Phải chăng Mỹ vẫn cần Huawei trong phát triển mạng 5G?

05:30' - 29/02/2020
BNEWS Bộ Thương mại Mỹ đã một lần nữa gia hạn giấy phép 45 ngày cho việc nhập khẩu phụ kiện và phần mềm của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei.
Logo của Huawei tại Triển lãm đồ điện tử quốc tế ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù thực tế là Huawei đã bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen hồi tháng 5/2019, giấy phép tạm thời vẫn đang được gia hạn. 

Mỹ cần Huawei?

Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen và kêu gọi các đồng minh của mình làm điều tương tự, nhưng trên thực tế ngay cả chính nước này cũng không thể từ chối thiết bị của Trung Quốc. 

Việc đưa Huawei và một số công ty liên quan với tập đoàn khổng lồ viễn thông vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ có nghĩa là các đối tác Mỹ không thể cung cấp bất kỳ thành phần và phần mềm nào có liên quan đến Huawei mà không có sự cho phép đặc biệt của Bộ. 

Để đảm bảo việc từ bỏ thiết bị Trung Quốc diễn ra suôn sẻ và các công ty Mỹ không bị sốc bởi chi phí đột ngột liên quan đến việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng, Bộ Thương mại đã cho phép cấp giấy phép tạm thời vào tháng Năm trong 45 ngày, sau đó được gia hạn không chỉ một lần và không loại trừ điều này đang xảy ra dưới áp lực của giới vận động hành lang công nghiệp. Huawei là khách hàng lớn nhất của các công ty Mỹ. Năm 2018, họ đã mua sản phẩm trị giá 11 tỷ USD từ các nhà cung cấp ở Mỹ.

Nhiều công ty Mỹ dễ dàng "né tránh" lệnh cấm của Bộ Thương mại. Theo luật pháp Mỹ, chỉ những sản phẩm có 25% linh kiện được sản xuất tại Mỹ bị cấm. Bây giờ Bộ Thương mại và Chính quyền Tổng thống Trump đang thảo luận về khả năng hạ thấp ngưỡng này xuống 10%. Hậu quả là một số công ty Mỹ tỏ thái độ chống chính sách này. 

Trong khi đó, ngay cả Lầu Năm Góc đã phản đối các biện pháp này trong một thời gian dài. Họ tin rằng lệnh cấm nghiêm ngặt như vậy sẽ dẫn đến việc Trung Quốc chỉ đơn giản mua linh kiện từ các nhà cung cấp của các nước khác, còn các nhà sản xuất Mỹ sẽ mất thị trường bán hàng quan trọng nhất của họ. 

Trên thực tế, một mặt, Bộ Thương mại Mỹ kêu gọi siết chặt hạn chế hơn đối với việc cung cấp sản phẩm cho Huawei, còn mặt khác, thường xuyên gia hạn giấy phép tạm thời. Chính quyền Mỹ đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn. Shi Yinhong, Giáo sư tại Viện quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói với đài Sputnik rằng không nên lạm dụng các biện pháp hạn chế, để không gây ra quá nhiều thiệt hại kinh tế cho các công ty của mình. 

Ông nói: "Giờ đây, một số công ty công nghệ, bao gồm cả Apple, đang tiến hành đối thoại với chính quyền Mỹ. Họ nói nếu hạn chế quá nghiêm trọng, đặc biệt là đối với việc mua thiết bị 5G từ Huawei, cũng như nguồn cung cấp các sản phẩm cho Huawei, họ sẽ chịu thiệt hại lớn và mất một phần doanh thu đáng kể. Đây là một lý do rất quan trọng khiến Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục gia hạn giấy phép và không ban hành lệnh cấm rộng rãi".

Hiện nay, thiết bị Huawei đang có mặt trong các mạng viễn thông Mỹ và đặc biệt phụ thuộc vào công ty Trung Quốc là các nhà khai thác viễn thông nhỏ cung cấp dịch vụ ở các khu vực dân cư thưa thớt ở nông thôn. 

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà khai thác di động nông thôn ở Mỹ Rural Wireless Association, nếu từ bỏ hoàn toàn thiết bị Huawei, các nhà khai thác nông thôn sẽ phải chi cho tái cấu trúc cơ sở hạ tầng từ 800 triệu USD đến 1 tỷ USD và sẽ mất khoảng thời gian gần hai năm.

Sự thờ ơ của châu Âu trước lời kêu gọi "tẩy chay" Huawei

Tình huống tương cũng tự diễn ra trong lĩnh vực viễn thông ở các quốc gia khác, kể cả trong số các đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Ví dụ, ở Anh, Huawei đã có hơn 40% cổ phần trong các mạng hiện có thế hệ trước. Việc không sử dụng thiết bị của Trung Quốc sẽ khiến họ tốn kém quá nhiều. Do đó, nhiều quốc gia không tuân theo sự dẫn dắt của Mỹ. 

Chuyên gia Shi Yinhong nói: "Mỹ quyết định cấm thiết bị Huawei để xây dựng mạng 5G. Họ cũng không thể cho phép đồng minh của mình cấp phép sử dụng thiết bị này. Một số quốc gia, bao gồm Vương quốc Anh, Đức và Pháp, xuất phát từ những cân nhắc thực tế về lợi ích kinh tế đã không tuân theo sự lãnh đạo của Mỹ bằng cách áp đặt lệnh cấm hoàn toàn. Mỹ đã nới lỏng các yêu cầu của mình. Họ muốn thiết bị Huawei không được sử dụng ít nhất là cốt lõi của mạng".

Vương quốc Anh, cũng như Liên minh châu Âu nói chung, đã không cấm thiết bị của Huawei, bất chấp lời kêu gọi từ Mỹ. London quyết định thiết bị của Trung Quốc có thể được sử dụng trong việc xây dựng mạng truy cập vô tuyến 5G, nhưng tỷ lệ của một nhà sản xuất không thể vượt quá 35%. 

Trong khi đó, EU nói chung cũng chỉ giới hạn trong "từ ngữ mơ hồ": Các công ty từ các quốc gia có chế độ phi dân chủ sẽ không được phép cung cấp các thành phần dễ bị tổn thương nhất của lõi mạng. Tuy nhiên, không nêu danh cụ thể các quốc gia hoặc công ty.

Washington đến nay đã thất bại trong việc tập hợp xung quanh mình một liên minh đối lập với Trung Quốc. Trong Hội nghị an ninh Munich gần đây, các quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm cả Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã cố gắng truyền cảm hứng cho khán giả bằng những tuyên bố táo bạo, như "mô hình phương Tây đã thắng", cũng kêu gọi nỗ lực thống nhất lực lượng chống lại thách thức của Trung Quốc. 

Để các đối tác Pháp và Đức không nghi ngờ về sự hỗ trợ của Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo đã hứa hỗ trợ Liên minh châu Âu 1 tỷ USD trong các dự án tài trợ làm giảm sự phụ thuộc năng lượng của các nước châu Âu vào Nga. Một mục tiêu khác là Trung Quốc. 

Các thành viên phái đoàn Mỹ kêu gọi các đồng minh châu Âu (chủ yếu là người Anh) không hợp tác với Huawei và không sử dụng các công nghệ 5G Trung Quốc, vì chúng được coi là mối đe dọa đối với hệ thống thông tin liên lạc trong NATO và các tổ chức phương Tây khác. 

Tuy nhiên, người Mỹ đã không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ đồng nghiệp châu Âu của họ. Chủ tịch Hội nghị Munich, nhà ngoại giao Wolfgang Ischinger, nói rằng Trung Quốc xứng đáng được hỗ trợ, được cảm thông và cổ vũ. 

Còn Tổng thống Đức Steinmeier đã nói rằng Mỹ dưới chính quyền hiện tại, đang bác bỏ chính bản chất của cộng đồng quốc tế. Nhìn chung, "tâm trạng của Munich" có thể được mô tả như: Cho đến lúc các hành động của Mỹ không còn tách rời khỏi lời nói của họ, thì bất kỳ lời kêu gọi hành động chung nào từ phía Washington sẽ được tiếp nhận với sự kiềm chế cực độ ở châu Âu.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Nhân dân toàn Trung Quốc (Quốc hội), bà Fu Ying, đã gửi lời đến phái đoàn Mỹ một câu hỏi ẩn ý: "Theo cách thức nào mà công nghệ 5G của Huawei phát triển ở các nước phương Tây lại có ảnh hưởng đến hệ thống chính trị của họ? Bạn có thực sự nghĩ rằng một hệ thống dân chủ mong manh đến mức chỉ một công ty công nghệ cao như Huawei lại có thể gây ra mối đe dọa hay không"?./

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục