Luật hóa hoạt động cấp, thoát nước có giúp đô thị thoát "ngập"

17:45' - 29/11/2023
BNEWS “Phố hóa thành sông” ở đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… diễn ra phổ biến khi mưa lớn kéo dài. Luật hóa hoạt động cấp, thoát nước được kỳ vọng sẽ giúp đô thị thoát "ngập".

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu. Cùng với quá trình đô thị hóa thì vấn đề ngập lụt đô thị đang diễn biến phức tạp, gây trở ngại cho sự phát triển của các đô thị.

Đặc biệt, thực trạng “phố hóa thành sông” thường xuyên xảy ra ở các khu vực đô thị lớn, tập trung đông dân cư như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… khi có mưa lớn.

Dưới góc độ khoa học, các chuyên gia về thủy lợi cho rằng, việc ngập lụt đô thị không còn dừng lại ở các thành phố ven biển mà ngay cả những thành phố, đô thị lớn ở đồng bằng hay miền núi trung du cũng bị ảnh hưởng như thành phố Đà Lạt, Lai Châu...

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ cơ sở hạ tầng yếu kém, quy hoạch chưa đồng bộ và đặc biệt là vẫn thiếu hành lang pháp lý xuyên suốt trong lĩnh vực cấp thoát nước nói chung hay thoát nước và xử lý nước thải nói riêng. Việc luật hóa hoạt động cấp, thoát nước được kỳ vọng sẽ góp phần giải bài toán ngập lụt đô thị.  

Cùng với phát triển kinh tế, việc quản lý chống ngập lụt, thu gom, xử lý nước thải triệt để đang là mối quan tâm của xã hội. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán vào mùa khô và lũ lụt, lũ quét vào mùa mưa, việc quản lý và đầu tư phát triển cấp nước, thoát nước, thu gom, xử lý nước thải cần được thể chế trong văn bản Luật. Điều này vừa nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn vừa đồng bộ, hiệu quả trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cấp, thoát nước, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các định hướng, chiến lược, chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo về đầu tư phát triến cấp, thoát nước đô thị, nông thôn đáp ứng nhu câu sử dụng nước sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội.

Về phía các địa phương, nhằm cụ thể hóa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật, nhiều tỉnh, thành phố cũng đã ban hành quy định về quản lý phát triển cấp, thoát nước và xử lý nước thải phù họp với điều kiện của từng tỉnh.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương đã phê duyệt quy hoạch chuyên ngành cấp, thoát nước cho 5 thành phố trực thuộc Trung ương; 4 quy hoạch cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải 3 vùng kinh tế trọng điểm và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 25 đồ án quy hoạch cấp nước đô thị và vùng nông thôn lân cận; 61 đồ án quy hoạch cấp nước nông thôn; đến nay đã có 18 đồ án quy hoạch chuyên ngành thoát nước đô thị.

Tuy nhiên, do chưa có luật chuyên ngành, trong khi hoạt động, dịch vụ về cấp, thoát nước lại bị chi phối bởi nhiều luật khác có liên quan nên đang tác động trực tiếp và gián tiếp đến việc huy động nguồn lực đầu tư, vận hành công trình cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải... – Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nêu rõ.

Ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng (Bộ Xây dựng) chia sẻ, trên cơ sở rà soát hơn 30 văn bản luật hiện hành cho thấy các Luật hiện hành chưa quy định các nội dung cụ thể về sản xuất, cung cấp nước sạch, thoát nước mưa chống ngập bên trong khu đô thị, khu dân cư, thu gom, xử lý nước thải và quản lý dịch vụ.

Pháp luật quản lý lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải hiện chưa có luật chuyên ngành riêng mà đang thực hiện theo các Nghị định được ban hành từ 10-15 năm trước đây nên không còn phù hợp với nhu cầu phát triển ngành cấp, thoát nước; thậm chí còn đang bị chi phối bởi nhiều Luật có liên quan khác.

Bên cạnh đó, nội dung của quy hoạch cấp nước, thoát nước chưa quy định cụ thể trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nên đã hạn chế việc lập dự án đầu tư; quy hoạch cấp nước thiếu tính liên kết vùng, hạn chế hỗ trợ phát triển cấp nước nông thôn, thiếu tính bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và ô nhiễm nguồn nước do nước thải.

Hiện nguồn lực đầu tư phát triển thoát nước và xử lý nước thải từ ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội hóa chưa hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu, chỉ khoảng 15% nước thải đô thị được thu gom, xử lý – ông Vinh dẫn chứng...

Tiến sỹ Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận xét, hiện nay, hầu hết các nước phát triển và đang phát triển trên thế giới đều có Luật Thoát nước, Luật Cấp, thoát nước hoặc kết hợp với một số lĩnh vực khác như tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng, xây dựng... Nội dung Luật Thoát nước của các quốc gia chủ yếu quy định về quản lý đầu tư, vận hành và bảo dưỡng công trình thoát nước, quản lý đấu nối, chất lượng dịch vụ, vai trò, công cụ kiểm soát của Chính phủ.

Mục đích của Luật Cấp, thoát nước là đóng góp vào sự phát triển lành mạnh của các đô thị và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, bảo vệ chất lượng nước ở các vùng nước công cộng bằng cách quy định những vấn đề liên quan đến quy hoạch toàn diện lưu vực hệ thống thoát nước và các tiêu chuẩn… để lắp đặt và cho hoạt động quản trị khác của hệ thống thoát nước công cộng, hệ thống thoát nước khu vực và hệ thống thoát nước mưa đô thị để phát triển hệ thống thoát nước.

Không nằm ngoài xu thế đó, Bộ Xây dựng vừa có Tờ trình số 53/TTr-BXD về việc đề nghị xây dựng Luật Cấp, Thoát nước. Mục đích là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ làm công cụ quản lý, phát triển cấp nước sạch, thoát nước mưa chống ngập và thu gom, xử lý nước thải từ chiến lược, quy hoạch, đầu tư xây dựng đến khai thác vận hành.

Cùng đó, bảo đảm cung cấp nước sạch ổn định, bền vững, bảo vệ môi trường, góp phân nâng cao chât lượng cuộc sông, bảo vệ sức khỏe con người, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cấp, thoát nước và bảo đảm quyền được tiếp cận nguồn nước sạch của người dân, quyền xả thải có kiểm soát.

Mặt khác, hành lang pháp lý này giúp bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đầu tư, vận hành công trình cấp, thoát nước. Đặc biệt, xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư và vận hành công trình cấp, thoát nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục