Luật Bảo vệ môi trường: Bài 1- Lộ trình phân loại và “cân” rác thế nào?

10:27' - 30/11/2020
BNEWS Không hề đơn giản nếu áp dụng ngay tại Việt Nam việc phân loại rác tại gia đình và tính phí xử lý rác theo khối lượng (cách gọi dân gian là “thu phí theo cân”).

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2022. Một số điểm mới trong bộ Luật này sẽ được áp dụng sớm trên thực tế, nhưng một số điểm khác lại phải có lộ trình thực hiện lâu dài, bắt đầu từ thành thị và kết thúc ở khu vực nông thôn, miền.

Để làm rõ hơn các nội dung này, TTXVN giới thiệu 2 bài viết.

Bài 1- Lộ trình phân loại và “cân” rác

Không hề đơn giản nếu áp dụng ngay tại Việt Nam việc phân loại rác tại gia đình và tính phí xử lý rác theo khối lượng (cách gọi dân gian là “thu phí theo cân”). Bởi vậy Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đề ra lộ trình theo từng cấp độ và huy động các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cùng vào cuộc.

*Nhìn ra bên ngoài

Thái độ ứng xử với tài nguyên và môi trường tại một số quốc gia khiến người Việt thấy sốc.

Các phóng viên TTXVN thường trú tại Liên bang Nga từng thấy rất phiền khi phải phân tách hai “mạch điện” trong cùng một khối nhà gồm ba căn hộ liền kề. Một căn hộ được đăng ký là văn phòng làm việc và phải chịu giá điện cao hơn so với hai căn hộ bên cạnh được đăng ký là nơi ở của phóng viên cùng gia đình.

Không ai đến tận nơi thu phí mà các phóng viên phải đến nộp tiền điện ở hai cơ sở khác nhau.

Hơn thế nữa, người tiêu dùng phải đăng ký lượng điện ước lượng sẽ được tiêu thụ trong từng tháng. Mức đăng ký và mức sử dụng càng khớp nhau càng tốt, nếu không thì phải điều chỉnh. Mục đích là để “nhà đèn” biết được một cách tương đối mức độ tiêu thụ điện năng ở một khu dân cư, phường, quận cụ thể, tránh tình trạng quá tải cho đường dây, trạm biến áp…

Tại Cộng hòa Liên bang Đức những người Việt mới sang lấy làm khó hiểu khi chứng kiến cảnh người đồng hương đã định cư lâu năm mở vòi nước một cách “khẽ khàng”, thậm chí nước vo gạo được tái sử dụng để rửa rau rồi sau đó được đem đi tưới cây. Lời giải thích rất đơn giản: giá nước sinh hoạt khá cao và giá… nước thải cũng không rẻ, nghĩa là trong một căn hộ có cả đồng hồ đo nước sạch và đồng hồ đo lượng nước thải vào cống.

Ngay trong ngày đầu tiên có mặt tại Cộng hòa Séc người viết bài này đã được dạy một bài học về cách ứng xử với rác thải. Sau khi đến “trình diện” ở cơ quan chuyên trách về vấn đề di trú, phóng viên TTXVN tiện tay định vứt ít giấy lộn vào thùng rác bên dưới một tòa nhà chung cư. Người bạn đi cùng đã ngăn lại: “Thùng rác này chỉ dành cho những người sống trong ngôi nhà bên cạnh. Thùng rác của anh đặt ở nơi mà anh vừa đăng ký cư trú”.

Rác thải nhựa được thu thập để tái chế. Ảnh: AFP/ TTXVN

Để được chấp nhận vào ở trong một ngôi nhà thuê ở quận Praha 5 (Thủ đô Praha, CH Séc) các phóng viên TTXVN phải đến công ty môi trường để thuê thùng đựng rác và ứng trước một khoản phí cho 12 tháng.

Tùy theo nhu cầu xả rác mà chủ nhà (hoặc người thuê nhà) có thể thuê 1, 2, hay 3 thùng rác và phải trả trước khoản phí tương ứng. Xe chở rác đến nhà vào một khung giờ nhất định trong tuần (chứ không phải hằng ngày) và chỉ thu nhận rác trong số thùng đã đăng ký trước, không nhận các túi rác buộc lủng lẳng bên ngoài thùng.

Nếu tuần này lỡ xả nhiều rác thì những người sống trong căn nhà phải dè sẻn rác trong tuần sau vì sức chứa của thùng có hạn. Đó là cách mà chính quyền thành phố Praha thu phí xử lý rác không phải theo cân mà theo khối lượng. Còn việc phân loại rác sinh hoạt gia đình tại CH Séc thì được áp dụng theo một cách rất cầu kỳ.

Vấn đề nhận thức được đưa lên hàng đầu. Từ năm 1992 ở Séc đã ra đời trang web www.jaktridit.cz (có nghĩa là "phân loại thế nào") chuyên về đề tài xử lý rác. Trang web không chỉ giải thích cho cả người lớn lẫn trẻ em cách phân loại rác ngay trong căn bếp nhà mình mà còn trả lời câu hỏi của bạn đọc từ cách nhìn nhận của chuyên gia về môi trường.

Trong căn bếp của phần lớn các gia đình đều có hai xô rác – xô đựng rác hữu cơ và xô đựng rác vô cơ. Rác vô cơ được phân ra theo kích cỡ và thành phần để tiện cho việc đổ rác đúng quy định – thủy tinh, giấy vụn, nhựa, hộp giấy đựng thức uống.

Từ năm 1992 trên khắp lãnh thổ CH Séc các thùng rác vô cơ được phân thành bốn loại. Loại 1 đựng giấy và bìa các tông (papír). Loại 2 đựng đồ nhựa (plast). Loại 3 đựng thủy tinh (sklo). Thùng rác thủy tinh có hai loại – màu trắng và màu xanh. Màu trắng dành cho thủy tinh không màu. Màu xanh dành cho thủy tinh màu. Loại 4 đựng vỏ hộp đồ uống bằng giấy.

Bốn loại thùng rác này phổ biến cả ở vùng nông thôn lẫn thành thị. Ngoài ra còn có hai loại thùng rác nữa chỉ có ở những thành phố lớn và cạnh các cửa hàng tại vùng nông thôn với mật độ dân số cao - loại 5 đựng quần áo và giày dép (textil), loại 6 đựng đồ điện và điện tử cỡ nhỏ (elektro). Hiện nay tại Séc có tất cả 270.000 thùng rác các loại dành cho 10,5 triệu dân. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và sự nghiêm minh của pháp luật mà 2/3 dân số cả nước có ý thức phân loại rác rất tỉ mỉ tại gia đình.

Rác sau khi phân loại được chở đến nhà máy để xử lý. Có đến 80% lượng giấy và thủy tinh được sử dụng ở Séc là sản phẩm tái chế từ rác thải. Rác điện tử được tách phần kim loại để nung chảy thành thép.

Tại CH Séc còn có quy định riêng dành cho rác độc hại không thể cho vào thùng rác hỗn hợp lẫn thùng rác phân loại, đó là pin, ắc quy; bóng đèn tiết kiệm điện và bóng đèn lưu huỳnh; các hóa chất và các thiết bị chứa hóa chất; đồ điện cỡ lớn (tivi, tủ lạnh...); lốp ô tô, xe máy. Người dân có thể giao nộp pin, ắc quy và bóng đèn đã qua sử dụng tại bãi rác thành phố, các cửa hàng đồ điện tử hoặc các siêu thị trên khắp cả nước. Do những chất thải này đều chứa thủy ngân cực kỳ độc hại nên các cơ sở nói trên có trách nhiệm phải tiếp nhận cùng với một khoản phí nhỏ. Các hiệu sửa xe, thay lốp bắt buộc phải nhận lốp ô tô, xe máy cũ do người dân mang đến.

Tại Nhật Bản, tính đến năm 2018, hơn 60% các tỉnh, thành phố ở Nhật Bản áp dụng hệ thống thu phí đối với rác đốt được và 50% đối với rác không đốt được từ các hộ gia đình. Có đến 97% lượng rác thải được “tính phí theo cân”, chính xác hơn là theo khối lượng.

Từ năm 1995 Hàn Quốc áp dụng chính sách thu phí chất thải dựa trên khối lượng và áp dụng luôn cho toàn quốc. Phí xử lý rác thải được thực hiện thông qua việc bán túi thu gom. Các túi rác đóng góp 40% tổng chi phí xử lý rác, số kinh phí còn lại do Nhà nước cấp.

*Lộ trình ở nước ta

Tỷ lệ chôn lấp rác thải ở Việt Nâm cao, một phần do rác chưa được phân loại nên khó xử lý theo cách khác. Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định việc thu phí rác phải dựa trên khối lượng, thể tích thay cho việc thu tiền bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay.

Cơ chế thu phí rác theo khối lượng sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn do nếu không áp dụng thì phí rác sẽ cao. 

Luật quy định rác thải sinh hoạt phải được phân làm ba loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Ban soạn thảo Luật đã nghiên cứu mô hình và kinh nghiệm của các quốc gia đi trước về vấn đề phân loại rác như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Để bảo đảm tính khả thi của cơ chế thu phí rác theo khối lượng, Luật đã đưa ra một số quy định: Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương mà UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024. Theo đó, tại các điểm tập kết rác thải, nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển rác có quyền từ chối phục vụ và thông báo với cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định gia đình, cá nhân nào vi phạm để xử lý nghiêm (thu thập bằng chứng qua hệ thống camera giám sát).

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp có trách nhiệm vận động người dân thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tổ dân phố, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ của người dân, xử lý hoặc chuyển lên cấp có thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Ngoài ra, các gia đình, cá nhân ở khu vực nông thôn thì sau khi phân loại rác thải được khuyến khích tận dụng tối đa lượng chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn cho gia súc.

Nhằm hướng tới sự phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế, tái sử dụng phế liệu trong nước để hạn chế việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất thì Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định trách nhiệm phân loại chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thành các loại: nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất; nhóm chất thải rắn đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng; nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý.

Bên cạnh đó Luật lần đầu tiên quy định trách nhiệm mở rộng của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì có khả năng tái chế hay khó có khả năng tái chế phải thu hồi với tỷ lệ và quy cách bắt buộc, hoặc thông qua hợp đồng dịch vụ, hoặc có cơ chế đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì do họ sản xuất, nhập khẩu. 

Bài 2: Đổi mới quản lý môi trường đối với doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục