường ống dẫn khí đốt xuyên Caspi, cùng với Hành lang khí đốt phía Nam, sẽ làm thay đổi cục diện địa chính trị trong khu vực và xa hơn nữa.

Với việc đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên được lên kế hoạch trước đây để kết nối từ Nga đến Đức, giờ đã “chết yểu” do hệ quả của chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, châu Âu đang tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế, trong khi Nga và Iran bị phân tâm, còn Azerbaijan và Turkmenistan đã sẵn sàng, giờ là lúc để biến dự án đường ống dẫn khí đốt xuyên Biển Caspi này trở thành hiện thực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục