Lợi ích và rủi ro khi đầu tư vào thị trường Trung Quốc (Phần 1)

06:30' - 01/08/2021
BNEWS Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc là một trong những nền kinh tế dẫn đầu quá trình phục hồi. Điều này đã thu hút các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đối với thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo báo Liên hợp buổi sáng, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn căng thẳng, gần đây Chính phủ Trung Quốc lại tiến hành điều tra nền tảng đặt xe trực tuyến Didi Chuxing niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, nên triển vọng đến Mỹ niêm yết của các công ty Trung Quốc trong thời gian tới ngày càng mờ mịt. Trong bối cảnh đó, thị trường Trung Quốc đã đưa ra các Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) lấy cổ phiếu Trung Quốc làm trung tâm, giúp nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn hơn khi đầu tư vào Trung Quốc.

Sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ xếp sau Mỹ, do đó nếu thiếu thị trường Trung Quốc thì dường như danh mục đầu tư toàn cầu còn chưa hoàn thiện. Nên đầu tư vào thị trường Trung Quốc nhiều hay ít là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Theo chuyên gia phân tích chứng khoán của nền tảng đầu tư FSMOne.com (Singapore) Kha Lạc Y, nguyên tắc chung là sử dụng phương pháp tính bình quân gia quyền của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để quyết định danh mục đầu tư, nghĩa là căn cứ vào tỷ lệ đóng góp của mỗi quốc gia đối với GDP toàn cầu để quyết định tỷ trọng đầu tư.

Trên cơ sở Trung Quốc chiếm hơn 17% kinh tế thế giới, nhà đầu tư nên phân phối 20% danh mục đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Số liệu của công ty tư vấn Willis Towers Watson (Anh) cho thấy, hiện nay tỷ lệ đầu tư của các nhà đầu tư toàn cầu vào Trung Quốc chưa đến 5%.

Chuyên viên ETF của công ty chứng khoán Phillip Securities (Singapore) Lâm Tử Thông cho rằng tỷ lệ đầu tư vào thị trường Trung Quốc nhiều hay ít phụ thuộc vào điều kiện cá nhân và kết quả kinh doanh của các công ty.

Do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại và phong cách quản trị rủi ro của mỗi người, những cá nhân có kỳ hạn đầu tư tương đối ngắn có thể muốn phân phối một phần nhỏ vốn vào các cổ phiếu Trung Quốc.

So với những công ty tăng trưởng cao, những công ty Trung Quốc có bảng cân đối kế toán tốt và kết quả kinh doanh tích cực nên được phân bổ nguồn vốn nhiều hơn. Những công ty tăng trưởng mạnh trong thời gian ngắn thường dễ đối mặt với rủi ro và biến động trong kinh doanh hơn.

Liên quan đến việc các cơ quan chức năng Trung Quốc tiến hành điều tra những công ty công nghệ trong thời gian gần đây, Giám đốc điều hành công ty chứng khoán OCBC (Singapore) Hà Thiệu Cần cho rằng, các công ty công nghệ Trung Quốc “vào tầm ngắm” bởi Chính phủ Trung Quốc tăng cường giám sát đối với các nhà cung ứng nền tảng thương mại điện tử và công ty tài chính công nghệ lớn, chẳng hạn như Alibaba và Didi Chuxing.

Bên cạnh việc chống hành vi lũng đoạn, các cơ quan chức năng Trung Quốc còn hướng sự chú ý sang lĩnh vực an ninh dữ liệu và niêm yết ở thị trường nước ngoài. Mục đích của những biện pháp này là để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và giám sát dữ liệu, có tác dụng tích cực đối với sự phát triển của những ngành này. Các cơ quan giám sát cũng không nên “giám sát quá mức” và có thể dẫn đến khả năng hạn chế sự sáng tạo của doanh nghiệp.

Đa dạng hóa lựa chọn đầu tư

Khi ngành công nghệ của Trung Quốc đối diện với bất trắc và những thông tin tiêu cực, nhà đầu tư có thể không sẵn sàng rót vốn. Trên thực tế, nhiều cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc đã giảm giá tương đối lớn, mức định giá hiện nay khá hấp dẫn, bởi xét về dài hạn, các công ty công nghệ Trung Quốc có triển vọng tích cực. 

Việc lựa chọn đầu tư vào thị trường Trung Quốc trên thực tế rất đa dạng, bao gồm cổ phiếu, ETF và Quỹ ủy thác đầu tư. Về cổ phiếu, nhà đầu tư có thể lựa chọn cổ phiếu của các công ty niêm yết ở Trung Quốc Đại lục, Hong Kong (Trung Quốc), Mỹ, cũng như một số thị trường khác. Bên cạnh cổ phiếu của các công ty Trung Quốc, không ít công ty đặt trụ sở ở nước ngoài cũng có nghiệp vụ kinh doanh đáng kể ở Trung Quốc

Theo phân tích của Lâm Tử Thông, ưu điểm ADR (chứng chỉ lưu ký tại Mỹ) của các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch Mỹ là chi phí giao dịch thấp, tính thanh khoản cao, thị trường có chiều sâu, các nhà phân tích báo cáo chi tiết, cũng như sàn giao dịch có các quy định để bảo vệ nhà đầu tư.

Tuy nhiên, nhược điểm là công ty đối diện với rủi ro hủy niêm yết và nhà đầu tư phải trả phí ADR. Phí ADR định kỳ thanh toán cho ngân hàng đại diện cung cấp dịch vụ lưu ký, thông thường 1-3 USD/cổ phiếu, muốn biết chi tiết cần đọc bản cáo bạch của ADR.

Cổ phiếu Trung Quốc niêm yết ở sàn giao dịch Hong Kong được gọi là cổ phiếu H, định giá bằng HKD. Từ trước đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đều có thể thông qua các công ty môi giới chứng khoán để mua bán cổ phiếu H. Ưu điểm là chi phí giao dịch thấp và tính thanh khoản cao, nhưng có quy định mức đầu tư tối thiểu và thị trường còn thiếu chiều sâu. 

Cổ phiếu A do các công ty nội địa Trung Quốc phát hành, niêm yết trên sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến, sử dụng đồng NDT để giao dịch. Cùng với việc khởi động kết nối sàn giao dịch Thượng Hải-Hong Kong, sàn giao dịch Thâm Quyến-Hong Kong, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể đầu tư vào cổ phiếu A đủ điều kiện thông qua các công ty môi giới chứng khoán.  

Nhà phân tích Lâm Tử Thông nhấn mạnh, cổ phiếu A đã cung cấp cơ hội đầu tư mà các sàn giao dịch khác không có, nhưng chi phí giao dịch cao và không phải công ty môi giới chứng khoán nào cũng cung cấp dịch vụ này. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tính thanh khoản và độ sâu của thị trường không rõ ràng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục