Luật hóa sử dụng, tái chế hóa chất

10:20' - 26/02/2024
BNEWS Để nâng cao kiểm soát, quản lý hóa chất, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu, ban hành và “luật hóa” hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cho việc sử dụng, tái chế chất thải hóa chất.

Cùng với sự hội nhập sâu rộng, ngành hóa chất trong nước thời gian qua đã có bước phát triển nhiều mặt khi áp dụng công nghệ mới, hiện đại đem lại nhiều lợi ích trong sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, khi nhu cầu về sản phẩm hóa chất ngày càng tăng, nhập khẩu nhiều khiến cho lĩnh vực này gặp khó khăn trong quản lý, tiềm ẩn nguy cơ phát thải hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ô nhiễm môi trường.

 

Ngành công nghiệp hóa chất là ngành sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên như quặng apatit, than đá, dầu mỏ…, đồng thời cũng là ngành phát sinh ra nhiều chất thải nguy hại. Nhiều sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất hiện nay chưa được sử dụng hiệu quả hoặc chưa được xử lý triệt để. Nhiều nước hiện đang theo đuổi và đã luật hóa các quy định liên quan đến quản lý, kinh tế tuần hoàn trong ngành này.

Theo TS. Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam, ngành hóa chất, phân bón trong nước nhiều năm qua đã có sự thay đổi nhất định theo xu hướng chung của thế giới về hóa học xanh, ưu tiên các dự án về hydro xanh, amoniac xanh. Điển hình là một số nhà máy ure đã triển khai thành công quá trình thu hồi CO2 trong sản xuất, để tái tổng hợp thành phân ure như: Nhà máy Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc....

Tuy nhiên thực tế, ngành hóa chất vẫn được xem là lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao và khó quản lý.

Theo ông Phạm Huy Nam Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, có nhiều dự án mới trong lĩnh vực hóa chất đã sử dụng công nghệ hiện đại nhưng còn không ít dự án cũ nằm gần khu dân cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, còn sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ.

Cùng đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, còn sự chồng chéo giữa các văn bản, bộ ngành. Trong thời gian vừa qua, nhiều quy định pháp luật mới như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Luật Phòng chống ma túy, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Bảo vệ môi trường được ban hành với nhiều điểm đổi mới so với thời điểm ban hành Luật Hóa chất.

Những thay đổi này cùng với xu hướng chuyển hệ thống quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cải cách, hiện đại hóa hành chính dẫn tới việc các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất phải thay đổi theo, dần làm giảm tính hài hòa, thống nhất trong toàn bộ hệ thống quy định về quản lý hóa chất.

Ngoài ra, quản lý hóa chất hiện còn gặp khó từ ý thức quản lý hóa chất tại doanh nghiệp, địa phương còn chưa cao; Luật Hóa chất và các văn bản hướng dẫn còn thiếu các quy định phù hợp để quản lý các đối tượng sản xuất, kinh doanh hóa chất có tính chất đặc thù; nhiều hóa chất nguy hiểm trong công nghiệp nhưng được sử dụng sai mục đích; các quy định về hoạt động sử dụng hóa chất hiện nay chưa tương xứng với mức độ rủi ro.

Theo các chuyên gia trong ngành này, để có thể nâng cao khả năng kiểm soát, quản lý hóa chất, đồng thời tiến tới xanh hóa, tái chế các sản phẩm hóa chất, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu, ban hành và “luật hóa” hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cho việc sử dụng, tái chế chất thải trong ngành hóa chất.

Ông Phạm Huy Nam Sơn cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương đã lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi), thay thế cho Luật Hóa chất năm 2007. Dự kiến trong quý I/2024 này sẽ thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập, xây dựng dự thảo 1 và tổ chức các hội thảo lấy ý kiến tại 3 miền; quý II/2024, hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật, trình Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét; quý III/2024 – quý I,II/2025, Trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp lần thứ 8 (tháng 10/2024), hoàn thiện Dự án Luật và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp lần thứ 9 (tháng 5/2025); dự kiến quý III,IV/2025, công bố Luật và thực hiện chương trình phổ biến Luật Hoá chất sửa đổi.

Luật Hoá chất sửa đổi sau khi được ban hành sẽ giúp hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ hoạt động hóa chất hướng tới tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời bảo vệ con người, môi trường; thúc đẩy ngành công nghiệp hóa chất phát triển theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, an toàn, thân thiện với môi trường; đơn giản hoá và điện tử hoá các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ, thực hiện; chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong quản lý nhà nước về hoá chất; hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành, phối hợp giữa trung ương và địa phương; cơ chế phân cấp – phân quyền trong quản lý hoá chất…

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 cũng định hướng xây dựng ngành công nghiệp hoá chất theo hướng hiện đại với cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác. Cùng đó phát triển các tổ hợp hoá chất tập trung, trung tâm logistics về hoá chất.

Các khu công nghiệp hóa chất tập trung được định hướng xây dựng tại các địa điểm vị trí địa - kinh tế, chính trị thuận lợi, có lợi thế về nguồn nguyên liệu, cung cấp đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dịch vụ cho người lao động, dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa…, có hệ thống quản lý, giám sát để đảm bảo yêu cầu về an toàn, môi trường.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất xây dựng khung khổ pháp luật, xây dựng các chính sách hỗ trợ đủ mạnh làm tiền đề cho ngành công nghiệp hóa chất phát triển thành ngành công nghiệp nền tảng hiện đại…, đại diện Cục Hóa chất cho biết.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục