Lựa chọn của châu Phi khi không "quay lưng" với Huawei
Theo bài viết, việc sử dụng công nghệ 5G của Huawei đã trở thành quả bóng trên sân chơi địa chính trị quốc tế với Tổng thống Trump là trọng tài tự phong. Châu Phi đã sớm tiếp nhận công nghệ 5G của Huawei, nhưng điều này cũng kéo theo những rủi ro chính trị, kinh tế và an ninh.
Điều rõ ràng là 5G đang dần trở thành hiện thực. Với tốc độ nhanh gấp khoảng 100 lần so với tốc độ di động hiện tại, 5G sẽ cung cấp dịch vụ Internet nhanh hơn và cho nhiều người hơn.
Chẳng hạn, trong phạm vi 1 km2, công nghệ 4G có thể hỗ trợ khoảng 4.000 thiết bị, trong khi với cùng khoảng không gian như vậy, công nghệ 5G có thể cung cấp dịch vụ Internet cho khoảng 1 triệu thiết bị.
Điều này không chỉ có nghĩa là nhiều thiết bị có thể tiếp cận mạng Internet hơn, bước nhảy vọt từ 4G lên 5G là một bước tiến theo cấp số nhân và sẽ mở khóa toàn bộ thế hệ công nghệ mới.
Công nghệ 5G có thể mang lại một tương lai đầy hứa hẹn đối với Internet kết nối vạn vật (IoT), như xe ô tô không người lái và thành phố thông minh. Công nghệ tiên tiến này cũng có khả năng mở khóa các ứng dụng quân sự.
Vì vậy, 5G đang dần hiện hữu, nhưng câu hỏi về cách thức và địa điểm sẽ áp dụng công nghệ này đang phát sinh nhiều vấn đề chính trị - những vấn đề liên quan trực tiếp đến tương lai của châu Phi trong quan hệ với Trung Quốc, cụ thể hơn là với tập đoàn công nghệ Huawei.
Thành lập vào năm 1987 với tư cách là đại lý bán hàng tại Thâm Quyến cho các doanh nghiệp chuyển mạch và cáp quang có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), Huawei đã trở thành nhà cung cấp thiết bị dữ liệu mạng hàng đầu thế giới. Tất nhiên, sự phát triển nhanh chóng của Huawei có sự hỗ trợ từ Bắc Kinh, dù bản chất cụ thể của sự hỗ trợ đó vẫn còn gây tranh cãi.
Huawei hiện là một trong những tập đoàn quan trọng nhất ở Trung Quốc, đóng vai trò trung tâm của mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình của Chính phủ Trung Quốc bằng cách trở thành nhà lãnh đạo công nghệ toàn cầu. Huawei hiện đang hợp tác với hầu hết các nhà cung cấp dữ liệu di động lớn nhất thế giới.
Theo hầu hết các tính toán, Huawei đang vượt xa các đối thủ trong việc triển khai mạng 5G và là đối tác của nhiều nhà cung cấp dữ liệu mạng trong triển khai 5G tại các thị trường trên thế giới.
Không giống như ZTE – doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc cũng cung cấp thiết bị triển khai mạng 5G, Huawei là một tập đoàn tư nhân, nhưng Huawei vẫn có quan hệ rất gần với Chính phủ Trung Quốc.
Đây là điều khiến Washington lo lắng. Mấu chốt của vấn đề là các cáo buộc của Mỹ rằng Huawei đang (hoặc có thể) thu thập dữ liệu từ các mạng của Mỹ và chuyển dữ liệu thu được sang Trung Quốc.
Chính quyền của Tổng thống Trump đã cáo buộc các mạng của Huawei được sử dụng để ăn cắp bí mật của chính phủ và doanh nghiệp Mỹ. Mỹ đang gây áp lực lên các quốc gia trên thế giới ngừng hợp tác với Huawei. Tập đoàn này đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc của Mỹ và khẳng định Huawei độc lập với Chính phủ Trung Quốc.
Điều đó đặt nhiều nước vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” và cũng hé lộ về sự chuyển dịch của sức mạnh chính trị và kinh tế trong thế kỷ 21.
Chẳng hạn, mới đây Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ cho phép sự hợp tác hạn chế giữa các công ty viễn thông của Anh với Huawei, trong đó tập đoàn Trung Quốc này sẽ chỉ được phép cung cấp các thiết bị “không đóng vai trò cốt lõi” và tỷ lệ thiết bị của Huawei trong tổng thể thiết bị thiết lập một mạng di động sẽ giới hạn ở mức 35%. Sự thỏa hiệp của Anh đã khiến nhiều bên quan ngại.
Bốn nhà khai thác viễn thông lớn của Anh phàn nàn về chi phí thay thế một lượng lớn thiết bị Huawei và quyết định của chính phủ nước này sẽ đặt khiến họ ở vị trí bất lợi trong cuộc đua cung cấp mạng 5G.
Trong khi đó, quyết định của Thủ tướng Johnson cũng đụng chạm đến Chính phủ Mỹ bởi đối tác này của Anh đã vận động hành lang rất nhiều nhằm có được lệnh cấm hoàn toàn đối với Huawei ở Anh.
Nhóm có thái độ “diều hâu” với Trung Quốc ở Mỹ đã đe dọa rằng quyết định này của Anh có thể gây nguy hại cho việc chia sẻ thông tin tình báo giữa Mỹ và Anh. Anh là thành viên của nhóm Ngũ Nhãn (Five Eyes) hợp tác chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ, Canada, Australia và New Zealand.
Trong khi Australia và New Zealand đã cùng Mỹ từ chối hợp tác với Huawei, Anh và Canada lại không tỏ thái độ từ chối dứt khoát. Vương quốc Anh đang chịu áp lực nhiều hơn, bởi tương lai hậu Brexit của nước này phụ thuộc vào việc đàm phán các thỏa thuận thương mại ưu đãi với Mỹ và chắc chắn vấn đề Huawei sẽ hiện diện trên bàn đàm phán.
Trong khi đó, châu Âu không chỉ phải đối mặt với áp lực từ Mỹ. Khi vấn đề Huawei xuất hiện ở Đức, Trung Quốc đã nhanh chóng thể hiện rõ rằng cường quốc châu Á này sẵn sàng đáp trả nếu Huawei bị tổn hại.
Lời đe dọa của Trung Quốc nhằm vào lĩnh vực xe hơi quan trọng của Đức với Trung Quốc là thị trường quan trọng. Áp lực của Trung Quốc ngay lập tức làm nảy sinh xung đột trong nội bộ nước Đức giữa ngành sản xuất ô tô và cộng đồng tình báo nước này.
EU ủng hộ hướng thỏa hiệp đối với những thiết bị không mang tính cốt lõi tương tự như quyết định của Anh. và trong tuần này, phe bảo thủ thuộc Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo cũng đã chọn cách hợp tác hạn chế với Huawei trên một số lĩnh vực không cốt lõi và đã hủy bỏ lệnh cấm hoàn toàn.
Điều này khó có thể làm hài lòng Washington, bởi Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đưa ra quan điểm rõ ràng đối với Huawei vào cuối năm 2019. Đối với Đức, vấn đề còn phức tạp hơn, bởi trong thực tế, lâu nay các công ty xe hơi của nước này thường xuyên hợp tác với Huawei và hầu hết các xe hơi cao cấp của Đức đều có thiết bị Huawei.
Có lẽ BMW, VW, Daimler và nhiều hãng xe hơi khác của Đức chưa quên việc Tổng thống Trump từng đe dọa áp thuế 25% đối với ô tô Đức.
Trong khi Washington đóng khung cuộc chiến với Huawei hoàn toàn về mặt an ninh mạng, vấn đề này thực sự ảnh hưởng nhiều hơn thế. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ thiết lập các thông số kỹ thuật làm nền tảng cho công nghệ mà sẽ đóng vai trò kiểm soát thế kỷ 21.
Chính quyền Tổng thống Trump đang gây áp lực lên các công ty công nghệ Mỹ để thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật cho 5G và thậm chí đề nghị mua cổ phần kiểm soát ở Nokia và Eriksson – những công ty còn sót lại không phải của Trung Quốc có khả năng cung cấp 5G.
Vấn đề là Huawei đã đi xa hơn, thông qua việc hợp tác với các quốc gia trong triển khai 5G, nghĩa là các công ty khác buộc phải bắt kịp. Rõ ràng đó không phải là một lựa chọn hấp dẫn đối với người tiêu dùng toàn cầu.
Trong quá trình này, nhiều đối tác truyền thống của Mỹ ở các nước phát triển có thể bị ép buộc thực hiện các thỏa thuận mang tính thỏa hiệp bằng việc sử dụng các thiết bị không mang tính cốt lõi giống như quyết định của Anh.
Nhiều khả năng châu Phi sẽ trở thành châu lục đầu đầu tiên áp dụng mạng 5G. Cho đến nay, Chính phủ các nước châu Phi đã không khuất phục trước áp lực của Mỹ để từ chối sản phẩm của Huawei, bởi công ty của Trung Quốc này đã xây dựng phần lớn mạng dữ liệu trên lục địa với nguồn tài trợ của Chính phủ Trung Quốc.
Trong khi các cuộc tranh cãi liên quan đến Huawei vẫn đang diễn ra ở các thị trường giàu có, một số nước châu Phi đã lặng lẽ thử nghiệm các công nghệ của “người khổng lồ” này. Năm 2019, công ty Rain, Nam Phi đã ra mắt dịch vụ dữ liệu 5G và nhà cung cấp dịch vụ mạng Vodacom, Nam Phi sẽ ra mắt mạng 5G trong năm nay. Cả hai công ty này đều sử dụng thiết bị của Huawei.
Sự lựa chọn của châu Phi là một canh bạc có tính toán. Hợp tác với Huawei để phát triển mạng 5G sẽ mang lại các lợi ích lớn hơn so với các rủi ro bảo mật tiềm tàng. Tuy nhiên, giới quan sát sẽ phải chờ đợi để xem canh bạc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ của châu Phi với Chính quyền của Tổng thống Trump./.
- Từ khóa :
- huawei
- công nghệ 5g
- châu phi
- công nghệ trung quốc
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Phải chăng Mỹ vẫn cần Huawei trong phát triển mạng 5G?
05:30' - 29/02/2020
Bộ Thương mại Mỹ đã một lần nữa gia hạn giấy phép 45 ngày cho việc nhập khẩu phụ kiện và phần mềm của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei.
-
Doanh nghiệp
Huawei có kế hoạch xây dựng nhà máy tại Pháp
13:27' - 28/02/2020
Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) ngày 27/2 công bố kế hoạch đầu tư 200 triệu euro xây dựng tại Pháp nhà máy sản xuất sản phẩm thông tin liên lạc chuyên về thiết bị 4G và 5G và nhắm vào thị trường châu Âu.
-
Chuyển động DN
Huawei khẳng định nguồn cung thiết bị 5G không bị ảnh hưởng do dịch COVID-19
12:39' - 21/02/2020
Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc ngày 20/2 cho biết, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thiết bị viễn thông mạng 5G của tập đoàn này.
-
Kinh tế Thế giới
Tòa án Mỹ bác đơn kiện của Huawei
07:05' - 19/02/2020
Thẩm phán Amos Mazzant đã ra phán quyết kết luận rằng Quốc hội Mỹ đã hành động trong khuôn khổ quyền lực của mình
-
Kinh tế Thế giới
Canada cân nhắc “số phận” Huawei trong kế hoạch phát triển mạng 5G
05:30' - 19/02/2020
Trong nhiều năm qua, tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc đã lặng lẽ mở rộng thị phần trong ngành viễn thông thế giới và “bám rễ” tại thị trường Canada.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Hỗ trợ các doanh nghiệp Argentina mở rộng hợp tác thương mại với Việt Nam
09:26'
Đại sứ Ngô Minh Nguyệt khẳng định sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Argentina mở rộng hợp tác thương mại với Việt Nam, đặc biệt trong xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của địa phương này
-
Kinh tế Thế giới
10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua
09:25'
Giá vàng thế giới tăng mạnh nhất gần hai năm qua, đồng bitcoin tăng giá khoảng 130%, đồng USD áp sát mức cao nhất trong 13 tháng... là trong những sự kiện kinh tế thế giới nổi bật trong tuần qua.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc: Phát hiện mỏ vàng trữ lượng siêu lớn ở tỉnh Hồ Nam
20:39' - 23/11/2024
Mỏ mới ở độ sâu 2.000m bên dưới mỏ vàng Wangu ở huyện Bình Giang.
-
Kinh tế Thế giới
Các nhà điều hành kinh tế trong chính phủ của Tổng thống đắc cử Donald Trump
15:46' - 23/11/2024
Ngày 22/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử nhà đầu tư Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ mới.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống đắc cử Mỹ công bố loạt đề cử nhân sự mới
10:55' - 23/11/2024
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 22/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã công bố một loạt đề cử nhân sự trong chính phủ mới.
-
Kinh tế Thế giới
Hàn Quốc thiết lập cơ chế liên ngành kinh tế đối ngoại để ứng phó thay đổi chính sách từ Mỹ
08:46' - 23/11/2024
Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực nhằm ổn định nền kinh tế và đảm bảo sinh kế cho người dân.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc gia tăng biện pháp trả đũa EU
19:36' - 22/11/2024
Ngày 22/11, Trung Quốc mở rộng cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu từ EU, bao gồm các chương trình trợ cấp của EU và của các quốc gia như Đan Mạch, Pháp, Italy và Hà Lan.
-
Kinh tế Thế giới
Chính phủ Thái Lan phê duyệt kế hoạch kích thích kinh tế
18:26' - 22/11/2024
Ủy ban chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ Thái Lan do Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra làm Chủ tịch đã phê duyệt kế hoạch 5 điểm nhằm thúc đẩy nền kinh tế đất nước trong cả ngắn và dài hạn.
-
Kinh tế Thế giới
Sạc xe điện - cú hích tỷ USD cho kinh tế châu Âu
17:24' - 22/11/2024
Mặc dù doanh số xe điện (EV) đang chậm lại ở châu Âu, ngành công nghiệp sạc xe điện vẫn kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ tỷ lệ xe điện ở châu Âu tăng đều đặn.