Lượng khí thải của các nền kinh tế lớn sụt giảm

07:05' - 29/05/2024
BNEWS Theo một phân tích mới, lượng khí thải CO2 của Trung Quốc trong tháng 3/2024 đã giảm lần đầu tiên kể từ khi nền kinh tế nước này mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19.

Đây có thể là dấu hiệu cho thấy lượng khí thải CO2 của nước này đã lên đến đỉnh điểm.

Sự sụt giảm khí thải CO2 trong tháng 3/2024 là nhờ Trung Quốc mở rộng công suất năng lượng tái tạo, với công suất tăng thêm đảm nhận gần như toàn bộ tăng trưởng nhu cầu điện, và nhờ phát thải trong hoạt động xây dựng giảm mạnh.

Theo nhà phân tích Lauri Myllyvirta, thuộc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch, nếu công suất tái tạo ở Trung Quốc tiếp tục các mức  tăng kỷ lục, năm 2023 chính là năm lượng khí thải của Trung Quốc đạt đỉnh.

Trong bài viết trên Carbon Brief, Myllyvirta cho biết dựa trên phân tích dữ liệu chính thức, lượng khí thải CO2 của Trung Quốc đã giảm 3% vào tháng 3/2024 so với cùng kỳ năm 2023. Lượng phát thải trong quý I/2024 nói chung vẫn cao hơn nhưng đó là do các mức phát thải trong tháng 1/2024 và tháng 2/2024 được so sánh với các mức phát thải rất thấp của tháng 1-2/2023 khi các hoạt động mới chỉ bắt đầu phục một cách chậm chạp sau khi nước này chính thức dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch vào tháng 12/2022.

Phân tích chỉ ra tháng Ba là tháng đầu tiên cung cấp dấu hiệu rõ ràng về xu hướng phát thải sau khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại. Mặc dù đây mới chỉ là dữ liệu của 1 tháng đơn lẻ nhưng lại phù hợp với các dự báo từ năm 2023 và gợi ý về các xu hướng chính.

Lượng phát thải từ ngành điện ổn định nhờ tăng cường sản xuất năng lượng Mặt Trời và gió, trong khi phát thải trong sản xuất thép giảm 8% và sản xuất xi măng giảm mạnh 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này phù hợp với thực tế lĩnh vực bất động sản phát triển chậm lại và có khả năng tình trạng này sẽ kéo dài.

Đáng chú ý, trong khi nhu cầu điện tăng lên - kể cả ở các hộ gia đình do mua máy điều hòa không khí -  thì có đến gần 90% nhu cầu điện tăng thêm trong tháng 3 được đáp ứng bằng năng lượng tái tạo. Phân tích chỉ ra phần lớn công suất tái tạo ở Trung Quốc có được từ các cơ sở năng lượng Mặt Trời quy mô nhỏ, đang đóng vai trò càng quan trọng trong việc bổ sung công suất năng lượng tái tạo ở nước này.

 

Trong quý đầu tiên của năm, việc lắp đặt các cơ sở năng lượng Mặt Trời và gió quy mô nhỏ đã tăng 40%. Dù vậy, vẫn có những hạn chế về khả năng đưa công suất điện mới hòa vào lưới điện và kết quả là điện gió và Mặt Trời mới chỉ chiếm 15% sản lượng điện của Trung Quốc. Nhà chức trách đang nỗ lực để năng lượng tái tạo hòa vào lưới điện hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, số lượng xe điện được sử dụng ngày càng nhiều, với xe điện hiện chiếm hơn 10% tổng số phương tiện lưu thông trên đường - tăng từ mức 7% vào năm ngoái, giúp giảm phát thải trong hoạt động giao thông.

Tuy nhiên, phân tích cũng lưu ý lộ trình phát thải của Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn, với nhiều quan điểm khác nhau về việc liệu tốc độ lắp đặt các cơ sở năng lượng tái tạo sẽ nhanh hơn hay chậm lại. Các mục tiêu của chính phủ về tăng trưởng GDP và cường độ carbon - lượng khí thải được tạo ra trên một đơn vị GDP - cho thấy Bắc Kinh vẫn có thể đang trên đà tăng lượng khí thải.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida mới đây đã chỉ đạo các quan chức chính phủ xây dựng chính sách công nghiệp và khử carbon quốc gia đến năm 2040. Động thái nhằm đạt được đặt mục tiêu cắt giảm khí thải trong khi thu hút các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như chất bán dẫn.

Tại cuộc họp về “Chuyển đổi xanh” (GX), Thủ tướng Kishida đã thúc giục các cuộc thảo luận toàn diện về chuyển đổi nền kinh tế và xã hội để “vạch ra một lộ trình thực tế cho khu vực công và tư nhân hướng tới quá trình khử carbon”.

Chiến lược công nghiệp mới được biên soạn trong năm nay sẽ là chiến lược đầu tiên của Nhật Bản hướng tới năm 2040. Chiến lược sẽ tập trung vào bốn nội dung cốt lõi gồm nguồn cung năng lượng, vị trí của các ngành công nghiệp, cơ cấu công nghiệp và tạo lập thị trường. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể lập kế hoạch đầu tư phù hợp trong dài hạn.

Song song với việc đó, Chính phủ Nhật Bản cũng đang chuẩn bị sửa đổi “Kế hoạch Năng lượng cơ bản” trong năm tài chính 2024, kết thúc vào cuối tháng 3/2025. Thủ tướng Kishida sẽ tìm cách thiết lập các chính sách nhằm thúc đẩy các nguồn năng lượng phi carbon, mở rộng lưới điện và khuyến khích chuyển đổi sang các quy trình ít sử dụng carbon hơn trong ngành thép và các ngành công nghiệp khác.

Dự kiến, Chính phủ sẽ tổ chức nhiều cuộc họp với các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau với mục tiêu hoàn thiện dự thảo đề xuất vào cuối năm nay.

Động thái thúc đẩy này diễn ra khi Nhật Bản đang thu hút đầu tư vào các trung tâm dữ liệu, nhà máy bán dẫn và những doanh nghiệp khác có nhu cầu năng lượng lớn. Theo một ước tính, mức tiêu thụ điện của Nhật Bản có thể tăng 35% - 50% so với mức hiện tại vào năm 2050. Các chuyên gia đã kêu gọi Chính phủ đi đầu trong việc thúc đẩy những nguồn năng lượng phi carbon để đảm bảo đáp ứng nhu cầu năng lượng.

Các địa điểm thích hợp cho những trang trại năng lượng Mặt Trời và gió ở Nhật Bản tập trung ở một số khu vực, bao gồm Hokkaido và Kyushu. Nhật Bản sẽ xem xét việc tạo ra các trung tâm công nghiệp xanh ở những khu vực này.

Chính phủ Kishida coi quá trình khử carbon là động lực kinh tế quan trọng. Chính phủ đã xây dựng “Chiến lược thúc đẩy chuyển đổi xanh” vào năm 2023, bao gồm việc thông qua kế hoạch rót 20.000 tỷ yen (128 tỷ USD) vào lĩnh vực này vào năm tài chính 2032. Mục tiêu là hiện thực hóa tổng cộng hơn 150.000 tỷ yen đầu tư của khu vực công và tư nhân vào công nghệ và cơ sở vật chất mới.

Chính phủ Nhật Bản cũng đang nghiên cứu một khuôn khổ chi tiết về hệ thống giao dịch khí thải, dự kiến triển khai toàn diện vào năm tài chính 2026. Hệ thống có thể yêu cầu các doanh nghiệp phát thải cao như tiện ích, nhà sản xuất thép và các công ty hóa chất tham gia vào chương trình này.

Còn tại Liên minh châu Âu (EU), lượng khí CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch do khối này tạo ra trong năm 2023 đã giảm khoảng 8% so với năm 2022, giúp đẩy lượng khí thải loại này của khối xuống mức thấp nhất trong 60 năm.

Theo phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (Crea), mức giảm nêu trên là mức giảm hàng năm mạnh nhất kể từ sau năm 2020, khi các chính phủ đóng cửa các nhà máy và đình chỉ các chuyến bay để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Báo cáo cho thấy hơn một nửa lượng khí thải giảm tại EU là nhờ khối này sử dụng điện từ các nguồn sạch hơn. Theo dữ liệu của ngành, EU đã lắp đặt số lượng tấm pin Mặt Trời và tua-bin gió cao kỷ lục vào năm 2023, đồng thời có thể tạo ra nhiều điện hơn từ các đập và nhà máy điện hạt nhân từng bị ảnh hưởng bởi hạn hán và tạm đóng cửa để sửa chữa vào năm trước.

Cũng theo báo cáo, nhu cầu điện thấp hơn nhờ thời tiết thuận lợi đã góp phần làm giảm 8% lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch. Việc cắt giảm khí thải trong các lĩnh vực như công nghiệp và vận tải chiếm 36%.

Tuy nhiên, các số liệu này không bao gồm các lĩnh vực như nông nghiệp, các quy trình như sản xuất xi măng hoặc các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác như metan. Các nhà phân tích cho rằng lượng khí thải nói chung vẫn đang giảm quá chậm.

Chuyên gia Sarah Brown thuộc tổ chức tư vấn năng lượng sạch Ember cho biết, sự suy giảm đáng kể lượng khí thải của EU - đặc biệt là từ ngành điện - cho thấy khối này đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch vốn đắt đỏ và nhiều rủi ro. Nhưng trong bối cảnh nhu cầu điện dự kiến sẽ tiếp tục tăng do xu hướng điện khí hóa mở rộng trong những năm tới, việc triển khai năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng phải theo kịp tốc độ chuyển đổi này.

Để góp phần kiểm soát tình trạng nóng lên toàn cầu, EU đã cam kết sẽ cắt giảm 55% lượng khí gây ô nhiễm vào cuối thập kỷ này so với mức của năm 1990, trước khi đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục