Lượng khí thải của Canada tăng trở lại sau dịch COVID-19

09:21' - 14/11/2022
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) của Canada đã tăng trở lại vào năm 2021, sau khi giảm mạnh trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19.

Các chuyên gia dự báo rằng lượng khí thải này sẽ tiếp tục tăng trong năm nay khi các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội đang trở lại bình thường.

Cụ thể, theo Cơ sở dữ liệu phát thải châu Âu phục vụ nghiên cứu khí quyển toàn cầu (dự án EDRAG), lượng khí thải carbon dioxide của Canada đã tăng 3% vào năm 2021 sau khi giảm gần 10% trong năm 2020.

Theo ước tính của tổ chức Global Carbon Project, vào cuối năm nay, nồng độ khí nhà kính trong khí quyển của thế giới sẽ cao hơn 51% so với thời kỳ tiền công nghiệp.

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Môi trường Canada, Steven Guilbeault cho biết ông cảm thấy lạc quan hơn bao giờ hết rằng Canada và phần còn lại của thế giới có thể tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - vốn đặt mục tiêu hạn chế sự nóng lên của Trái đất ở mức 1,5 độ C. Ông Guilbeault nhấn mạnh: "Chúng ta đã đạt được những tiến bộ to lớn. Nhưng còn rất nhiều điều cần phải làm".

Khi nói đến việc cắt giảm khí thải, Canada đang tụt hậu so với các nước cùng trình độ phát triển.

Tổ chức Global Carbon Project cho biết hy vọng lớn nhất để ngăn chặn sự nóng lên trên toàn cầu là 24 quốc gia đạt tăng trưởng kinh tế mạnh trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2021 tiếp tục cắt giảm lượng khí thải của họ. Canada không nằm trong số đó.

Canada là quốc gia duy nhất thuộc Nhóm các nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới (G7) không có trong danh sách, với lượng khí thải được giữ ổn định từ năm 2012 đến năm 2021.

Dữ liệu của châu Âu cho thấy lượng khí thải carbon của Canada trong năm 2021 tăng chậm nhất trong nhóm G7. Tuy nhiên, Canada đứng cuối trong G7 về giảm lượng khí thải carbon dioxide kể từ năm 2005. 

Trong 16 năm kể từ năm 2005, lượng khí thải carbon dioxide của Canada chỉ giảm 3%, trong khi mức giảm của Nhật Bản, Mỹ, Đức, Pháp, Italy và Vương quốc Anh tương ứng là 16%, 20%, 21%, 26%,  36% và 40%.

Dữ liệu cũng cho thấy Canada là quốc gia duy nhất trong G7 có lượng khí thải methane và nitrous oxide tăng trong giai đoạn 2005-2021, với mức tăng lần lượt là 2,7% và 18%.

Canada đã cam kết đến năm 2030, tổng lượng khí thải của nước này sẽ giảm từ 40-45%. 

Các tổ chức môi trường của Canada trong tuần này đã hy vọng ông Guilbeault sẽ tiết lộ giới hạn về lượng khí thải trong lĩnh vực dầu khí, nhưng dự kiến phải sang năm 2023 Chính phủ Canada mới công bố chi tiết về mức giới hạn này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục