Lựa chọn nào cho Trung Quốc để thay thế nguồn cung quặng sắt từ Australia?

05:30' - 15/05/2021
BNEWS Theo nhận định của một nhà xuất khẩu quặng sắt lớn nhất Australia, Trung Quốc có rất ít lựa chọn thay thế các nhà cung cấp nguyên liệu quặng sắt của Australia.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung Quốc - Australia ngày càng leo thang, nhiều ý kiến lo ngại Bắc Kinh sẽ sớm tìm cách hạn chế nhập khẩu quặng sắt - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Australia, tương tự như cách mà nước này đã thực hiện đối với một số loại hàng hóa nhập khẩu khác như thịt bò, bông, lúa mạch, rượu vang…

Tuy nhiên, trong bài viết đăng tải trên tờ Australian Financial Review, phóng viên Peter Ker dẫn nhận định của một nhà xuất khẩu quặng sắt lớn nhất Australia cho rằng Trung Quốc có rất ít lựa chọn thay thế các nhà cung cấp nguyên liệu quặng sắt của Australia.

Căng thẳng ngoại giao giữa Canberra và Bắc Kinh đang gây ra tình trạng hoảng loạn trên thị trường Trung Quốc, qua đó đẩy giá quặng sắt lên mức cao kỷ lục mới.

Theo tác giả, một trong những yếu tố thúc đẩy giá quặng sắt vượt lên ngưỡng cao nhất từ trước đến nay là do tác động liên đới của giá đồng. Mặt hàng này gần đây ghi nhận mức tăng giá đột biến, thiết lập kỷ lục mới.

Trong khi đó, giá nhôm và nickel cũng bắt đầu nhích lên đáng kể, giữa bối cảnh thế giới bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch và các gói hỗ trợ tài chính tại các quốc gia lớn đang tạo ra sự kích thích phát triển cơ sở hạ tầng.

Là quốc gia xuất khẩu quặng sắt hàng đầu thế giới, việc giá của mặt hàng này tăng cao đã mang lại những tín hiệu kinh tế lạc quan cho Chính phủ Australia, giúp Canberra đặt ra một số tham vọng cho kế hoạch ngân sách năm 2021-2022.

Công ty nghiên cứu thị trường Fastmarkets đánh giá, căng thẳng ngày càng leo thang giữa Canberra và Bắc Kinh đã tạo ra nỗi lo về việc quặng sắt Australia sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt của Trung Quốc. Điều này thúc đẩy giá quặng sắt tăng vọt.

Các nhà phân tích khác cho biết giá quặng sắt đạt kỷ lục trong ngày 6/5 có liên quan tới việc người mua Trung Quốc vừa quay lại thị trường sau một kỳ nghỉ lễ kéo dài bốn ngày trước đó.

Chuyên gia Julien Hall của Công ty S&P Global Platts nói: “Nhu cầu đối với mặt hàng thép đã vượt kỳ vọng, khi người dân Trung Quốc trở lại guồng quay công việc sau kỳ nghỉ lễ Lao động từ hôm đầu tuần, giúp giá quặng sắt thiết lập mức đỉnh mới”.

Ông Hall lý giải lợi nhuận biên của thép hiện rất cao, đến mức các nhà máy Trung Quốc đều “muốn sản xuất nhiều nhất có thể, bất kể giá quặng sắt là bao nhiêu”.

Trung Quốc tiêu thụ tới 55% sản lượng thép toàn cầu. Do đó, quốc gia này cũng mua vào khoảng 68% sản lượng quặng sắt thế giới. Trong khi, Australia là nhà cung cấp khoảng 60% tổng lượng quặng sắt toàn cầu.

Chủ tịch của công ty Rio Tinto - nhà xuất khẩu quặng sắt lớn nhất Australia -  Simon Thompson, cho biết vị trí thống trị hiện tại của Australia trong ngành công nghiệp quặng sắt toàn cầu đã khiến Trung Quốc không có nhiều lựa chọn.  

Mặc dù vậy, tình hình có thể sẽ thay đổi. Ông Thompson nói: “Hiện tại, có tương đối ít lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. Nhưng trong trung hạn và dài hạn, điều này có thể thay đổi, quan trọng là chúng tôi cần phải đảm bảo rằng chúng tôi là một nhà cung cấp đáng tin cậy và là một lựa chọn tốt cho khách hàng tại Trung Quốc”.

Chủ tịch Rio Tinto tiết lộ công ty đang cố gắng “bảo vệ” mối quan hệ với Trung Quốc bằng cách tránh xa các vấn đề chính trị và giữ sự gần gũi với khách hàng và các nhà cung cấp của công ty. Ông Thompson giải thích: “Chúng ta (Australia) có mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc, nhưng đó là khách hàng lớn nhất của chúng tôi và cổ đông lớn nhất của chúng tôi cũng là người Trung Quốc. Đó là một nhà cung cấp, đồng thời là đối tác công nghệ ngày càng quan trọng”.

Ông Thompson nhấn mạnh: “Có thể có những khác biệt chính trị xảy ra giữa Trung Quốc và Australia hay Trung Quốc và Anh, nhưng chắc chắn trong các cuộc thảo luận của chúng tôi với các cổ đông, các nhà cung cấp và các khách hàng, chúng tôi chỉ tập trung vào việc cố gắng đáp ứng nhu cầu của họ và cố gắng thể hiện tốt hơn các đối thủ cạnh tranh. Tôi nghĩ rằng đó là cách mà chúng tôi nên tiếp tục cố gắng và bảo vệ mối quan hệ của mình với Trung Quốc và tôi phải nói rằng cho đến nay, chúng tôi chưa phải chịu đáng kể những căng thẳng tồn tại giữa Mỹ và Trung Quốc hay những căng thẳng tồn tại giữa Australia và Trung Quốc.”

Hoạt động kinh doanh hợp chất borate của Rio Tinto tại California (Mỹ) đã bị ảnh hưởng bởi lệnh áp thuế năm 2019 của Trung Quốc, nhưng ông Thompson khẳng định đó là một phần của hành động chống lại các công ty Mỹ nói chung, mà không phải đặc biệt nhằm vào Rio Tinto. Giám đốc điều hành của Rio Tinto, Jakob Stausholm, cho biết ông tin tưởng nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc vẫn rất mạnh mẽ trong suốt năm 2021. 

Mặc dù từ chối đưa ra dự đoán về quỹ đạo giá của mặt hàng này trong tương lai, ông Stausholm nhận xét rằng các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc đang tập trung vào cơ sở hạ tầng và phát triển bất động sản…; điều đó đã dẫn đến nhu cầu rất cao và nguồn cung đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu.

Bộ phận khai thác quặng sắt hàng đầu của Rio Tinto đang tạo ra lợi nhuận biên đáng kinh ngạc với mức giá trên 200 USD/tấn, trong khi chi phí sản xuất mặt hàng này tại nhà máy ở bang Tây Australia là gần 17 USD/tấn. Nhà phân tích Erik Hedborg của CRU nói: “Khoảng 2/3 nguồn cung quặng sắt chỉ cần đạt mức giá lý tưởng 50 USD/tấn”.

Hoạt động trong ngành xây dựng của Trung Quốc có xu hướng đạt đỉnh vào tháng Năm và Sáu. Xu hướng này kết hợp với các dấu hiệu cho thấy nguồn cung tín dụng tại quốc gia lớn nhất châu Á đang dần chậm lại, khiến hầu hết các nhà phân tích dự đoán giá quặng sắt sẽ “quay đầu" giảm trong nửa cuối năm 2021. 

Một số nhà phân tích cho rằng quặng sắt sẽ giảm xuống mức giá dự đoán được đề cập trong bản cập nhật ngân sách tháng 12/2021 của Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg. Cụ thể, giá quặng sắt sẽ trở lại ngưỡng 55 USD/tấn (không bao gồm chi phí vận chuyển) vào cuối tháng 9/2021. Do chi phí vận chuyển thường được tính luôn vào giá của quặng sắt, điều đó có nghĩa Canberra dự đoán giá quặng sắt sẽ ở mức xấp xỉ 68 USD/tấn vào cuối năm nay.

Trong khi những căng thẳng chính trị giữa Australia và Trung Quốc có thể đã giúp đẩy giá quặng sắt tăng cao trong tuần qua, thì quyết định trì hoãn phát triển khu vực khai thác quặng sắt lớn và chất lượng ở tỉnh Simandou của quốc gia châu Phi Guinea, sẽ góp phần giúp Australia tiếp tục duy trì mức giá quặng sắt cao trong thời gian tới. 

Hơn một thập kỷ vừa qua, Chính phủ Guinea vẫn luôn khẳng định rằng quặng sắt từ tỉnh Simandou phải được vận chuyển qua một tuyến đường sắt kéo dài gần 650 km, đến một cảng nước sâu mới trên bờ biển Đại Tây Dương của quốc gia này. Chính sách đó hiện vẫn tồn tại, mặc dù có các tuyến đường ngắn hơn và rẻ hơn để đưa quặng sắt đến các thị trường tiêu thụ, thông qua những nước châu Phi láng giềng.

Guinea đã xem cơ sở hạ tầng đường sắt và hải cảng là một cầu nối để quặng sắt của Simandou trở thành nguồn hỗ trợ cho các ngành công nghiệp non trẻ khác ở quốc gia đang phát triển. Nhưng chính kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt và hải cảng lại trở thành trở ngại cho dự án khai thác quặng sắt ở Simandou. 

Vì sẽ mất nhiều năm để xây dựng chúng, cũng như cần phải tiêu tốn hàng tỷ đô la thiết lập tuyến đường xuyên qua các địa phương khác nhau của Guinea, quốc gia hiện đang bị dịch Ebola bủa vây trong gần 12 tháng qua. Giá quặng sắt cao trong năm vừa qua đã giúp các công ty khai thác nhỏ ở bang Tây Australia có khả năng chi trả phí vận chuyển quặng sắt cho quãng đường bộ kéo dài gần 700 km đến các cảng nhỏ như Geraldton.

Khi được hỏi liệu Rio Tinto có đang nghiên cứu phương án chấp nhận thu mua giá cao nguồn quặng sắt khai thác tại tỉnh Simandou và được chuyên chở bằng xe tải đến cảng biển của Guinea hay không, Giám đốc điều hành Jakob Stausholm cho biết ông không loại trừ khả năng, nhưng rất khó để điều này xảy ra.

Ông nói: “Rõ ràng là Chính phủ Guinea tin rằng giải pháp phù hợp cho Simandou là giải pháp đường sắt nối từ Simandou ra Đại Tây Dương và đó là dự án mà chúng tôi đang nghiên cứu.”

Dự án Simandou của Rio Tinto có sự hợp tác của một nhà sản xuất nhôm thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc Chinalco. Vào năm ngoái, truyền thông Trung Quốc đưa tin nhà sản xuất thép thuộc sở hữu nhà nước Baowu đang tiến hành mua lại cổ phần của Chinalco.

Nhóm doanh nghiệp thứ hai gồm các công ty Trung Quốc, Singapore và Pháp cũng đang cố gắng xây dựng một mỏ khai thác lân cận tại tỉnh Simandou và Rio Tinto đang nghiên cứu xem liệu có tiềm năng hợp tác về cơ sở hạ tầng hay không.  

Ông Stausholm cho biết: “Có hai nhóm doanh nghiệp đang xem xét các lựa chọn ở đây và chúng tôi cần bàn luận với Chính phủ Guinea về cách mà chúng tôi có thể tiến hành điều đó. Chúng tôi có rất nhiều nguồn lực chuyên dụng để nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục