Long An phấn đấu đạt 3.000 ha thanh long tiêu chuẩn VietGAP

08:30' - 28/08/2020
BNEWS Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, hiện toàn tỉnh có gần 12.000 ha thanh long, riêng huyện Châu Thành có khoảng 9.100 ha.
Hiện nông dân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh đã và đang áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần làm giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Võ Thanh Phong, Bí thư huyện ủy Châu Thành (Long An), cho biết, huyện phấn đấu đạt 5.000 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao vào năm 2025; trong đó có 3.000 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 300 ha GlobalGAP.

Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Châu Thành từng bước mở rộng diện tích đề án sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao gắn với vận động thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; hướng dẫn tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể và hoạt động thật sự có hiệu quả; tăng cường tập huấn, hướng dẫn áp dụng mô hình tiên tiến vào quy trình sản xuất, hạn chế dịch bệnh, tạo ra sản phẩm chất lượng…. Qua đó, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu, định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất.

Thực hiện kế hoạch nhân rộng mô hình sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao trong năm 2020, các xã, thị trấn trong toàn huyện Châu Thành đã thực hiện được trên 920 ha, với hơn 1.570 hộ tham gia. Nâng diện tích sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao toàn huyện lên hơn 3.000 ha, với 5.037 hộ dân tham gia; trong đó, gần 620 ha thanh long được cấp giấy chứng nhận VietGAP, với 980 hộ.

Bên cạnh đó, Châu Thành có 313 mô hình tưới nước tiên tiến với trên 257 ha. Qua quá trình thực hiện, mô hình bước đầu đem lại hiệu quả, tiết kiệm 20% lượng phân bón, tiết kiệm công lao động, điện, thời gian...

Ngoài ra, Châu Thành xây dựng 15 hợp tác xã với diện tích sản xuất trên 446 ha; thành lập được 135 tổ hợp tác với diện tích trên 2.710 ha (có 13/15 hợp tác xã được cấp mã số mã vạch, 5/15 hợp tác xã được cấp nhãn hiệu hàng hóa).

Đến nay, tỉnh thực hiện đề án sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thanh long bước đầu đã làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; nông dân sản xuất theo VietGAP, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, tưới nước tiết kiệm, trồng thanh long bằng giàn; làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất.... Kết quả kinh tế cho thấy, người dân trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao lợi nhuận tăng bình quân khoảng 3,5-5 triệu đồng/ha”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục