Lũ nội đồng có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long

16:22' - 10/08/2022
BNEWS Dự báo đỉnh lũ năm 2022 tại đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1 và trên báo động 1 vào nửa cuối tháng 10. Tuy nhiên, dự báo triều năm 2022 ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm.

 

Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long  đề phòng ảnh hưởng của lũ nội đồng đến sản xuất nông nghiệp.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện đã vào thời kỳ mùa lũ. Dự báo đỉnh lũ năm 2022 tại đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1 và trên báo động 1, thời gian xuất hiện vào nửa cuối tháng 10.

Theo nhận định của các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đỉnh lũ năm 2022 tại Tân Châu dao động ở mức 3,5 - 3,7 m, tại Châu Đốc (An Giang) dao động ở mức 3 - 3,2 m. Tuy nhiên, dự báo triều năm 2022 ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và các năm triều cao kỷ lục 2011, 2018, 2019, 2020, cụ thể: đỉnh triều cao nhất tại Trần Đề năm 2022 vào tháng 9 là 2,06m; tháng 10 là 2,49 m; tháng 11 là 2,64 m.

Lũ nội đồng ở vùng thượng nguồn ở mức không cao, cơ bản thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tác động kết hợp giữa lũ và triều cường có nguy cơ gây ngập lụt, úng cho các khu vực ven sông, cù lao...

Để đề phòng thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo dòng chảy, thủy triều do các cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn và cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cập nhật và gửi định kỳ cho các địa phương.

Các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, bờ bao, xác định cụ thể các vị trí xung yếu, có nguy cơ xảy sự cố trong mùa lũ; khoanh vùng cây trồng trọng điểm cần tăng cường bảo vệ (cây ăn trái, cây có giá trị kinh tế cao,…). Đồng thời, khẩn trương có phương án phòng, chống ngập lụt, úng; tổ chức gia cố, tôn cao các đoạn đê bao, bờ bao thấp yếu, đặc biệt các khu vực chịu ảnh hưởng của lũ kết hợp triều cường.

Các địa phương tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình hình nguồn nước, lũ nội đồng; các vùng sản xuất không có đê bao, bờ bao bảo vệ hoặc đê bao, bờ bao không đảm bảo an toàn phải thu hoạch trước thời gian ảnh hưởng của lũ.

Cùng với đó là tăng cường truyền thông, phổ biến thông tin về tình hình lũ nội đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, tổ chức liên quan chủ động đề phòng ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục