Luật Đất đai 2024: Bảo đảm bình đẳng quyền tiếp cận đất đai giữa các doanh nghiệp

17:56' - 03/04/2024
BNEWS BNEWS xin giới thiệu bài phỏng vấn Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn của Tạp chí Vietnam Law and Legal Forum, TTXVN về một số nội dung của Luật Đất đai 2024.

Quyền tiếp cận đất đai là một trong những vấn đề hết sức quan trọng đối với các doanh nghiệp nói chung và đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam nói riêng.

Luật Đất đai 2024 vừa được ban hành được đánh giá có nhiều điểm mới nhằm hạn chế những rào cản đối với doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm bình đẳng về quyền tiếp cận đất đai giữa doanh nghiệp có vốn ĐTNN với tổ chức kinh tế trong nước, góp phần đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Tạp chí Vietnam Law and Legal Forum, TTXVN, đã có cuộc trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), về một số nội dung của Luật Đất đai 2024.

PV: Xin ông cho biết một số điểm mới của Luật đất đai 2024 tác động đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam?

Ông Đậu Anh Tuấn: Luật Đất đai 2024 mà Quốc hội vừa thông qua vào tháng 1/2024 vừa qua là một đạo luật quan trọng, có tác động lớn đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh của Việt Nam. Dưới góc nhìn của chúng tôi, Luật Đất đai 2024 có một số tác động quan trọng như sau:

Luật Đất đai 2024 đã mở rộng đối tượng sử dụng đất. Ngoài người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tại điều 4, khoản 6 bổ sung thêm đối tượng là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Theo Luật Quốc tịch Việt Nam thì “Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài”.

Điều 28 Luật Đất đai 2024 đã quy định người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được quyền: i) Mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; ii) Nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự; iii) Nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự.

Như vậy Luật Đất đai 2024 đã mở rộng đối tượng được quyền thuê mua nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở. Đây là một điểm tiến bộ lớn.

Hay một số chế định quan trọng khác như Luật Đất đai 2024 mở rộng phạm vi sử dụng đất. Tại Điều 218, khoản 1 đã quy định: a) Đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu; b) Đất sử dụng vào mục đích công cộng được kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ; c) Đất xây dựng công trình sự nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ; d) Đất ở được sử dụng kết hợp với mục đích nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, công trình sự nghiệp có mục đích kinh doanh…

Điều này tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trên thực tế thời gian qua như sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp cần phải xây dựng cơ sở chế biến tại chỗ, kho xưởng, hay kết hợp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp với phát triển du lịch… Đây cũng là một quy định thông thoáng hơn.

Lĩnh vực nông nghiệp cũng có những thay đổi lớn. Điều 45 Luật Đất đai 2024 cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa, nếu nhận chuyển nhượng quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa và được UBND cấp huyện phê duyệt.

 Điều 177 tăng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần (Luật Đất đai 2013 là 10 lần) hạn mức giao đất nông nghiệp.

Các quy định mới này đã khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, thị trường, khuyến khích sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật…

Ngoài ra tinh thần chung của Luật Đất đai 2024 là tích cực tháo gỡ chồng chéo, xung đột pháp luật vốn là một điểm nghẽn thời gian qua. Chương 16 của Luật Đất đai 2024 cũng đã trực tiếp sửa 8 luật có liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, bãi bỏ 1 nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến đất đai.

Luật Đất đai 2024 cũng tích cực đi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, nhiều quy định theo hướng tích cực phân quyền phân cấp, trao nhiều quyền cấp Trung ương xuống cấp tỉnh, tăng quyền hạn chính quyền cấp huyện… Đây cũng là xu hướng mà tôi tin rằng sẽ giúp thủ tục hành chính nhanh hơn, rõ hơn. 

 

 

PV: Theo ông, thay đổi pháp lý nào đáng chú ý tác động đến quyền tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài?

Ông Đậu Anh Tuấn: Nhìn chung những chế định tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong Luật Đất đai 2024 thì không khác nhiều so với các luật trước.

Điểm tích cực là Luật Đất đai 2024 tại khoản 46 Điều 3 xác định chủ thể sử dụng đất là:“tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” theo quy định của Luật đầu tư 2020 (tức doanh nghiệp có trên 50% vốn điều lệ, đa số thành viên hợp danh là nhà đầu tư nước ngoài). Trước đây, Luật Đất đai 2013 quy định về chủ thể này là: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư”.

Có thể nói, quy định của Luật Đất đai 2024 đã phù hợp, đồng bộ với quy định của Luật Đầu tư 2020 về khái niệm tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

PV: Với vai trò là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp, VCCI đã và sẽ có những hoạt động gì để phổ biến Luật Đất đai đến doanh nghiệp cũng như tập hợp ý kiến xây dựng các văn bản hướng dẫn luật trong thời gian tới?

Ông Đậu Anh Tuấn: Đây là một đạo luật lớn, quan trọng và rất phức tạp. Trong thời gian tới, VCCI sẽ tham gia rất tích cực vào hoạt động phổ biến, tuyên truyền Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn cùng các luật có liên quan tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

 VCCI đã phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tổ chức các chương trình tập huấn, phổ biến chuyên sâu cho doanh nghiệp về các nội dung quan trọng của Luật Đất đai vào ngày 21/3 vừa qua tại Hà Nội và 12/4 tại thành phố Hồ Chí Minh.

VCCI cũng sẽ chủ động tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng các nghị định và thông tư hướng dẫn. Dự kiến để thực hiện Luật Đất đai 2024, Chính phủ sẽ ban hành 9 Nghị định hướng dẫn do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo. Quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn cần phải giữ được đúng tinh thần của Luật, đây cũng là một yêu cầu đặc biệt quan trọng. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục