Lúa mì biến đổi gen chịu hạn ngày càng được nhiều quốc gia chấp thuận

16:32' - 28/03/2023
BNEWS Lúa mì biến đổi gen chịu hạn được kỳ vọng có thể giúp cải thiện năng suất và gia tăng sản lượng trong điều kiện mưa ít.

Theo Tạp chí Nông nghiệp Quốc tế, dưới áp lực của các nhóm chống đối, sự hiện diện của lúa mì biến đổi gen không phổ biến trong một thời gian dài. Tuy nhiên, với sự phát triển của các giống chịu hạn cùng áp lực gia tăng của biến đổi khí hậu và chiến tranh ở Ukraine, vị thế pháp lý của lúa mì biến đổi gen hiện đang ngày càng nâng cao nhanh chóng trên toàn cầu.

Đã có những bước tiến đáng kể trong vòng 10 năm trở lại đây trong việc nghiên cứu và phát triển lúa mì biến đổi gen. Trước đó, việc thương mại hoá các giống cây này không gặp thuận lợi do đây không phải là lựa chọn ưu tiên của nhiều nông dân dựa trên điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu. Sản lượng lúa mì không ổn định nếu trình trạng hạn hán nghiêm trọng.

Sự lan truyền ngày càng mạnh mẽ của những thông tin sai lệch và chưa chính xác, bao gồm cả những cuộc tấn công phi khoa học vào cây trồng biến đổi gen trong thời đại truyền thông xã hội ngày càng phát triển. Trong hơn một năm qua, thị trường ngũ cốc mất ổn định hơn do cuộc chiến kéo dài giữa hai quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn trên thế giới.

 

Mặc dù khả năng kháng côn trùng và thuốc trừ cỏ có thể là những đặc điểm mong muốn đối với lúa mì biến đổi gen, nhưng trọng tâm hiện tại là phát triển các giống có khả năng chịu hạn khi lượng mưa ngày càng thiếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vụ mùa, năng suất và đẩy hàm lượng protein trung bình lên mức hơn mức mà các nhà thu mua mong muốn.

Các nhà khí tượng học Hoa Kỳ cho biết,hạn hán có thể kéo dài nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ. Hầu hết mỗi đợt có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm do các kiểu khí hậu El Nino và La Nina thay đổi bất thường cứ sau 2 đến 7 năm.

Trước tình trạng này, lúa mì biến đổi chịu hạn được kỳ vọng có thể giúp cải thiện năng suất và gia tăng sản lượng trong điều kiện mưa ít và có thể giúp nuôi sống lượng dân số đang thiếu ăn tại những quốc gia đang phát triển.

Công ty Bioceres cho biết công nghệ chịu hạn HB4 của họ đã được chứng minh là làm tăng năng suất lúa mì lên 20% trong điều kiện nước tưới hạn chế. Tính trạng này mang lại lợi ích lớn trong hệ thống luân canh khi việc quản lý nước tưới ngày càng trở nên quan trọng.

Argentina là quốc gia đầu tiên cấp phép canh tác và thương mại hoá lúa mì HB4. Brazil là quốc gia thứ hai, sau Argentina, cho phép trồng loại ngũ cốc này. Diện tích lúa mì của Brazil và Argentina hiện đang chiếm 90% tổng diện tích lúa mì được trồng ở khu vực Mỹ Latinh. Việc phê duyệt này được đưa ra sau một quá trình xem xét lâu dài và nghiêm ngặt của CTNBio, một cơ quan chính phủ của Brazil chịu trách nhiệm phân tích các hoạt động của sinh vật biến đổi gen và chỉ hơn một năm sau khi nước này phê duyệt nhập khẩu bột mì HB4 vào tháng 11/2021.

Indonesia – quốc gia Đông Nam Á và là nhà nhập khẩu lúa mì lớn thứ hai thế giới,  gần đây đã phê duyệt sử dụng lúa mì chịu hạn HB4 làm thực phẩm. Cơ quan An toàn Thực phẩm Indonesia đã công bố quyết định này vào ngày 14/3 vừa qua.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cũng dự kiến sẽ sớm đưa ra quyết định đối với hồ sơ cấp phép canh tác của Bioceres cho giống lúa mì này tại Hoa Kỳ.

Ngoài ra, HB4 cũng đã được Colombia, Australia, New Zealand và Nigeria cho phép nhập khẩu để sử dụng trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Bioceres cũng đang đợi phê duyệt canh tác giống cây này tại Australia cho vụ mùa năm 2023.

Khác với ngô và đậu tương chủ yếu được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, lúa mì là loại ngũ cốc lương thực được con người tiêu thụ trực tiếp, do đó sự hoài nghi của một nhóm nhỏ chống đối vẫn là một trở ngại cần phải vượt qua để lúa mì biến đổi gen trở thành xu hướng chủ đạo và được lựa chọn. Tuy vậy, khi việc sản xuất lúa mì ngày càng bị hạn chế bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt và căng thẳng địa chính trị gia tăng, sự phản đối đối với lúa mì biến đổi gen năng suất cao, chịu hạn có thể sẽ suy yếu trong những năm tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục